Thủ tục phê duyệt liên kết đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ từ 20/11/2024

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
14/11/2024 21:45 PM

Bài viết sau có nội dung về thủ tục phê duyệt liên kết đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ từ 20/11/2024 được quy định trong Quyết định 3278/QĐ-BGDĐT năm 2024.

Thủ tục phê duyệt liên kết đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ từ 20/11/2024

Thủ tục phê duyệt liên kết đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ từ 20/11/2024 (Hình từ Internet)

Ngày 31/10/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định 3278/QĐ-BGDĐT công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung lĩnh vực giáo dục, đào tạo với nước ngoài thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thủ tục phê duyệt liên kết đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ từ 20/11/2024

Theo nội dung được quy định tại Phần II Thủ tục hành chính ban hành kèm theo Quyết định 3278/QĐ-BGDĐT năm 2024 thì thủ tục phê duyệt liên kết đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ được thực hiện như sau:

(1) Trình tự thực hiện:

Bước 1: Các bên liên kết nộp hồ sơ đến Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với hồ sơ liên kết đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ với nước ngoài (trừ trường hợp thuộc thẩm quyền quy định tại khoản 5 Điều 45 Luật Giáo dục đại học 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) và điểm e, khoản 1 Điều 13 Nghị định 99/2019/NĐ-CP).

Bước 2: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản gửi trực tiếp hoặc dịch vụ bưu chính hoặc thư điện tử cho các bên liên kết để sửa đổi, bổ sung hồ sơ đối với trường hợp hồ sơ không hợp lệ.

Bước 3: Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ tổ chức thẩm định và ban hành Quyết định phê duyệt liên kết đào tạo với nước ngoài.

(2) Cách thức thực hiện: Nộp trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc qua cổng dịch vụ công trực tuyến.

(3) Thành phần, số lượng hồ sơ:

- Thành phần hồ sơ:

+ Đơn đề nghị phê duyệt liên kết đào tạo với nước ngoài do các bên liên kết cùng ký theo Mẫu số 06 tại Phụ lục Nghị định 124/2024/NĐ-CP .

Mẫu số 06

+ Thỏa thuận (Hợp đồng) hợp tác giữa các bên liên kết trong đó có thông tin chi tiết về các bên liên kết, trách nhiệm của các bên liên kết đối với nội dung cam kết cụ thể về chương trình, tài liệu học tập và giảng dạy, giảng viên, cơ sở vật chất, kiểm tra, đánh giá, văn bằng, thông tin về tài chính và các nội dung khác.

+ Giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của các bên liên kết: Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập cơ sở giáo dục hoặc các tài liệu tương đương khác.

+ Giấy tờ chứng minh cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và cơ sở giáo dục đại học nước ngoài được phép đào tạo trong lĩnh vực dự định liên kết (bản sao chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu).

+ Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng của chương trình đào tạo nước ngoài hoặc giấy tờ công nhận chất lượng giáo dục của cơ quan có thẩm quyền (bản sao chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu).

+ Đề án thực hiện liên kết đào tạo với nước ngoài do các bên liên kết xây dựng theo Mẫu số 07 tại Phụ lục Nghị định 86/2018/NĐ-CP bao gồm các nội dung chủ yếu: Sự cần thiết, mục tiêu liên kết; giới thiệu các bên liên kết, nội dung liên kết, ngành và trình độ đào tạo; cơ sở vật chất, thiết bị; chương trình và nội dung giảng dạy; danh sách giảng viên dự kiến kèm theo lý lịch khoa học; đối tượng và tiêu chí tuyển sinh; quy mô đào tạo; hình thức tổ chức kiểm tra, đánh giá; văn bằng, chứng chỉ sẽ được cấp, tính tương đương của văn bằng nước ngoài, chứng chỉ nước ngoài đối với văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam; biện pháp đảm bảo chất lượng giáo dục; quyền lợi của người học và người lao động; bộ phận phụ trách liên kết, lý lịch cá nhân của người đại diện cơ sở giáo dục Việt Nam và cơ sở giáo dục nước ngoài tham gia quản lý chương trình; mức học phí, hỗ trợ tài chính của cá nhân, tổ chức Việt Nam và nước ngoài (nến có), dự toán kinh phí, cơ chế quản lý tài chính; trách nhiệm và quyền hạn của các bên liên kết; trách nhiệm và quyền hạn của nhà giáo, người học.

Mẫu số 07

Trường hợp, cơ sở đào tạo Việt Nam và cơ sở giáo dục đại học nước ngoài thực hiện chương trình liên kết đào tạo theo hình thức trực tuyến hoặc hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến thì trong đề án thực hiện liên kết đào tạo với nước ngoài phải đảm bảo các nội dung sau:

+ Nội dung về bảo đảm chất lượng giáo dục trong đề án thực hiện liên kết đào tạo với nước ngoài phải mô tả rõ về: Cơ sở vật chất, thiết bị, cổng thông tin điện tử, hệ thống máy chủ và hạ tầng kết nối mạng Internet, hệ thống quản lý học tập, hệ thống quản lý nội dung học tập, học liệu điện tử phục vụ cho hoạt động tổ chức, quản lý liên kết đào tạo trực tuyến; việc đáp ứng đầy đủ các quy định đối với giảng viên tham gia thực hiện chương trình liên kết; quy định về bảo đảm chất lượng để người học tốt nghiệp chương trình liên kết đào tạo tại Việt Nam được nhận văn bằng do cơ sở giáo dục đại học nước ngoài cấp so sánh được với văn bằng cấp cho người học tốt nghiệp tại trụ sở chính của cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài.

+ Nội dung về quyền lợi của người học và người lao động phải được quy định rõ về phương án xử lý rủi ro khi thực hiện chương trình liên kết đào tạo, đặc biệt là khi chương trình bị gián đoạn hoặc kết thúc trước thời hạn trong đề án thực hiện liên kết đào tạo với nước ngoài và thỏa thuận hoặc hợp đồng hợp tác giữa các bên liên kết.

- Số lượng hồ sơ: 01 bộ hồ sơ.

(4) Thời gian giải quyết: 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

(5) Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính:

+ Cơ sở giáo dục đại học được thành lập, hoạt động hợp pháp tại Việt Nam;

+ Cơ sở giáo dục đại học được thành lập, hoạt động hợp pháp ở nước ngoài đáp ứng quy định tại khoản 3 Điều 45 Luật Giáo dục đại học 2012 (sửa đổi 2018).

(6) Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt đề án liên kết đào tạo với nước ngoài đối với ngành đào tạo giáo viên, ngành đào tạo thuộc lĩnh vực sức khỏe sau khi có ý kiến của bộ, ngành liên quan; đề án liên kết đào tạo của cơ sở giáo dục đại học (trừ trường hợp thuộc thẩm quyền quy định tại khoản 5 Điều 45 Luật Giáo dục đại học 2012 (sửa đổi 2018) và điểm e, khoản 1 Điều 13 Nghị định 99/2019/NĐ-CP).

(7) Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Quyết định phê duyệt/Văn bản từ chối phê duyệt liên kết đào tạo với nước ngoài của cơ quan có thẩm quyền.

(8) Lệ phí: Không.

(9) Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:

- Đội ngũ nhà giáo

+ Trình độ giảng viên:

++ Đối với liên kết đào tạo trình độ đại học thì giảng viên ít nhất phải có bằng thạc sĩ phù hợp với nhóm ngành giảng dạy;

++ Đối với liên kết đào tạo trình độ thạc sĩ thì giảng viên giảng dạy các môn học, chuyên đề và hướng dẫn luận văn thạc sĩ phải có bằng tiến sĩ phù hợp với nhóm ngành giảng dạy; giảng viên hướng dẫn thực hành, thực tập ít nhất phải có bằng thạc sĩ phù hợp với chuyên môn tham gia hướng dẫn thực hành, thực tập;

++ Đối với liên kết đào tạo trình độ tiến sĩ thì giảng viên phải có bằng tiến sĩ thuộc nhóm ngành phù hợp với học phần sẽ đảm nhiệm trong chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ. Đối với người hướng dẫn nghiên cứu sinh phải đảm bảo quy định tối thiểu như quy định đối với người hướng dẫn nghiên cứu sinh của các chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ của Việt Nam.

+ Giảng viên giảng dạy các chương trình liên kết đào tạo phải có kinh nghiệm giảng dạy đại học trong cùng lĩnh vực giảng dạy trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 19 Nghị định 86/2018/NĐ-CP.

+ Giảng viên giảng dạy bằng ngoại ngữ trong chương trình liên kết đào tạo phải có trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của chương trình, nhưng không thấp hơn trình độ Bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương.

+ Giảng viên là người bản ngữ nước ngoài dạy kỹ năng ngoại ngữ phải có bằng đại học trở lên và chứng chỉ giảng dạy ngoại ngữ phù hợp.

+ Đối với học phần giảng dạy trực tuyến, ngoài giảng viên giữ vai trò giảng dạy chính còn có giảng viên giữ vai trò trợ giảng hỗ trợ chuyên môn và người hỗ trợ kỹ thuật. Cơ sở đào tạo Việt Nam và cơ sở giáo dục đại học nước ngoài phải thống nhất xây dựng quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của mỗi vị trí nêu trên.

+ Giảng viên và người hỗ trợ thực hiện các học phần giảng dạy trực tuyến phải đáp ứng các quy định tại Thông tư 12/2016/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng và quy định của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài.

- Cơ sở vật chất, thiết bị

+ Cơ sở vật chất, thiết bị sử dụng trong liên kết đào tạo phải phù hợp với yêu cầu của ngành đào tạo, không làm ảnh hưởng tới hoạt động đào tạo chung của cơ sở giáo dục Việt Nam và bao gồm: Phòng học, phòng làm việc giảng viên, phòng máy tính, phòng thực hành, phòng thí nghiệm, thư viện và các trang thiết bị cần thiết khác. Diện tích trung bình dùng trong giảng dạy, học tập đối với hình thức liên kết đào tạo trực tiếp ít nhất là 05 m2/sinh viên.

+ Cơ sở giáo dục thực hiện liên kết đào tạo phải cung cấp đầy đủ giáo trình, tài liệu học tập phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu của người học.

+ Việc tổ chức đào tạo tại Việt Nam phải được thực hiện tại trụ sở chính và phân hiệu của cơ sở giáo dục Việt Nam được thành lập và hoạt động hợp pháp.

- Chương trình đào tạo

+ Chương trình đào tạo của nước ngoài được thực hiện tại Việt Nam phải bảo đảm các yêu cầu sau:

++ Là chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài, được cơ quan có thẩm quyền của nước đó cho phép đào tạo và cấp bằng hoặc có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng còn hiệu lực do tổ chức kiểm định chất lượng hợp pháp cấp;

++ Không có nội dung gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng; không truyền bá tôn giáo, xuyên tạc lịch sử; không ảnh hưởng xấu đến văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam;

+ Liên kết đào tạo được thực hiện theo chương trình của nước ngoài hoặc chương trình do hai bên cùng xây dựng; chương trình đào tạo được thực hiện toàn bộ tại Việt Nam hoặc một phần tại Việt Nam và một phần tại nước ngoài; cấp văn bằng, chứng chỉ của nước ngoài; cấp văn bằng, chứng chỉ của Việt Nam và của nước ngoài.

+ Chuẩn đầu ra của các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài không được thấp hơn chuẩn đầu ra quy định bởi các văn bản pháp luật của Việt Nam.

- Phạm vi, quy mô tuyển sinh và ngôn ngữ giảng dạy trong liên kết đào tạo

+. Phạm vi liên kết đào tạo

Cơ sở giáo dục đại học quy định tại điểm a khoản 1 Điều 15 Nghị định 86/2018/NĐ-CP chỉ được liên kết đào tạo trong phạm vi ngành và trình độ đào tạo đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép thực hiện.

Cơ sở giáo dục đại học quy định tại điểm b khoản 1 Điều 15 Nghị định 86/2018/NĐ-CP chỉ được liên kết đào tạo trong phạm vi ngành và trình độ đào tạo được phép thực hiện và được cơ quan có thẩm quyền Việt Nam công nhận.

+ Quy mô đào tạo của liên kết được xác định căn cứ vào các điều kiện đảm bảo chất lượng về Cơ sở vật chất, thiết bị, phòng thí nghiệm, thư viện, đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý. Các điều kiện này không được trùng với các điều kiện đã được sử dụng để tính toán chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở giáo dục. Trường hợp có chung các điều kiện bảo đảm chất lượng thì quy mô đào tạo của các chương trình liên kết đào tạo phải được tính trong tổng quy mô tuyển sinh hàng năm của cơ sở giáo dục. Cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và cơ sở giáo dục nước ngoài đề xuất quy mô đào tạo trong hồ sơ đề nghị phê duyệt liên kết đào tạo, trình các cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 22 Nghị định 86/2018/NĐ-CP (đã sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 124/2024/NĐ-CP).

+Liên kết đào tạo cấp văn bằng của nước ngoài phải giảng dạy bằng ngoại ngữ, không giảng dạy bằng tiếng Việt hoặc thông qua phiên dịch. Liên kết đào tạo cấp văn bằng của Việt Nam có thể giảng dạy bằng tiếng Việt hoặc thông qua phiên dịch.

Trường hợp, cơ sở đào tạo Việt Nam và cơ sở giáo dục đại học nước ngoài thực hiện chương trình liên kết đào tạo theo hình thức trực tuyến hoặc hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến thì cần bảo đảm thêm các nội dung sau:

- Chương trình đào tạo

+ Chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài đang thực hiện tại trụ sở chính, đã được kiểm định chất lượng giáo dục và văn bằng được cơ quan quản lý có thẩm quyền về giáo dục của nước đó công nhận.

+ Đối với chương trình liên kết đào tạo trình độ đại học: Chương trình đào tạo tại trụ sở chính của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài và chương trình đào tạo của cơ sở đào tạo Việt Nam đang được triển khai theo hình thức trực tuyến ở cùng ngành hoặc ngành gần dự định liên kết đào tạo và đều có người tốt nghiệp.

+ Đối với chương trình liên kết đào tạo trình độ thạc sĩ hoặc trình độ tiến sĩ: Chương trình đào tạo tại trụ sở chính của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài và chương trình đào tạo của cơ sở đào tạo Việt Nam đang được triển khai theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với thời lượng giảng dạy theo phương thức trực tuyến đạt từ 20% tổng thời lượng giảng dạy của chương trình trở lên ở cùng ngành hoặc ngành gần, cùng trình độ dự định liên kết đào tạo và đều có người tốt nghiệp.

+ Chương trình liên kết đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ có thời lượng giảng dạy theo phương thức trực tuyến tối đa 30% tổng thời lượng giảng dạy của chương trình liên kết đào tạo.

+ Chương trình đào tạo do hai bên cùng xây dựng được thực hiện một trong các trường hợp sau:

++ Trường hợp cấp văn bằng của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài, chương trình đào tạo phải bảo đảm thực hiện theo quy định về quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo của nước ngoài và phải giữ những nội dung cốt lõi của chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài;

++ Trường hợp cấp văn bằng của cả cơ sở giáo dục đại học nước ngoài và của cơ sở đào tạo Việt Nam, chương trình đào tạo phải bảo đảm thực hiện theo quy định về quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo của nước ngoài và của Việt Nam và phải giữ những nội dung cốt lõi của chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài.

- Quy mô đào tạo

+. Quy mô đào tạo của chương trình liên kết được xác định căn cứ vào các điều kiện bảo đảm chất lượng về cơ sở vật chất, thiết bị, phòng thí nghiệm, thư viện, đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý tham gia thực hiện chương trình liên kết đào tạo. Các điều kiện này không được trùng với các điều kiện đã được sử dụng để tính toán tổng chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở giáo dục. Trường hợp có chung các điều kiện bảo đảm chất lượng thì quy mô đào tạo của các chương trình liên kết đào tạo phải được tính trong tổng quy mô tuyển sinh hằng năm của cơ sở đào tạo Việt Nam.

+ Cơ sở đào tạo Việt Nam và cơ sở giáo dục đại học nước ngoài đề xuất quy mô tuyển sinh hằng năm trong hồ sơ đề nghị phê duyệt liên kết đào tạo. Quy mô tuyển sinh tối đa được xác định cụ thể trong quyết định cho phép liên kết đào tạo hoặc quyết định tự chủ thực hiện chương trình liên kết đào tạo.

-. Cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm đào tạo

+ Cơ sở vật chất, thiết bị, cổng thông tin điện tử, hệ thống máy chủ và hạ tầng kết nối mạng Internet, hệ thống quản lý học tập, hệ thống quản lý nội dung học tập, học liệu điện tử phải đáp ứng các quy định tại Thông tư số 12/2016/TT- BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng; có các phương tiện nghe nhìn bao gồm: máy tính, màn hình, màn chiếu, máy chiếu có độ lớn phù hợp với phòng học; đường truyền kết nối ổn định, thông suốt; học liệu trực tuyến có nội dung phù hợp với ngành học và có thể truy cập liên tục với tốc độ cao; phương tiện thu âm, ghi hình lưu trữ quá trình tổ chức đào tạo phục vụ công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra.

+ Cung cấp đầy đủ giáo trình, học liệu, thư viện điện tử, phần mềm học tập, hướng dẫn sử dụng các bước truy cập hệ thống quản lý học tập trực tuyến, cung cấp tài khoản người dùng và mật khẩu, các hướng dẫn ban đầu về khóa học cũng như việc kiểm tra đánh giá toàn khóa học, đồng thời phải có quy định về lưu trữ và bảo mật thông tin cho chương trình liên kết đào tạo.

+ Có hệ thống và cơ chế kiểm tra, xác thực, giám sát và đánh giá được sự tham gia của người học; hệ thống quản lý đào tạo chặt chẽ, đáp ứng được khả năng xử lý thông tin nhanh, có độ chính xác cao.

+ Địa điểm đối với đào tạo trực tiếp được thực hiện tại trụ sở chính hoặc phân hiệu của cơ sở đào tạo Việt Nam được xác định trong hồ sơ đề nghị phê duyệt liên kết đào tạo.

Xem thêm Quyết định 3278/QĐ-BGDĐT có hiệu lực từ 20/11/2024.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 360

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]