Sáng nay (22/9), tiếp tục chương trình phiên họp thứ 31 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình về Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Nhìn chung các ý kiến đánh giá cao sự nỗ lực của Ban soạn thảo; đồng thời cho rằng cần lựa chọn một số nội dung đưa ra lấy ý kiến nhân dân.
Khắc phục bất cập của Luật hiện hành
Bước sang giai đoạn phát triển mới của đất nước, trước yêu cầu thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 đã được thông qua tại Đại hội lần thứ XI của Đảng và đặc biệt là yêu cầu về bảo vệ quyền con người, quyền công dân và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013, Bộ luật dân sự hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, nổi bật.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, những hạn chế, bất cập trong Luật hiện hành đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực và hiệu quả của Bộ luật dân sự nói riêng, pháp luật dân sự nói chung; chưa thực sự tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như cho việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền dân sự của người dân.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Tờ trình về Bộ Luật Dân sự (sửa đổi)
Việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật lần này là nhằm xây dựng Bộ luật dân sự thực sự trở thành luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành theo nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia, ghi nhận và bảo vệ tốt hơn các quyền của cá nhân, tổ chức trong giao lưu dân sự, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội sau khi Hiến pháp đã được sửa đổi.
Khó áp dụng tập quán, quy định tương tự của pháp luật
Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi kế thừa Bộ luật Dân sự hiện hành và một số đạo luật tiếp tục quy định cho phép áp dụng tập quán, quy định tương tự của pháp luật với điều kiện các tập quán và việc áp dụng quy định tương tự đó không trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, đồng thời bổ sung chế định tôn trọng và bảo vệ quyền dân sự.
Theo đó khoản 3 Điều 5 dự thảo quy định: Tòa án nhân dân không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, Tòa án cần áp dụng quy định, nguyên tắc cơ bản được thể hiện trong Bộ Luật và dựa trên lẽ công bằng để xem xét, giải quyết.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, việc tôn trọng và bảo vệ quyền dân sự đã được quy định tại khoản 3 điều 102 của Hiến pháp: “Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”. Như vậy, quy định tại Điều 5 của dự thảo luật là phù hợp với chức năng, vị trí, vai trò của Tòa án đã được Hiến pháp xác định.
Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, việc áp dụng quy định này trong thời gian qua còn gặp nhiều vướng mắc. Biểu hiện là việc áp dụng tập quán đã được ghi nhận trong các văn bản pháp luật, nhưng thực tiễn cho thấy Tòa án còn lúng túng trong việc áp dụng quy định này để giải quyết tranh chấp vì hầu hết các văn bản hiện hành mới chỉ thừa nhận cho phép áp dụng mà chưa có quy định về việc xác định như thế nào là tập quán và điều kiện áp dụng tập quán. Các văn bản pháp luật cũng mới dừng ở việc chỉ ra trong trường hợp nào áp dụng tập quán và xác định thứ tự ưu tiên của việc áp dụng.
Về việc áp dụng quy định tương tự của pháp luật cũng là một vấn đề mang tính học thuật mà chưa được quy định rõ ràng trong các văn bản pháp luật. Trong khi đó, Hiến pháp, Luật tổ chức Tòa án nhân dân và các luật về tố tụng đều quy định “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Như vậy, vấn đề thế nào là “áp dụng tương tự quy định của pháp luạt” cần được quy định trong Bộ luật dân sự để làm cơ sở pháp lý cho việc vận dụng tập quán và áp dụng quy định tương tự của pháp luật khi xét xử.
Ngoài ra, “dựa trên lẽ công bằng” để xem xét, giải quyết là một quy định mới, trong khi đó chưa có quy định thế nào là “lẽ công bằng”.
Ủy ban Pháp luật đề nghị, để bảo đảm tính khả thi của các quy định này, cần quy định rõ các nội dung về áp dụng tập quán, áp dụng quy định tương tự của pháp luật và lẽ công bằng trong Bộ luật Dân sự làm căn cứ để Tòa án áp dụng giải quyết vụ việc dân sự của người dân.
Như vậy, nếu theo quy định như dự thảo, trách nhiệm của Tòa án phải thụ lý tất cả vụ việc khiếu kiện, tranh chấp dân sự dù luật chưa quy định. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, điều này chưa phù hợp với tình hình thực tế Việt Nam vì tất cả đều phải giải quyết trên cơ sở Hiến pháp và Pháp luật. Người dân đưa ra tòa là những vụ việc rất cụ thể, do đó không thể giải quyết theo nguyên tắc cơ bản, mà phải theo Luật. Với sự việc phát sinh thì cơ quan có trách nhiệm phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung luật.
“Người dân có quyền định đoạt nếu không trái pháp luật, nhưng khi không thỏa thuận được với nhau mới ra Tòa mà bắt Tòa án thụ lý tất cả khi luật chưa quy định là không phù hợp”, ông Nguyễn Văn Hiện nêu ý kiến.
Về nội dung này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước lại cho rằng theo tinh thần Hiến pháp, Tòa án là cơ quan xét xử duy nhất, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân. Yêu cầu cần có luật mới xem xét sẽ dẫn đến thụ động. Cuộc sống luôn vận động, không thể ngồi chờ luật. Quan điểm của đại biểu là Tòa phải xem xét và dự thảo Luật cần cụ thể hơn trong trường hợp vụ việc chưa có luật điều chỉnh thì Tòa xử thế nào./.
Ngọc Thành