Có cấp thiết phải xây dựng Luật Căn cước công dân?

20/06/2014 08:21 AM

Thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Căn cước công dân sáng 19-6, mặc dù các đại biểu tán thành với việc ban hành Thẻ căn cước công dân và việc tích hợp thông tin của các giấy tờ cá nhân hiện nay nhưng đại biểu đều cho rằng, dự Luật còn quy định chung chung, chưa dự báo được những khó khăn khi thực hiện.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định), Ban soạn thảo chưa dự liệu hết kinh phí của Nhà nước và người dân phải bỏ ra để chuyển từ chứng minh nhân dân sang căn cước công dân.

Báo cáo mới tính đến chi phí in mới các biểu mẫu giấy tờ và chỉnh lý các phần mềm đang sử dụng tên gọi chứng minh nhân dân, mà chưa tính đến nhiều công việc cần có kinh phí mới triển khai được.

Đại biểu phân tích thêm, hiện nay có hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật từ trung ương đến địa phương có quy định liên quan đến chứng minh nhân dân đặc biệt là các văn bản liên quan đến thủ tục hành chính yêu cầu người dân phải xuất trình chứng minh nhân dân.

Như vậy nếu thay đổi tên gọi chứng minh nhân dân thành Thẻ căn cước công dân thì những văn bản quy phạm pháp luật có sử dụng thuật ngữ chứng minh nhân dân phải sửa đổi, bổ sung thành căn cước công dân cho phù hợp với Luật Căn cước công dân.

“Do vậy, để thấy được lợi ích của việc thay đổi, cơ quan soạn thảo cần đánh giá chi phí cho sự sửa đổi, bổ sung để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật này”- Đại biểu đề nghị.

Đánh giá Luật Căn cước là một trong những luật sau khi ban hành sẽ tác động xáo trộn rất lớn đối với đời sống của hàng chục triệu người dân, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) còn cho rằng, có những câu hỏi mà dự thảo này chưa trả lời được. Các câu hỏi quan trọng khi ban hành một đạo luật là về sự cần thiết, tính khả thi và hiệu quả chính trị, kinh tế, xã hội.

Đồng tình về sự cần thiết của việc tích hợp thông tin trên Thẻ căn cước, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng đại biểu cho rằng Ban soạn thảo chưa chứng minh được sự cần thiết của việc ban hành Thẻ căn cước này.

“Về tính khả thi thì rất đáng nghi ngờ cả về tài chính, kỹ thuật, quy trình và công nghệ. Bao lâu thì làm xong, việc đồng bộ và hợp nhất với những giấy tờ khác như thế nào, tốn kém bao nhiêu? Đặc biệt hiệu quả chính trị, kinh tế, xã hội lại càng mờ mịt”- Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.

Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội trước hết phải giám sát tình hình thực trạng quản lý dân cư hiện nay từ hộ khẩu, chứng minh nhân dân 9 số, chứng minh nhân dân 12 số để có cơ sở thực tế đánh giá dự án Luật.

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cũng đặt ra một sự phân vân khi đưa ra câu hỏi: Thẻ căn cước công dân sẽ thay thế được những loại giấy tờ nào?

“Trong dự thảo chúng tôi mới chỉ thấy có thể thay thế được hộ khẩu, hộ chiếu trong trường hợp chúng ta có ký kết. Còn các giấy tờ khác, ví dụ giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, mã số thuế, mã số thuế cá nhân… thì chưa đề cập.

Tôi nghi ngờ rằng nếu thay thế được những giấy tờ này thì có phải tiến hành các dự án khác nữa không, các dữ liệu quy định trong dự án này đã đủ chưa, công nghệ đáp ứng được không?”

Ý kiến của các đại biểu đều đề nghị rằng, dự thảo Luật cần nghiên cứu cụ thể, kỹ càng hơn để có tác dụng lâu dài, có tầm nhìn xa, áp dụng triệt để công nghệ thông tin, có sự phối hợp của ngành công an với các ngành khác giúp Luật giải quyết được những vấn đề trên thực tế.

An Tư

Theo HQ Online

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,390

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]