Bộ Y tế trả lời về việc đề nghị tăng mức phụ cấp ưu đãi lên 100% đối với toàn bộ người lao động công tác tại cơ sở y tế công lập (Hình từ Internet)
Ngày 02/8/2024, Bộ Y tế ban hành Công văn 4482/BYT-VPB1 về việc trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Lâm Đồng trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV do Bộ Y tế ban hành.
Theo nội dung trong Công văn 4482/BYT-VPB1 năm 2024 thì đối với:
Đề nghị bổ sung phụ cấp ưu đãi nghề vào đóng BHXH cho viên chức, người lao động để đảm bảo quyền lợi và đời sống cho viên chức khi nghỉ hưu theo chế độ;
Đề nghị tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức làm công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình như nhân viên y tế tuyến xã; tăng mức phụ cấp ưu đãi lên 100% đối với toàn bộ viên chức và người lao động công tác tại các cơ sở y tế công lập tại Nghị định 56/2011/NĐ-CP (Hiện nay mức phụ cấp ưu đãi nghề là 30%);
Đề nghị xem xét tăng mức phụ cấp hỗ trợ cho cán bộ quản lý, viên chức làm hành chính, ban lãnh đạo: Phòng KHNV&DS, Phòng TCHC, Phòng TCKH, Phòng Điều dưỡng... tại Nghị định 05/2023/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 56/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy lên 100% như đối với viên chức y tế dự phòng của cử tri tỉnh Lâm Đồng trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV được Bộ Y tế trả lời như sau:
Hiện nay, chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập được thực hiện theo quy định tại các văn bản sau:
- Nghị định 56/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập;
- Nghị định 05/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 56/2011/NĐ-CP;
- Thông tư liên tịch 02/2012/TTLT-BYT-BNV-BTC hướng dẫn Nghị định 56/2011/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công, viên chức công tác tại cơ sở y tế công lập do Bộ Y tế - Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính ban hành.
Thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và Nghị quyết 99/2023/QH15 của Quốc hội về giám sát chuyên đề việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đang triển khai xây dựng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề thay thế Nghị định 56/2011/NĐ-CP của Chính phủ, dự kiến ban hành trong năm 2024.
Đối với đề nghị xem xét bổ sung nghề y vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nghỉ hưu trước 5 năm để đảm bảo sức khỏe cho viên chức, người lao động và chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân Bộ Y tế trả lời trong Công văn 4482/BYT-VPB1 năm 2024 như sau:
Việc nghỉ hưu trước tuổi nhưng không quá 5 năm đối với các ngành nghề nặng nhọc, độc hại được quy định tại Bộ Luật Lao động 2019 và Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Do vậy, việc xem xét bổ sung nghề y vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để được nghỉ hưu trước 5 năm không thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế. Bộ Y tế ghi nhận kiến nghị, đề xuất của cử tri và sẽ tích cực tham gia ý kiến khi có yêu cầu từ các cơ quan có thẩm quyền.
Xem thêm Công văn 4482/BYT-VPB1 ban hành ngày 02/8/2024.