Vừa qua (30/9/2024), Bộ Y tế có Công văn 5881/BYT-VPB1 trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Nội trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (nội dung liên quan đến BHYT tự nguyện và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tuyến cơ sở).
(1) Đối với vấn đề BHYT tự nguyện: Cử tri cho rằng, hiện nay mức đóng bảo hiểm y tế tự nguyện cao, nhiều người chưa có đủ điều kiện kinh tế để tham gia. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu có các giải pháp để đảm bảo cho nhiều người dân được tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện.
Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng tối đa bằng 6% mức tiền lương hoặc tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp hoặc mức lương cơ sở. Trên cơ sở quy định của Luật, Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn mức đóng bảo hiểm y tế là 4,5%.
Dựa trên phạm vi quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, Quốc hội và Chính phủ đã quy định mức đóng bảo hiểm y tế dựa trên điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và khả năng đóng góp của nhà nước, doanh nghiệp, người lao động và người dân.
Để khuyến khích và hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế, Luật Bảo hiểm y tế, Nghị định 146/2018/NĐ-CP và Nghị định 75/2023/NĐ-CP đã quy định các mức đóng và hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người sinh sống tại các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, hộ nông, lâm, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình.
Đối với nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; điểm e, khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định mức đóng bảo hiểm y tế như sau: (i) Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; (ii) Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; (iii) Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Để chia sẻ với ngân sách Trung ương và hỗ trợ các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế có điều kiện kinh tế khó khăn; điểm b, khoản 3 Nghị định 75/2023/NĐ-CP đã quy định: Căn cứ khả năng ngân sách của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố quyết định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng cao hơn mức hỗ trợ tối thiểu và mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng không được hưởng mức hỗ trợ theo quy định hiện hành.
Với phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế được hưởng tương đối đầy đủ, mức đóng bảo hiểm y tế hiện tại được đánh giá là tương đối thấp so với các nước có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tương đồng. Vì vậy, Bộ Y tế mong cử tri thấu hiểu và ủng hộ chính sách bảo hiểm y tế của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia bảo hiểm y tế để đảm bảo tài chính khi ốm đau, bệnh tật.
Trả lời kiến nghị về BHYT tự nguyện và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tuyến cơ sở (Hình từ internet)
(2) Giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tuyến cơ sở: Cử tri tiếp tục phản ánh chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến y tế cơ sở chưa đảm bảo nên dẫn đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trung ương. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế tăng cường đầu tư trang thiết bị, đội ngũ cán bộ y tế để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đối với tuyến y tế cơ sở, khắc phục tình trạng trên.
Công tác đầu tư nâng cấp trang thiết bị y tế cho bệnh viện tuyến dưới, trước hết thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương theo các chính sách của Đảng, Nhà nước và hướng dẫn của Bộ Y tế. Bộ Y tế đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, trong đó đã quy định: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí ngân sách địa phương (cả chi đầu tư và chi sự nghiệp) cho Đề án, ưu tiên phân bổ kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu đầu tư phát triển hệ thống y tế địa phương, Chương trình mục tiêu y tế - dân số và huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện Đề án. Bảo đảm đủ nhân lực, nguồn tài chính cho hoạt động của y tế cơ sở; xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách, chế độ để thu hút bác sĩ về làm việc tại tuyến y tế cơ sở; đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh theo phân tuyến kỹ thuật.
Bộ Y tế đã triển khai các chương trình luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực cho y tế cơ sở; cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến cuối về hỗ trợ các trạm y tế xã, phường, thị trấn; tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn y tế xã, phường... Chú trọng công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực y tế. Mở rộng mạng lưới bệnh viện vệ tinh; liên thông kết quả xét nghiệm, chẩn đoán. Phát triển hệ thống y tế tư nhân cả về số lượng và quy mô, nhiều cơ sở có hạ tầng khang trang cùng các trang thiết bị y tế hiện đại và chất lượng dịch vụ tương đối cao. Thực hiện chính sách ưu đãi, thu hút cán bộ y tế về cơ sở làm việc. Ngoài ra, một số địa phương đã xây dựng các văn bản thu hút đội ngũ nguồn lực chất lượng cao trong lĩnh vực y tế góp phần hoàn thiện các chính sách thu hút, trọng dụng đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực y tế.
Ngày 30/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.
Chương trình phân bổ gần 14.000 tỷ đồng cho ngành Y tế (trên cơ sở tổng hợp nhu cầu của các địa phương và đơn vị của Bộ Y tế) để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh của các Viện nghiên cứu, Bệnh viện cấp trung ương gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, sản xuất vắc xin trong nước, thuốc điều trị COVID-19. Ngày 08/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 202/QĐ-TTg về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện Nghị quyết 99/2023/QH15 ngày 24/6/2023 và Chỉ thị 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới, Chính phủ ban hành Nghị quyết 218/NQ-CP về Kế hoạch triển khai thi hành Nghị quyết 99/2023/QH15; Bộ Y tế phê duyệt Quyết định 172/QĐ-BYT ngày 22/01/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 218/NQ-CP ngày 18/12/2023 của Chính phủ.
Theo đó, Bộ Y tế sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét nâng mức hỗ trợ tiền trực cho cán bộ y tế và phụ cấp y tế thôn bản, sửa đổi, bổ sung Quyết định 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp phòng, chống dịch và Quyết định 75/2009/QĐ-TTg ngày 11/5/2009 của Chính phủ về việc quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản. Khi xây dựng chế độ tiền lương mới, Bộ Y tế đã đề nghị thực hiện phụ cấp theo nghề mức cao nhất đối với viên chức ngành y tế theo Nghị quyết 27-NQ/TW để bảo đảm quyền lợi của cán bộ, viên chức, người lao động ngành y tế phù hợp với các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Ngoài ra, Bộ Y tế đã và đang nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư cho y tế cơ sở, triển khai một số chương trình, dự án lớn nhằm tăng cường đầu tư toàn diện cho tuyến y tế cơ sở trong thời gian tới; triển khai các nguồn lực đầu tư từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; các dự án đầu tư cho y tế cơ sở nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).