Trước đó, trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Công chứng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh Điều 10 quy định về người được miễn đào tạo nghề công chứng.
Một số ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn về phạm vi những người được miễn đào tạo nghề công chứng, miễn tập sự hành nghề công chứng để bảo đảm chất lượng của công chứng viên được bổ nhiệm; bảo đảm trình độ tương đương giữa những người quy định tại điểm a và người quy định tại điểm c khoản 1 Điều 10; bổ sung công chức trực tiếp thực hiện các hoạt động quản lý Nhà nước về công chứng...
Có ý kiến đề nghị không nên miễn hoàn toàn việc tập sự hành nghề công chứng cho những người đã được miễn đào tạo nghề này bởi công chứng là một nghề mang tính chuyên môn cao, đòi hỏi thuần thục nhiều kỹ năng chuyên môn mà những người làm nghề khác không thể tự nắm bắt ngay được.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phạm vi đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng hiện nay là tương đối rộng và quy định này phù hợp với giai đoạn ban đầu của xã hội hóa nghề công chứng, khi số lượng công chứng viên còn ít và công tác đào tạo nghề cũng còn nhiều hạn chế.
Tuy nhiên, thực tế vừa qua cho thấy còn nhiều sai phạm trong hoạt động công chứng do những công chứng viên thuộc nhóm được miễn đào tạo nghề công chứng thực hiện. Hiện tại, số lượng công chứng viên trên toàn quốc đã tăng lên rất nhiều, cùng với công tác đào tạo nghề công chứng ngày càng được chú trọng, chuyên sâu và bài bản hơn thì việc giới hạn lại phạm vi những người được miễn đào tạo nghề công chứng là cần thiết để bảo đảm nâng cao hơn nữa chất lượng của công chứng viên được bổ nhiệm. Do vậy, để bảo đảm tương đương về trình độ cũng như thời gian công tác thực tế giữa các nhóm đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng, giới hạn số lượng người được miễn đào tạo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉnh lý lại quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 theo hướng chỉ miễn đào tạo nghề công chứng cho người đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên từ 5 năm trở lên (tương đương với thời gian tối thiểu là 10 năm công tác tại các cơ quan tư pháp). Quốc hội đã thông qua với tỷ lệ tán thành 88,35%.
Tương tự, về tiêu chuẩn công chứng viên (khoản 1 Điều 8),có ý kiến đề nghị chỉnh lý điểm a khoản 1 bởi quy định có bằng cử nhân luật là cứng nhắc, chưa phản ánh đầy đủ trình độ chuyên môn của người được bổ nhiệm làm công chứng viên, chưa bao quát được các trường hợp đã có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ luật (mà lại không có bằng cử nhân luật do học chuyên ngành khác).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, do công chứng là công việc pháp luật có tính chuyên sâu cao, nên có bằng cử nhân luật là tiêu chuẩn tối thiểu cần phải có để trở thành công chứng viên, tương tự như quy định về tiêu chuẩn đối với luật sư (trong Luật Luật sư), thừa phát lại (trong Nghị định số 61/2009/NĐ-CP của Chính phủ) hay như đối với quản tài viên - là chức danh mới được quy định trong Luật Phá sản vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua... Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Quốc hội cho giữ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 như đã thể hiện trong dự thảo Luật.
Về độ tuổi hành nghề của công chứng viên, dự thảo Luật trình Quốc hội tại đầu kỳ họp đã đưa ra hai phương án. Phương án 1: Không quy định về giới hạn tuổi hành nghề công chứng. Phương án 2: Công chứng viên được hành nghề đến khi đủ 65 tuổi, không phân biệt nam, nữ. Công chứng viên của các Phòng công chứng sau khi đã nghỉ hưu theo quy định của Luật Viên chức có thể tiếp tục hành nghề công chứng tại Văn phòng công chứng cho đến khi đủ 65 tuổi.
Qua thảo luận, ý kiến của đại biểu Quốc hội về vấn đề này còn chưa thống nhất cao. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Đoàn thư ký kỳ họp gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về nội dung này. Kết quả cho thấy, 74,6% số phiếu thu về và 58,8% tổng số đại biểu Quốc hội đề nghị thực hiện theo phương án 1 là không quy định về giới hạn tuổi hành nghề công chứng trong Luật này; 21,6% số phiếu thu về và 17% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành phương án 2.
Tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội bỏ quy định về tuổi hành nghề công chứng trong dự thảo Luật này. Nội dung này sẽ thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Viên chức và các văn bản pháp luật khác có liên quan tương tự như đối với các nghề nghiệp, chức danh tư pháp khác.
Cũng trong ngày hôm nay, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Công an nhân dân (sửa đổi).
Linh Đan
Theo Báo điện tử Chính phủ