Tham gia xây dựng Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi sau khi được thông qua (Hình từ internet)
Cụ thể, đối với nhiệm vụ tham mưu hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN theo hướng mở rộng độ bao phủ và phát triển người tham gia; tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật BHXH; Luật BHYT; Luật Việc làm; Luật An toàn, vệ sinh lao động; Luật Dược và các Nghị định, Thông tư, văn bản hướng dẫn:
Ban Thực hiện chính sách BHXH chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham gia xây dựng các Nghị định, Thông tư để tổ chức thực hiện Luật BHXH (sửa đổi) ngay sau khi được Quốc hội thông qua.
**Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội XV đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (Luật số 41/2024/QH15).
Nội dung Luật Bảo hiểm xã hội 2024 được đề cập tại Nghị quyết 142/2024/QH15 như sau:
13. Giao Chính phủ quy định đối tượng, điều kiện, mức hỗ trợ, trình tự, thủ tục giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất đối với người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động trước ngày 01/7/2024. Nguồn kinh phí thực hiện từ nguồn thu xử lý chậm đóng, trốn đóng quy định tại khoản 3 Điều 122 của Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 và số tiền 0,03%/ngày thu được theo quy định tại khoản 1 Điều 40 và khoản 1 Điều 41 của Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền phát hiện người sử dụng lao động vẫn còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động thì thực hiện truy thu, truy đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
14. Giao Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của chủ hộ kinh doanh đã tham gia trước ngày Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15 có hiệu lực thi hành để làm căn cứ giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và Nghị quyết số 100/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Như vậy, thời gian tới Ban Thực hiện chính sách BHXH chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham gia xây dựng Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Trước đó, tại Quyết định 38/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, có đề cập đến nội dung tham gia xây dựng chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế như sau:
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Tham gia xây dựng chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
Chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung, các bộ Luật, Luật và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đảm bảo đồng bộ, thống nhất để triển khai có hiệu quả những chỉ tiêu về mở rộng độ bao phủ và cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế đã được đề ra trong Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017, Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23 tháng 5 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24 tháng 11 năm 2023 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25 tháng 10 năm 2023 của Ban Bí thư.
…
Còn tại Quyết định 249/QĐ-BHXH năm 2024, BHXH Việt Nam giao Ban Thực hiện chính sách BHXH chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHTN theo hướng mở rộng độ bao phủ và phát triển người tham gia; tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật BHXH; Luật Việc làm; Luật An toàn, vệ sinh lao động và các Nghị định, Thông tư, văn bản hướng dẫn.