Điều kiện xem xét hoãn thu dọn công trình dầu khí (Hình từ Internet)
Theo Điều 25 Thông tư 16/2024/TT-BCT, điều kiện, tiêu chí để công trình dầu khí được xem xét hoãn thu dọn, bao gồm:
- Công trình dầu khí được đảm bảo duy trì tính toàn vẹn, không có rủi ro đến những hoạt động thu dọn trong tương lai;
- Việc hoãn thu dọn công trình dầu khí đáp ứng các yêu cầu về an toàn chung, an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường phù hợp với luật pháp Việt Nam và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế;
- Việc hoãn thu dọn công trình dầu khí có ý nghĩa đối với nghiên cứu khoa học, quốc phòng, an ninh hoặc các trường hợp cần thiết khác;
- Quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí tương ứng được trích, nộp đủ theo kế hoạch thu dọn công trình dầu khí đã được phê duyệt;
- Đối với các giếng khoan chỉ được phép hoãn thu dọn khi tổ chức, cá nhân chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với các vấn đề có thể phát sinh do hoãn thu dọn;
- Công trình dầu khí còn công năng sử dụng và đáp ứng yêu cầu về kiểm định chất lượng, gia cố, cải tạo, sửa chữa hư hỏng (nếu có) bảo đảm an toàn của công trình theo quy định.
Nội dung chính của báo cáo đề xuất hoãn thu dọn công trình dầu khí bao gồm:
- Hiện trạng công trình dầu khí;
- Phương án triển khai thu dọn công trình dầu khí;
- Lý do đề xuất hoãn thu dọn công trình dầu khí;
- Quản trị các rủi ro có thể xảy ra;
- Thời gian dự kiến hoãn thu dọn;
- Các giải pháp đảm bảo tính toàn vẹn của các công trình;
- Kết luận và kiến nghị.
Theo Điều 26 Thông tư 16/2024/TT-BCT, trường hợp tổ chức, cá nhân đã thực hiện trích lập đầy đủ nghĩa vụ bảo đảm tài chính theo kế hoạch thu dọn đã được phê duyệt thì việc để lại một phần hoặc toàn bộ công trình dầu khí được xem xét một trong các trường hợp sau:
- Không khả thi về mặt kỹ thuật để thực hiện thu dọn công trình dầu khí;
- Các giải pháp thu dọn công trình dầu khí được đưa ra nhưng vẫn không thể thu hồi công trình một cách an toàn;
- Thu dọn công trình dầu khí có thể gây nguy hại đến tính mạng con người hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển nhưng không ảnh hưởng đến an toàn hàng hải;
- Các đường ống biển chưa chôn ngầm nhưng bị chôn vùi tự nhiên toàn bộ theo thời gian và đang tồn tại như trạng thái chôn ngầm hoặc đoạn ống lộ nhưng tổ chức, cá nhân thực hiện giải pháp chôn vùi;
- Thiết bị đầu giếng; công trình ngầm; cọc, ống, khối neo bằng bê tông, kết cấu đóng xuống đáy biển của khối chân đế tại vùng biển có độ sâu mực nước tối thiểu 500 m, trừ trường hợp có các lý do đặc biệt liên quan đến quốc phòng, an ninh;
- Việc cắt bỏ ống chống của giếng khoan, cọc, ống và các kết cấu được đóng xuống đáy biển từ mặt đáy biển trở lên;
- Các công trình dầu khí chứng minh được lợi ích khi để lại.
Nội dung đề xuất để lại công trình dầu khí bao gồm:
- Hiện trạng công trình dầu khí;
- Lý do đề xuất để lại công trình dầu khí;
- Quản trị các rủi ro có thể xảy ra;
- Các giải pháp đảm bảo tính toàn vẹn của các công trình;
- Kết luận và kiến nghị.
Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi để lại công trình dầu khí
- Thiết lập các thiết bị, hệ thống cảnh báo an toàn hàng hải đối với các công trình dầu khí để lại theo quy định của pháp luật về hàng hải;
- Chuyển giao toàn bộ quỹ bảo đảm nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí cho việc thu dọn công trình dầu khí theo quy định tại các Điều 53 và 54 Nghị định 45/2023/NĐ-CP;
- Chuyển giao công trình dầu khí cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoặc tổ chức được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.