Từ 1/1/2015, khi Luật Hôn nhân và Gia đình chính thức
có hiệu lực, quan hệ hôn nhân gia đình sẽ có những quy định pháp lý điều chỉnh
mới hoặc thay đổi khá lớn so với trước đây.
Tiêu biểu trong số đó là những điều khoản được Quốc hội biểu quyết riêng trước
khi thông qua.
Đó là việc sửa đổi, bổ sung "Những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình" (Điều 2). Bên cạnh việc tiếp tục khẳng định nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, Luật nhấn mạnh mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc. Các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không phân biệt đối xử giữa các con.
Sau nhiều tranh luận, các đại biểu cũng thống nhất điều kiện kết hôn về tuổi riêng cho nam (đủ 20 tuổi trở lên) và nữ (đủ 18 tuổi trở lên) và tiếp tục khẳng định Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính (Điều 8).
Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) cũng pháp điển hóa việc sinh con bằng các phương pháp hỗ trợ sinh sản; điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và mang thai hộ vì mục đích thương mại.
Một nội dung đáng chú ý là chế độ tài sản trong hôn nhân, Luật mới chế định và quy định rõ hơn vấn đề tài sản riêng, tài sản chung của vợ, chồng; việc đưa tài sản riêng vào chung; việc đưa tài sản chung vào kinh doanh, chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân...
Cũng trong buổi chiều nay, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật Hộ tịch.
Các ý kiến tập trung thảo luận những nội dung mới, có tính đột phá trong quản lý hộ tịch, như việc áp dụng số định danh cá nhân và cơ sở dữ liệu điện tử hộ tịch, các quy định liên quan đến đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư.
Nguyên Linh
Theo Báo điện tử Chính phủ