Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh theo Nghị định 29/2024/NĐ-CP (Hình từ Internet)
Ngày 01/8/2024, Bộ Tài chính ban hành Công văn 8110/BTC-TCCB tiếp tục rà soát, hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh theo Nghị định 29/2024/NĐ-CP.
Theo nội dung trong Công văn 8110/BTC-TCCB năm 2024 thì để thực hiện theo Nghị định 29/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước; Tiếp theo Công văn 5586/BTC-TCCB năm 2024 của Bộ Tài chính về việc tiêu chuẩn chức danh công chức Lãnh đạo theo quy định tại Nghị định 29/2024/NĐ-CP Bộ Tài chính đề nghị các Tổng cục:
(1) Chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thuộc và trực thuộc tiếp tục rà soát tiêu chuẩn chức danh đối với đội ngũ lãnh đạo các cấp đảm bảo theo quy định tại Nghị định 29/2024/NĐ-CP tổ chức thực hiện:
- Tạo điều kiện, sắp xếp nhiệm vụ, bố trí kinh phí để sớm cử các công chức lãnh đạo của đơn vị chưa đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn (Lý luận chính trị và Quản lý nhà nước) tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo đúng thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 34 Nghị định 29/2024/NĐ-CP.
- Phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy/Thành phố, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Trường Chính trị tỉnh đăng ký, cử công chức, viên chức tham gia học lớp Bồi dưỡng Lý luận chính trị;
- Phối hợp với Học viện Hành chính quốc gia, các cơ sở đào tạo có chức năng đăng ký, cử công chức, viên chức tham gia học lớp bồi dưỡng Quản lý nhà nước theo các đối tượng đã được sửa đổi, bổ sung nêu tại các Quyết định 422/QĐ-BNV năm 2022 của Bộ Nội vụ ban hành Chương trình bồi dưỡng đối với công chức ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương;
Quyết định 449/QĐ-BNV năm 2024 của Bộ Nội vụ bổ sung đối tượng bồi dưỡng Chương trình bồi dưỡng đối với công chức ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương;
Quyết định số 421/QĐ-BNV năm 2022 của Bộ Nội vụ ban hành Chương trình bồi dưỡng đối với công chức ngạch chuyên viên chính và tương đương.
(2) Trường hợp hết thời hạn quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 34 Nghị định 29/2024/NĐ-CP mà công chức, viên chức chưa đáp ứng tiêu chuẩn về lý luận chính trị, tiêu chuẩn về quản lý nhà nước theo quy định thì cấp có thẩm quyền xem xét, thu hồi quyết định bổ nhiệm và bố trí công việc chuyên môn phù hợp.
Cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính được quy định cụ thể tại Điều 3 Nghị định 14/2023/NĐ-CP bao gồm:
- Vụ Ngân sách nhà nước.
- Vụ Đầu tư.
- Vụ Tài chính quốc phòng, an ninh, đặc biệt (Vụ I).
- Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp.
- Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính.
- Vụ Hợp tác quốc tế.
- Vụ Pháp chế.
- Vụ Tổ chức cán bộ.
- Thanh tra.
- Văn phòng.
- Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí.
- Cục Quản lý công sản.
- Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại.
- Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm.
- Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán.
- Cục Quản lý giá.
- Cục Tin học và Thống kê tài chính.
- Cục Tài chính doanh nghiệp.
- Cục Kế hoạch - Tài chính.
- Tổng cục Thuế.
- Tổng cục Hải quan.
- Tổng cục Dự trữ Nhà nước.
- Kho bạc Nhà nước.
- Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
- Viện Chiến lược và chính sách tài chính.
- Thời báo Tài chính Việt Nam.
- Tạp chí Tài chính.
- Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính.
Các tổ chức quy định từ khoản 1 đến khoản 24 Điều 3 Nghị định 14/2023/NĐ-CP là các tổ chức hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước; các tổ chức quy định từ khoản 25 đến khoản 28 Điều 3 Nghị định 14/2023/NĐ-CP là các tổ chức sự nghiệp phục vụ quản lý nhà nước thuộc bộ.
Vụ Ngân sách nhà nước có 4 phòng, Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp có 4 phòng, Vụ Đầu tư có 4 phòng, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính có 4 phòng, Vụ Pháp chế có 5 phòng, Vụ Tổ chức cán bộ có 7 phòng, Vụ Hợp tác quốc tế có 4 phòng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và danh sách các đơn vị sự nghiệp khác thuộc bộ.
Xem thêm Công văn 8110/BTC-TCCB ban hành ngày 01/8/2024.