Trình UBTVQH dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng (Hình từ Internet)
Ngày 24/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết 151/NQ-CP, chính thức đồng ý việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng để Quốc hội xem xét, thông qua theo trình tự rút gọn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề nghị bổ sung Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Trước đó, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ thông qua Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức mô hình chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng.
Thành phố Hải Phòng là đô thị loại I cấp quốc gia, là thành phố cảng, trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm giáo dục, y tế và khoa học công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ, là đầu mối giao thông quan trọng và là cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, kết nối các tuyến giao thông hàng hải quốc tế; nằm trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh. Sau 04 năm thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, kinh tế thành phố được phát triển toàn diện, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế, chất lượng tăng trưởng chuyển dịch theo đúng định hướng. Hải Phòng đã khẳng định được vị thế của thành phố cảng, đầu mối giao thông quan trọng trong nước và quốc tế; hệ thống cảng biển, hạ tầng giao thông được tập trung đầu tư, có bước phát triển đột phá theo hướng đồng bộ, hiện đại. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đạt kết quả tích cực. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ có bước phát triển, đạt nhiều kết quả quan trọng, dần khẳng định là một trung tâm của vùng duyên hải Bắc Bộ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố Hải Phòng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, phát triển chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng và lợi thế của thành phố. Trong mô hình quản lý hiện nay phát sinh một số vướng mắc, bất cập ảnh hưởng đến hiệu quả, hiệu lực quản lý, đặc biệt là các vướng mắc phát sinh từ sự phối hợp chưa đồng bộ giữa quản lý theo ngành và quản lý theo lãnh thổ. Cơ sở hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội chưa tương xứng với sự phát triển của xã hội, giữa các vùng, các địa phương phát triển không đồng đều. Mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở thành phố chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của việc, quản lý một đô thị lớn; tính tự chủ, linh hoạt, tự chịu trách nhiệm để giải quyết kịp thời những vấn đề đặt ra đối với đô thị của chính quyền các cấp còn chưa được đảm bảo. Cơ chế, chính sách phân cấp giữa Trung ương với thành phố Hải Phòng và giữa các cấp chính quyền của thành phố còn nhiều bất cập; một số lĩnh vực chưa phân định rõ ràng, chưa tạo sự khác biệt giữa khu vực đô thị và nông thôn; chưa tạo được sự chủ động cho thành phố Hải Phòng thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân và yêu cầu phát triển đô thị hiện đại, văn minh… Do đó đòi hỏi cần tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tinh gọn, hợp lý, hiệu lực, hiệu quả, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tính công khai, minh bạch trong quản lý của chính quyền các cấp của thành phố.
Theo Bộ Nội vụ, để từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền thành phố Hải Phòng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đô thị lớn trong giai đoạn tới, cần thiết xây dựng Nghị quyết để thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, tạo điều kiện cho thành phố phát triển, khắc phục những khó khăn, vướng mắc của tổ chức chính quyền thành phố hiện nay.