Sinh viên ngành y hệ cử tuyển năm thứ 4 thực tập tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ - Ảnh: V.Tr.
Gần 1.000 sinh viên được các tỉnh gửi học tại Trường ĐH Y dược Cần Thơ theo diện cử tuyển.
Thế nhưng chính trường này thừa nhận hoàn toàn không yên tâm về chất lượng của khoảng 500 bác sĩ đã và sắp ra trường.
Vấn đề nằm ở khâu tuyển chọn đầu vào quá dễ dãi.
T.T.N.M. ở huyện Trà Cú (tỉnh Trà Vinh) cho biết mình tốt nghiệp THPT năm 2010 loại trung bình. Khi trúng tuyển ngành sư phạm Trường ĐH Trà Vinh cũng là lúc tỉnh thông báo xét tuyển để đào tạo bác sĩ, M. đã nộp hồ sơ và trúng tuyển.
“Tôi biết trình độ của mình không thể thi ngành y nổi và cũng không thích ngành này. Học đến năm thứ ba, khi được đi thực tập tại bệnh viện tôi mới thấy thích ngành này” - T.T.N.M. tâm sự.
Chuẩn bị đi học CĐ, được cử đi học bác sĩ
Tương tự, T.T.M.L. ở tỉnh Bạc Liêu cũng thừa nhận học lực trung bình của mình không thể thi vào ngành y nổi nên mới chọn ngành công nghệ thực phẩm của Trường ĐH Cần Thơ để thi. Bỗng nhiên T.T.M.L. nhận được món quà từ “trên trời rơi xuống”: tỉnh cử đi học bác sĩ.
Đồng hương của T.T.M.L. là S.M.H. đăng ký thi vào Trường ĐH Y dược Cần Thơ nhưng chỉ được 10,5 điểm trong khi điểm trúng tuyển lúc đó trên 22. Trong lúc chuẩn bị đi học CĐ y tế ở tỉnh nhà thì S.M.H. được cử đi học bác sĩ.
Cũng nhờ cử tuyển mà T.M.K. ở tỉnh Sóc Trăng trở thành sinh viên trường y đã được bốn năm. T.M.K. thú nhận: “Cuộc đời mình quá may mắn. Nếu thi tuyển chính quy chắc chắn không có cửa thi đậu”.
Nói thật lòng là chúng tôi bị ép dạy số sinh viên này nên phải rất cố gắng để làm sao các em tốt nghiệp ra trường đạt loại trung bình trở lên. Trong quá trình giảng dạy, chúng tôi phải truyền đạt ở mức thấp cho các em có thể hiểu được |
ThS.BS PHAN VĂN KHOÁT |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn trong số gần 1.000 sinh viên hệ cử tuyển đã và đang học tại Trường ĐH Y dược Cần Thơ có học lực năm lớp 12 chỉ đạt loại trung bình hoặc khá. Các sinh viên này ở các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định, Đồng Nai, Trà Vinh, Vĩnh Long, Kiên Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu.
Trong số 42 sinh viên cử tuyển năm học 2006-2007 có tới 28 người xếp loại trung bình và 12 người loại khá. Năm học 2009-2010 trường nhận 102 sinh viên thì có 43 trung bình và 47 khá. Còn năm học 2010-2011 có tới 55 khá, 28 trung bình trong tổng số 99 người được cử đi học.
Theo PGS.TS Nguyễn Trung Kiên - phó hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Cần Thơ, tất cả sinh viên các tỉnh gửi đến trường đào tạo đều do địa phương xét tuyển và quyết định cử đi học, chứ nhà trường không được mời tham gia góp ý kiến trong khâu xét tuyển. Trình độ sinh viên cử tuyển thấp hơn nhiều so với sinh viên chính quy của trường.
Cũng vì lý do này mà sinh viên cử tuyển phải học một năm dự bị ĐH. Theo phòng đào tạo Trường ĐH Y dược Cần Thơ, các sinh viên này cũng học rất vất vả và phải khó khăn lắm mới được lên học chính quy năm thứ nhất. Trong những năm ĐH, họ phải vật lộn với các môn học và thi lại mướt mồ hôi.
ThS.BS Phan Văn Khoát (giảng viên) cho biết kể cả các môn lý thuyết ở trường lẫn các môn lâm sàng tại bệnh viện, số lượng sinh viên cử tuyển phải thi lại lần hai, lần ba luôn chiếm hơn 2/3 tổng số sinh viên thi lại của trường. Đến khi thi lần hai, lần ba thì nhiều giảng viên phải “tạo điều kiện” để họ đạt điểm trung bình cho xong.
Đơn cử như S.T.Kh. (sinh viên y đa khoa khóa 2008) thi môn dược lý 1 chỉ đạt 1,5 điểm, môn lý thuyết nhi chỉ 2 điểm, môn dược lý 2,5 điểm.
Mặc dù thi lần một điểm rất thấp nhưng nhiều sinh viên thi lần hai càng tệ hơn.
T.G. (sinh viên y đa khoa khóa 2008) thi môn sinh học đại cương 4,5 điểm, nhưng thi lần hai chỉ có 3,5 điểm; môn hóa học đại cương 3 điểm, thi lần hai chỉ có 2,5 điểm; môn hóa học hữu cơ 0 điểm, khi thi lần hai được 1 điểm.
Còn sinh viên Đ.TP. thi môn skills block bệnh lý ĐBSCL cả hai lần đều 0 điểm, môn skills block cơ thể người lần một cũng 0 điểm; môn ngoại ngữ 3 0 điểm, thi lại chỉ có 2,5 điểm.
Bác sĩ không biết ruột thừa nằm ở đâu
Theo nghị định 134 ngày 14-11-2006 của Chính phủ, cử tuyển là việc tuyển sinh không qua thi tuyển vào ĐH, CĐ, trung cấp để đào tạo cán bộ, công chức, viên chức cho các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các dân tộc thiểu số chưa có hoặc có rất ít cán bộ đạt trình độ ĐH, CĐ, trung cấp. Đối tượng cử tuyển là người thường trú tại địa phương đó từ năm năm liên tục trở lên, ưu tiên xét đối tượng là người dân tộc thiểu số. Tỉ lệ người Kinh được cử tuyển không quá 15% so với tổng chỉ tiêu được giao. |
Bắt đầu đào tạo cử tuyển từ năm 2006, đến nay đã có hai khóa đầu tiên của Trường ĐH Y dược Cần Thơ tốt nghiệp ra trường.
Khóa đầu tiên có 39 sinh viên y đa khoa, trong đó có 34 người tốt nghiệp, 4 người vẫn phải học tiếp năm thứ 7 vì không đủ điều kiện tốt nghiệp, 1 người bị buộc thôi học. Thế nhưng cũng chỉ có sáu người tốt nghiệp loại khá, còn lại là trung bình và trung bình khá.
Khóa thứ hai có 28 sinh viên y đa khoa nhưng mới có 14 người tốt nghiệp ra trường, 14 người phải học tiếp năm thứ 7 vì không đủ điều kiện tốt nghiệp. Chỉ duy nhất một người tốt nghiệp loại khá, còn lại là trung bình và trung bình khá.
Các năm tới đây số lượng sinh viên cử tuyển tốt nghiệp ra trường còn nhiều hơn khiến các giảng viên của trường này rất lo lắng.
Là người trực tiếp hướng dẫn sinh viên thực tập tại các bệnh viện ở TP Cần Thơ, ThS.BS Phan Văn Khoát từng nhiều lần “nổi nóng” khi rất nhiều sinh viên cử tuyển khám cho bệnh nhân nhưng hoàn toàn không biết vì sao có một triệu chứng nào đó (mà bệnh nhân kể) để xác định bệnh và đưa ra hướng điều trị phù hợp.
“Lý do là sinh viên không theo kịp bài giảng, kiến thức bị hổng rồi từ đó học đối phó. Kiến thức y khoa là kiến thức bậc thang, phải có bậc đầu tiên mới có bậc thứ hai, thứ ba. Có sinh viên năm thứ 6 mà vẫn không nắm rõ ruột thừa nằm ở vị trí nào trong ổ bụng. Xung quanh ruột thừa có các bộ phận nào và những mối liên hệ của nó cũng không biết. Điều này rất nguy hiểm vì họ rất dễ chẩn đoán sai bệnh, có thể khiến bệnh nhân mất mạng."
"Vì vậy nhìn các em tốt nghiệp ra trường mà chúng tôi rất lo. Càng lo hơn khi luật pháp cho phép các em ra trường công tác một thời gian thì có thể xin phép hành nghề khám chữa bệnh ở phòng mạch tư” - BS Khoát nói.
Bà Sơn Thị Ánh Hồng, phó bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh - là người trực tiếp tuyển chọn sinh viên cử tuyển những năm trước đây, cho biết khi chọn sinh viên đi học bác sĩ hệ cử tuyển thì tỉnh rất quan tâm chất lượng đầu vào. Chỉ con em gia đình chính sách mới được ưu tiên nên học lực trung bình vẫn được chọn, còn lại tỉnh đều chọn từ giỏi trở xuống. Lực lượng được cử đi học là những em học tốt nhất (trong số đăng ký cử tuyển).
So với các tỉnh thì chất lượng cử tuyển đầu vào của Trà Vinh cao hơn. Cũng vì biết bác sĩ ra trường tay nghề chưa vững nên tỉnh không phân công họ về xã công tác ngay mà bố trí ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh hoặc các bệnh viện chuyên khoa để “học nghề”. Họ sẽ được bác sĩ giỏi kèm cặp, hướng dẫn khám chữa bệnh trong 18 tháng. Sau đó tỉnh mới phân công họ về các xã khó khăn, vùng sâu.
Còn theo Sở Y tế Vĩnh Long, tỉnh này vừa tiếp nhận bác sĩ cử tuyển đợt đầu tiên vừa ra trường tháng 7-2014 nhưng hiện chưa phân công công tác.
Vân Trường