Đề xuất mới về chế độ thai sản: Được nghỉ việc tới 120 ngày khi lao động nữ gặp phải trường hợp này (Hình từ internet)
Cụ thể, theo Điều 54 Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề cập quy định về thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi sẩy thai, phá thai, thai chết lưu như sau:
- Lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sẩy thai, phá thai, thai chết lưu theo chỉ định của người hành nghề trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:
+ 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;
+ 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;
+ 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 22 tuần tuổi;
+ 120 ngày nếu thai từ 22 tuần tuổi trở lên.
- Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 1 Điều 54 Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tính cả ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Như vậy, theo quy định được đề xuất trên thì khi người lao động nữ không may bị gặp phải trường hợp bị sẩy thai, phá thai hoặc thai bị chết lưu thì người lao động nữ sẽ hưởng chế độ thai sản được nghỉ việc từ 10 ngày và lên đến 120 ngày tùy vào số tuần tuổi của thai nhi theo quy định trên. Đề xuất trên đã tăng số ngày nghỉ thêm 70 ngày so với quy định hiện nay.
Hiện hành, tại Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định về thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý như sau: - Khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau: + 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi; + 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi; + 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi; + 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên. - Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. |
- Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:
+ Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;
+ Mức hưởng một ngày đối với trường hợp quy định tại Điều 32 và khoản 2 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày;
+ Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp quy định tại Điều 33 và Điều 37 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.
- Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.
- Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết về điều kiện, thời gian, mức hưởng của các đối tượng quy định tại Điều 24 và khoản 1 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
(Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)
Lê Nguyễn Anh Hào