1. Ban hành quy định mới về đánh giá học sinh tiểu học
Mục đích đánh giá là giúp cha mẹ, giáo viên và cả học sinh có thể tham gia quá trình học tập và rèn luyện của học sinh, từ đó nhận định được năng lực, phẩm chất của học trò và con em mình. Qua đó có những biện pháp giáo dục phù hợp hơn.
Nội dung đánh giá bao gồm kết quả học tập của học sinh; sự hình thành và phát triển một số năng lực như tự học, giao tiếp, tự quản…; sự hình thành và phát triển phẩm chất như chăm chỉ, kỷ luật, đoàn kết, yêu gia đình…
Quy định trên được đề cập tại Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT và có hiệu lực từ 15/10/2014.
2. Danh mục ngành nghề đào tạo trình độ trung cấp và cao đẳng nghề
Ngày 26/8/2014, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 21/2014/TT-BLĐTBXH quy định Danh mục nghề đào tạo trình độ trung cấp nghề, trình độ cao đẳng nghề.
Theo đó, có tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương về:
- Nghề đào tạo được đề xuất loại bỏ khỏi danh mục nghề (23 nghề)
- Nghề đào tạo được đề xuất chỉnh sửa tên trong danh mục nghề (24 nghề)
- Nghề đào tạo được đề xuất gộp (2 nghề)
- Nghề đào tạo được đề xuất tách (2 nghề)
- Nghề đào tạo được đề xuất bổ sung (42 nghề).
Thông tư này có hiệu lực từ 10/10/2014.
3. Quy định mới về cộng tác viên thanh tra giáo dục
Từ 11/10/2014, một số quy định mới về cộng tác viên thanh tra giáo dục theo Thông tư 31/2014/TT-BGDĐT sẽ chính thức được áp dụng.
Theo đó, cộng tác viên thanh tra giáo dục sẽ được công nhận trong thời hạn 03 năm; thẻ cộng tác viên thanh tra giáo dục có giá trị trong thời hạn tương đương.
Nghiêm cấm sử dụng thẻ cộng tác viên thanh tra cho mục đích cá nhân; trường hợp sử dụng thẻ để thực hiện hành vi trái pháp luật sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Cộng tác viên thanh tra giáo dục được cấp nào công nhận thì cấp đó ra quyết định thu hồi và chịu trách nhiệm thu hồi thẻ cộng tác viên thanh tra giáo dục.
Ngoài ra, Thông tư này cũng sửa đổi một số quy định về chính sách đãi ngộ, tiêu chuẩn của cộng tác viên thanh tra giáo dục thường xuyên… tại Thông tư 54/2012/TT-BGDĐT ngày 21/12/2012.
4. Nội dung kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục
Từ ngày 10/10, đối với hoạt động tự đánh giá thì mức chi cho điều tra, thu thập thông tin, xử lý, phân tích kết quả thu thập thông tin sẽ thực hiện theo quy định tại Thông tư 58/2011/TT-BTC.
Theo đó, chi phục vụ công tác làm việc tập trung nghiên cứu hồ sơ đánh giá của từng thành viên (tối đa không quá 04 ngày và không quá 07 người) như sau:
- Trưởng đoàn: Tối đa không quá 200.000 đồng/người/ngày;
- Thư ký: Tối đa không quá 180.000 đồng/người/ngày;
- Các thành viên khác: Tối đa không quá 150.000 đồng/người/ngày.
Nội dung trên được quy định tại Thông tư 125/2014/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 27/8/2014.
5. Điều kiện cơ sở giáo dục được giao nhiệm vụ bồi dưỡng
Từ ngày 10/10/2014, việc bồi dưỡng và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục trong các trường sư phạm, các cơ sở giáo dục đại học có khoa, ngành quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục được giao nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục sẽ thực hiện theo Thông tư 28/2014/TT-BGDĐT.
Theo đó, cơ sở giáo dục được giao nhiệm vụ bồi dưỡng phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Có đủ giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy tối thiểu 70% khối lượng của chương trình bồi dưỡng…
- Có đội ngũ giảng viên thỉnh giảng, báo cáo viên tham gia giảng dạy hoặc trợ giảng là các nhà khoa học có kinh nghiệm trong công tác bồi dưỡng; cán bộ quản lý ở các cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục.
- Áp dụng chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và được phát triển, cập nhật các nội dung đáp ứng yêu cầu và phù hợp với đặc điểm của nhà trường, địa phương.
- Có cơ sở vật chất, thiết bị đảm bảo đáp ứng yêu cầu bồi dưỡng.
- Có đơn vị chuyên trách tổ chức, quản lý quá trình bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ quản lý công tác bồi dưỡng.
- Thường xuyên hoặc định kỳ cử giảng viên của nhà trường đi thực tế giáo dục ở địa phương nhằm bổ sung kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn giáo dục.
Thụy Hân