Thủ tục thanh toán chi phí BHYT với cơ sở KCB BHYT năm 2024 (Hình từ internet)
Ngày 16/7/2024, BHXH Việt Nam ban hành Quyết định 1003/QĐ-BHXH công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung lĩnh vực thực hiện chính sách bảo hiểm y tế thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam.
Theo đó, thủ tục thanh toán chi phí BHYT với cơ sở KCB BHYT năm 2024 như sau:
Bước 1. Lập, nộp hồ sơ
- Trong thời hạn 7 ngày làm việc (kể từ ngày kết thúc việc KCB đối với người bệnh) cơ sở KCB BHYT phải gửi dữ liệu điện tử đề nghị thanh toán chi phí KCB BHYT lên Cổng Tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam (sau đây gọi là Cổng Thông tin giám định BHYT), dữ liệu phát sinh vào những ngày cuối của tháng hoặc của quý hoặc của năm đến Cổng Thông tin giám định BHYT trước ngày mùng 5 của tháng kế tiếp.
- Trong thời gian 15 ngày đầu mỗi tháng, cơ sở KCB BHYT lập bảng Tổng hợp chi phí khám bệnh, chữa bệnh của người tham gia BHYT (Mẫu C79-HD) tháng trước và gửi cho cơ quan BHXH.
- Trong thời hạn 15 ngày đầu mỗi quý, cơ sở KCB BHYT gửi Báo cáo quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT của quý trước cho cơ quan BHXH.
Bước 2. Cơ quan BHXH tiếp nhận hồ sơ và giải quyết theo quy định.
Theo đó, cách thức thực hiện như sau:
- Cơ sở KCB BHYT nộp hồ sơ trực tuyến hoặc trực tiếp tại cơ quan BHXH hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích (đồng thời gửi dữ liệu đề nghị thanh toán lên Cổng Thông tin giám định BHYT theo quy định tại Thông tư 48/2017/TT-BYT).
- Thực hiện ký biên bản quyết toán chi phí KCB BHYT tại trụ sở cơ quan BHXH hoặc tại cơ sở KCB.
Hồ sơ bao gồm: 01 bộ kèm theo dữ liệu điện tử về Bảng tổng hợp chi phí KCB của người tham gia BHYT (theo Mẫu số C79-HD ban hành kèm theo Thông tư 102/2018/TT-BTC)
Thời hạn giải quyết: Chậm nhất 40 ngày kể từ ngày cơ quan BHXH nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Mức hưởng bảo hiểm y tế trái tuyến 2024 được đề cập tại Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) như sau:
Người có BHYT tự đi khám chữa bệnh BHYT không đúng tuyến, được cơ sở nơi tiếp nhận chuyển tuyến đến cơ sở KCB khác thì được quỹ BHYT thanh toán như sau:
- Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT của đối tượng.
- Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi của thẻ BHYT.
- Tại bệnh viện tuyến huyện là 100% chi phí KCB trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT của đối tượng.
Lưu ý: Quy định nêu trên không áp dụng đối với các người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia BHYT đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người tham gia BHYT đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo khi tự đi KCB không đúng tuyến.
Tại Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định người có thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng với mức hưởng như sau:
+ 100% chi phí khám, chữa bệnh với đối tượng là bộ đội, công an, người có công với cách mạng, trẻ em dưới 06 tuổi, người thuộc hộ gia đình nghèo;...
+ 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp chi phí cho một lần khám bệnh, chữa bệnh thấp hơn mức do Chính phủ quy định và khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến xã;
+ 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến.
+ 95% chi phí khám, chữa bệnh với người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, thân nhân của người có công với cách mạng, người thuộc hộ gia đình cận nghèo…
+ 80% chi phí khám, chữa bệnh đối với các đối tượng khác.
Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng có quyền lợi cao nhất.