Nhiều thay đổi trong tiếp công dân

22/09/2014 08:55 AM

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trực tiếp trả lời thắc mắc của người dân liên quan đến trách nhiệm của cơ quan thẩm quyền đối với việc tiếp công dân, trả lời đơn thư khiếu nại, tố cáo (KNTC) của người dân trong chương trình "Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời", ngày 21/9.

Thực hiện nghiêm, người dân bớt bức xúc

Thưa Tổng Thanh tra, một cán bộ lão thành đã nghỉ hưu gửi thư đến chương trình như sau: “Vừa qua báo chí có đưa tin về 2 cuộc tiếp dân của Tổng Thanh tra Chính phủ cùng đại diện UBND TP. Hà Nội và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên. Tôi đọc báo, nghe đài có thấy nói các ông còn phải ăn bánh mì để tiếp dân. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn nhiều đơn thư  bức xúc của người dân thì liệu các ông có ăn bánh mì liên tục mà tiếp dân được hay không?”.

Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh: Luật Tiếp công dân quy định Thủ trưởng các cơ quan Nhà nước, các cấp phải dành thời gian ít nhất 1 ngày tiếp công dân.

Lần đầu tiên, tôi cùng Bộ trưởng Chủ nhiệm, Văn phòng Chính phủ tổ chức tiếp công dân. Chúng tôi cũng tập trung tiếp nhiều vụ việc và giải quyết đạt hiệu quả. Việc dành 30 phút nghỉ trưa ăn bánh mì là có thật.

Hôm đó, chúng tôi đã tiếp, giải quyết 6 vụ việc. Kết quả trong 1 tháng có 1 vụ được giải quyết dứt điểm; 5 vụ còn lại thì  3 vụ đã thành lập đoàn thanh tra, 2 vụ được giao cho UBND TP. Hà Nội trực tiếp kiểm tra, rà soát và giải quyết.

Chúng tôi đánh giá việc tiếp dân là hiệu quả, vì vậy, Thủ trưởng cơ quan Nhà nước các cấp, Chủ tịch UBND các cấp phải thực hiện đúng Luật Tiếp công dân.

Một số đơn thư khác gửi về chương trình phản ánh nhiều vụ việc các cơ quan có thẩm quyền đã ra quyết định, kết luận rất rõ ràng, nhưng tính hiệu lực không cao vì không có người thực hiện, giám sát thực hiện các quyết định này. Vậy ông có biện pháp nào để giải quyết vấn đề này?

Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh: Việc giải quyết KNTC, theo quy trình có nhiều bước nhưng sau khi ra quyết định thì cơ quan Nhà nước các cấp có trách nhiệm thực hiện quyết định có hiệu lực pháp luật.

Trong thời qua, nhiều địa phương hết sức tích cực triển khai việc thực hiện các quyết định đã có hiệu lực pháp luật để chấm dứt tình trạng KNTC của công dân. Tuy nhiên, còn một vài địa phương, có một vài vụ việc thực hiện quyết định không nghiêm, chưa đến nơi, đến chốn làm người dân bức xúc.

Thứ hai, việc thực hiện kỉ luật hành chính đối với Trung ương và địa phương dù mang lại hiệu quả thiết thực, nhưng trong chừng mực vẫn có một số vụ việc chưa được chấp hành nghiêm. Đặc biệt các cơ quan Trung ương đã chỉ đạo, thậm chí có vụ việc Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nhưng thực hiện không kịp thời. Điều này làm ảnh hưởng đến kết quả giải quyết KNTC, gây bức xúc cho người dân.

Vì vậy, các cấp phải tích cực hơn nữa trong thực hiện các quyết định đã có hiệu lực pháp luật để chấm dứt các vụ việc KNTC. Các cơ quan Nhà nước cần thực hiện nghiêm kỷ luật hành chính, cấp dưới phải chấp hành cấp trên, địa phương phải chấp hành Trung ương,  có như vậy, kỷ cương phép nước mới nghiêm.

Chúng tôi cũng đề nghị người KNTC phải nhận thức đầy đủ về pháp luật. Khi cơ quan có thẩm quyền đã giải quyết hết thẩm quyền, đến nơi đến chốn nhưng người dân không chấp nhận mà tiếp tục KNTC thì theo quy định của Điều 9, Luật Tiếp công dân, cơ quan đó có quyền từ chối việc tiếp dân và giải quyết KNTC. Trong trường hợp này người dân có quyền viết phiếu đến các cơ quan có thẩm quyền như Tòa án Hành chính để được hướng dẫn, giải quyết.

Nhưng nếu đơn vị tiếp công dân cấp cơ sở không thực hiện đúng chức năng thì sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào, thưa Tổng Thanh tra Chính phủ?

Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh: Điều 9 Luật Tiếp công dân có quy định 8 hành vi bị cấm trong việc tiếp công dân như: Thiếu trách nhiệm trong việc tiếp công dân; phân biệt đối xử trong việc tiếp công dân và các quy định khác.

Trong trường hợp này, nếu cơ quan tiếp công dân thiếu trách nhiệm, phân biệt đối xử hoặc gây cản trở việc tiếp, xử lý đơn thư của công dân thì sẽ bị xử lý bằng hình thức chấn chỉnh, xử lý hành chính, kỷ luật về mặt tổ chức hoặc nặng hơn thì xử lý theo quy định của pháp luật.

Không phải cứ khiếu nại cao sẽ giải quyết nhanh

Chúng tôi xin chuyển đến Tổng Thanh tra hồ sơ của ông Vũ Đình Cường, ở TPHCM, một người khiếu kiện từ năm 1998 đến nay, tức là đã 16 năm đeo đuổi một vụ kiện. Thưa Tổng Thanh tra, những trường hợp như thế này thì cơ quan nào chịu trách nhiệm giải quyết vụ việc hay không?

Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh: Không chỉ trường hợp của ông Vũ Đình Cường, mà qua rà soát kết quả giải quyết các vụ việc KNTC phức tạp, kéo dài chúng tôi đã ghi nhận có nhiều trường hợp kéo dài tới 30 năm

Vụ việc 16 năm chưa được thụ lý, giải quyết, thì trước hết cần xem xét trách nhiệm của cấp có thẩm quyền, nếu không thực hiện sẽ coi như có khuyết điểm. Nhưng về phía người dân cũng phải xem đã khiếu kiện có đúng thẩm quyền, đúng trách nhiệm giải quyết của cơ quan Nhà nước, hay là khiếu nại vượt cấp với hy vọng khiếu nại càng cao giải quyết càng nhanh. Điều này không đúng quy định của pháp luật.

Cho nên cả hai phía đều phải xem xét. Cơ quan Nhà nước có khuyết điểm thì phải sửa, phải thực hiện thụ lý vụ việc, giải quyết đúng thẩm quyền. Nếu người dân KNTC chưa đúng thì phải làm theo quy định của pháp luật.

Một người dân phản ánh rằng, cách đây 3 năm, đã nhận thư trả lời của cơ quan chức năng về việc tiếp nhận hồ sơ và chuyển đi, nhưng đến nay không nhận được thêm thông tin nào nữa. Xin chuyển đến Tổng Thanh tra câu hỏi của người dân này: Tháng 4/2011, tôi có nhận được Công văn số 2051 của Vụ xử lý đơn thư, Văn phòng Chính phủ. Đến nay, công văn đã được 3 năm nhưng vẫn chưa được giải quyết. Tôi xin hỏi công văn ấy có được giải quyết hay không. Vậy với những trường hợp như thế này, Tổng Thanh tra có thể cho biết công dân nên hành xử như thế nào?

Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh: Luật Tiếp công dân quy định các cơ quan Nhà nước khi nhận đơn của công dân nếu không đúng thẩm quyền giải quyết thì có quyền hướng dẫn, giải thích và chuyển đơn.

Cụ thể, vụ chức năng của Văn phòng Chính phủ đã chuyển cho một cơ quan Nhà nước nên chúng tôi nghĩ rằng cần xem xét: Thứ nhất là trách nhiệm của cơ quan chuyển đơn phải theo dõi, trả lời cho công dân về việc này; thứ hai là cơ quan nhận được đơn chuyển đến theo quy định trong 10 ngày phải trả lời trực tiếp hoặc bằng văn bản cho công dân về việc giải quyết ra sao.

Trong trường hợp này và tình hình chung, việc chuyển đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết là hoàn toàn phù hợp, đúng thẩm quyền, trách nhiệm, nhưng cơ quan chuyển đơn phải theo dõi, thông báo kịp thời cho công dân. Cơ quan được nhận đơn chuyển đến thì cũng phải trả lời công dân theo quy định của luật; đồng thời chuyển đến cơ quan có thẩm quyền thụ lý vụ việc để giải quyết cho công dân.

Minh Khôi (ghi)

Theo Báo điện tử Chính phủ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,906

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]