Từ đó, các Bộ, ngành tập trung nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương phát huy lợi thế về đất đai, đưa nông nghiệp phát triển theo chiều sâu và đa dạng hóa, trong đó ưu tiên phát triển cây công nghiệp dài ngày; nghiên cứu xây dựng chính sách đồng bộ về sản xuất, tiêu thụ cà phê; phát triển mạnh chăn nuôi đại gia súc; gắn nông nghiệp với công nghiệp chế biến và xuất khẩu.
Đồng thời, khuyến khích và hỗ trợ các địa phương tổ chức thực hiện chủ trương liên kết vùng, trọng tâm là liên kết sử dụng tài nguyên rừng, tài nguyên nước; ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và xúc tiến thương mại; liên kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; triển khai mô hình thử nghiệm cơ chế chính sách liên kết đối với một số lĩnh vực, ngành hàng: cà phê, cao su, chè, hồ tiêu và một số ngành hàng cụ thể khác.
Khuyến khích và hỗ trợ thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học
công nghệ vào sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng các sản phẩm chủ lực của
Tây Nguyên, xây dựng các thương hiệu đủ sức cạnh tranh trong thị trường nội địa
và quốc tế. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ cấu cây trồng vật nuôi cho các
vùng sinh thái đặc thù; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp,
góp phần chuyển đổi cơ cấu giống và nâng cao trình độ sản xuất của nông dân. Đầu
tư nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, cung cấp máy móc, thiết bị, công nghệ với
giá thành rẻ, chất lượng tốt phục vụ trực tiếp cho người dân.
Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị các Bộ, ngành quan tâm đến các đề xuất,
kiến nghị của các tỉnh và các huyện miền núi giáp Tây Nguyên, trước mắt cần tập
trung chỉ đạo xây dựng một số chính sách ưu đãi để khuyến khích các tổ chức, cá
nhân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội ở
các huyện miền núi; có chính sách đặc biệt hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng
gắn với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên
Về thực hiện Đề án tiếp tục củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị Bộ Nội vụ chủ động phối hợp, hướng dẫn cụ thể để các địa phương tổ chức thực hiện. Đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ, Sở Tài chính và UBND các huyện được thụ hưởng xây dựng kế hoạch chi tiết và sử dụng kinh phí đúng mục đích, đúng chế độ để thực hiện có hiệu quả công tác này.
Trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, cần hết sức quan tâm đến việc quy hoạch tạo nguồn cán bộ cơ sở là người dân tộc thiểu số, nhằm đáp ứng yêu cầu về cán bộ, công chức cho nhiệm kỳ 2016 - 2021 và những năm tiếp theo. Tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện chính sách ưu đãi đối với cán bộ, công chức được điều động về các địa bàn khó khăn của các tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi thuộc các tỉnh giáp Tây Nguyên, nhất là đối với các xã vùng sâu, vùng cao, khu vực biên giới. Xây dựng chế độ, chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cơ sở đi đào tạo, bồi dưỡng để đạt chuẩn theo quy định.
Để đào tạo đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, trước hết phải đổi mới và nâng cao chất lượng công tác cử tuyển, tăng cường thu hút học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số thuộc các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã trọng điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số vào học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường cao đẳng, đại học... Các địa phương cần có định hướng ưu tiên đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật là người dân tộc thiểu số đối với các ngành: nông, lâm nghiệp, giáo dục, y tế, văn hóa và một số ngành nghề quan trọng khác.
Phan Hiển
Theo Báo điện tử Chính phủ