Bộ Tư pháp cho biết, Luật công chứng quy định trong trường hợp không cần thiết duy trì Phòng công chứng thì UBND cấp tỉnh quyết định chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng và giao cho Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng.
Dự thảo Nghị định đã quy định chi tiết về mục tiêu, yêu cầu, nguyên tắc chuyển đổi Phòng công chứng; Ban chỉ đạo chuyển đổi Phòng công chứng; Đề án chuyển đổi Phòng công chứng…
Về phương thức chuyển đổi liên quan đến công chứng viên được nhận chuyển đổi Phòng công chứng, dự thảo Nghị định đưa ra 2 phương án:
Phương án thứ nhất: Tất cả các công chứng viên đang hành nghề tại địa phương đều có quyền nộp hồ sơ tham gia đấu giá “quyền nhận chuyển đổi Phòng công chứng”.
Dự thảo Nghị định quy định “quyền nhận chuyển đổi” Phòng công chứng phải được đưa ra đấu giá công khai. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, các Sở, ngành liên quan, Hội công chứng ở địa phương (nơi có Hội công chứng) xác định giá khởi điểm của “quyền nhận chuyển đổi Phòng công chứng” để tiến hành đấu giá trong các công chứng viên có nhu cầu nhận chuyển đổi. Trường hợp các công chứng viên đăng ký tham gia đấu giá trả giá ngang nhau thì các công chứng viên đang làm việc tại Phòng công chứng được chuyển đổi được ưu tiên trúng đấu giá.
Theo Luật
Công chứng, Phòng công chứng do UBND cấp tỉnh quyết định thành lập,
là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp, có trụ sở, con dấu và tài khoản
riêng. |
Đối với tài sản (trụ sở, trang thiết bị…) do Phòng công chứng đang quản lý, sử dụng thì được xử lý theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Đối với trụ sở làm việc mà Nhà nước giao cho Phòng công chứng được chuyển đổi quản lý, sử dụng thì UBND xem xét, có thể ưu tiên cho Văn phòng công chứng mới được thành lập thuê làm trụ sở.
Phương án thứ hai: Không thực hiện đấu giá đối với “quyền nhận chuyển đổi Phòng công chứng” mà Phòng công chứng sẽ được chuyển đổi cho chính các công chứng viên đang làm việc tại Phòng công chứng (công chứng viên không phải trả chi phí để được quyền nhận chuyển đổi).
Dự thảo Nghị định quy định phương thức chuyển đổi Phòng công chứng theo quy trình hành chính, không thực hiện việc đấu giá “quyền nhận chuyển đổi Phòng công chứng. Theo phương án này, chỉ chuyển đổi về mô hình hoạt động từ Phòng công chứng sang Văn phòng công chứng, còn về cơ bản, toàn bộ công chứng viên, người lao động của Phòng công chứng được chuyển đổi sẽ chuyển sang làm việc tại Văn phòng công chứng được thành lập trên cơ sở Phòng công chứng được chuyển đổi. Tài sản của Phòng công chứng (trụ sở làm việc, trang thiết bị…) sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý tài sản nhà nước.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn