Đề xuất giảm 30% tiền thuê đất năm 2024 cho các đối tượng sau

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
15/10/2024 11:24 AM

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Nghị định về việc giảm tiền thuê đất năm 2024, trong đó có phương án đề xuất giảm 30% tiền thuê đất năm 2024.

Đề xuất giảm 30% tiền thuê đất năm 2024

Đề xuất giảm 30% tiền thuê đất năm 2024 (Hình từ internet)

Theo dự thảo Tờ trình của Bộ Tài chính, căn cứ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để có thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với những khó khăn, thách thức trong thời gian tới.

Đồng thời, để kịp thời hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng bởi Bão số 3 Yagi, dự phòng các kịch bản về thiên tai có thể ảnh hưởng đến nhiều địa phương trên cả nước; Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc giảm tiền thuê đất năm 2024 sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đề xuất giảm 30% tiền thuê đất năm 2024 cho các đối tượng sau

Tại Đề cương chi tiết dự thảo Nghị định, đã đề xuất các đối tượng sau đây sẽ được giảm tiền thuê đất tại Điều 2 của Nghị định giảm tiền thuê đất 2024, trong đó có phương án giảm 30% tiền thuê đất, cụ thể:

(1) Đối tượng:

Tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất, trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (tính tại thời điểm người thuê đất nộp hồ sơ đề nghị giảm tiền thuê đất theo quy định) dưới hình thức trả tiền thuê đất hằng năm (sau đây gọi là người thuê đất).

Quy định này áp dụng cho cả trường hợp người thuê đất không thuộc đối tượng được miễn, giảm tiền thuê đất, và trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai (Luật và các văn bản hướng dẫn chi tiết Luật) và pháp luật khác có liên quan; (ii) Cơ quan có thẩm quyền giải quyết hồ sơ giảm tiền thuê đất; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

(2) Mức giảm tiền thuê đất:

Quy định mức giảm tiền thuê đất là 15%  hoặc 30% trên số tiền thuê đất phải nộp của năm 2024.

Trong đó, được đề xuất theo 02 phương án sau:

- Phương án 1: Giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2024 đối với người thuê đất quy định tại (1).

 - Phương án 2: Giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2024 đối với người thuê đất quy định tại (1).

Mức giảm tiền thuê đất quy định tại (2) được tính trên số tiền thuê đất phải nộp của năm 2024 theo quy định của pháp luật. Không thực hiện giảm trên số tiền thuê đất còn nợ của các năm trước năm 2024 và tiền chậm nộp (nếu có). Trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định hoặc/và khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật về tiền thuê đất thì mức giảm tiền thuê đất tại (2) được tính trên số tiền thuê đất phải nộp (nếu có) sau khi đã được giảm hoặc/và khấu trừ theo quy định của pháp luật.

(3) Hồ sơ giảm tiền thuê đất

Pháp luật hiện hành tại Nghị định 103/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 của Chính phủ đã có quy định cụ thể về hồ sơ giảm tiền thuê đất.

Vì vậy, để đơn giản thủ tục hành chính và thuận lợi trong tổ chức thực hiện; hạn chế tình trạng xin cho khi phải đi xin xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Bộ Tài chính trình Chính phủ thành phần hồ sơ chỉ gồm 02 loại văn bản, cụ thể:

(i) Giấy đề nghị giảm tiền thuê đất năm 2024 của người thuê đất theo Mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định quy định việc giảm tiền thuê đất năm 2024.

Người thuê đất chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, chính xác của thông tin và đề nghị giảm tiền thuê đất của mình, đảm bảo đúng đối tượng được giảm tiền thuê đất theo Nghị định quy định việc giảm tiền thuê đất năm 2024.

(ii) Quyết định cho thuê đất hoặc Hợp đồng thuê đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (bản sao).

Đánh giá tác động của từng phương án giảm tiền thuê đất năm 2024 (giảm 15% và giảm 30%)

Theo Báo cáo đánh giá tác động chính sách giảm tiền thuê đất năm 2024 của Bộ Tài chính, đã đánh giá tác động của 02 phương án giảm tiền thuê đất năm 2024 như sau:

(1) Phương án 1: Giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2024 đối với người thuê đất được nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quy định.

(1.1) Tác động về kinh tế

* Tác động tích cực (lợi ích)

- Đối với Nhà nước: Tăng nguồn thu từ thuế nhờ việc người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

- Đối với người dân, doanh nghiệp: Có thêm được nguồn lực để phục vụ sản xuất, kinh doanh từ việc được giảm tiền thuê đất năm 2024; theo đánh giá, số tiền thuê đất được giảm từ phương án này khoảng 2.000 tỷ đồng .

* Tác động tiêu cực

- Đối với Nhà nước: Giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 2.000 tỷ đồng.

- Đối với người dân, doanh nghiệp: Không tác động tiêu cực đến người dân, doanh nghiệp

(1.2) Tác động về xã hội

* Tác động tích cực

Người dân, doanh nghiệp ổn định được đời sống, giảm bất ổn xã hội.

* Tác động tiêu cực

Không có tác động tiêu cực.

(1.3) Tác động về thủ tục hành chính

Giải pháp này không làm phát sinh thủ tục hành chính.

(1.4) Tác động về giới

Giải pháp này không có tác động về giới.

(1.4) Tác động đối với hệ thống pháp luật

* Tác động tích cực

Không phải mất chi phí để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý thuế.

* Tác động tiêu cực

Không có tác động tiêu cực

(2) Phương án 2: Giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2024 đối với người thuê đất được nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quy định.

(2.1) Tác động về kinh tế

* Tác động tích cực (lợi ích)

- Đối với Nhà nước: Tăng nguồn thu từ thuế nhờ việc người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh.

- Đối với người dân, doanh nghiệp: Có thêm được nguồn lực để phục vụ sản xuất, kinh doanh từ việc được giảm tiền thuê đất năm 2024; theo đánh giá, số tiền thuê đất được giảm từ phương án này khoảng 4.000 tỷ đồng[1].

* Tác động tiêu cực

- Đối với Nhà nước: Giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 4.000 tỷ đồng.

- Đối với người dân, doanh nghiệp: Không tác động tiêu cực đến người dân, doanh nghiệp

(2.2) Tác động về xã hội

* Tác động tích cực

Người dân, doanh nghiệp ổn định được đời sống, giảm bất ổn xã hội.

* Tác động tiêu cực

Không có tác động tiêu cực.

(2.3) Tác động về thủ tục hành chính

Giải pháp này không làm phát sinh thủ tục hành chính.

(2.4) Tác động về giới

Giải pháp này không có tác động về giới.

(2.5) Tác động đối với hệ thống pháp luật

* Tác động tích cực

Không phải mất chi phí để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về cung cấp dịch vụ viễn thông công ích.

* Tác động tiêu cực

Không có tác động tiêu cực.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,506

Bài viết về

lĩnh vực Đất đai

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]