Hủy án do “không biết bị cáo tên gì”
TAND TP HCM phải tuyên hủy bản án hình sự của TAND quận 7 vì không xác định rõ tên bị cáo.
Bị cáo là Nguyễn Thành Trung - làm thợ hồ tại một công trình xây dựng. Ngày 7/11/2010, Trung đi nhậu về, gặp một phụ nữ chắn lối đi nên hai người xảy ra cãi vã. Thấy ồn ào, hai người làm cùng công trình chạy tới can ngăn thì bị Trung chém gây thương tích nặng. Xử sơ thẩm, Trung bị TAND quận 7 tuyên phạt 12 năm tù về tội “cố ý gây thương tích”. Sau đó, Trung kháng cáo xin giảm án.
Tại phiên xử phúc thẩm, HĐXX thẩm tra và phát hiện cấp sơ thẩm đã xác định sai lý lịch của bị cáo. Cụ thể, trong bản án sơ thẩm xác định bị cáo có hai tên là Nguyễn Thành Trung và Nguyễn Văn Chung. Khi còn sử dụng tên Nguyễn Văn Chung, bị cáo từng bị TAND TP HCM tuyên phạt 15 năm tù về tội giết người. Ra tù, bị cáo mới sử dụng tên Nguyễn Thành Trung.
Bị cáo cũng thừa nhận cả hai tên này đều là của bị cáo và việc xác định tiền án của bị cáo như hồ sơ là chính xác. Ngoài ra, không chỉ bị cáo mà mẹ của bị cáo cũng có hai tên khác nhau, Lê Thị Chúc và Lê Thị Cúc. Theo HĐXX, cấp sơ thẩm đã có sai sót không xác định chính xác lại tên của bị cáo, không lấy danh chỉ bản và có những điểm không thống nhất trong bản án mà tòa phúc thẩm không thể sửa chữa vì không nằm trong phạm vi xét xử phúc thẩm. Vì vậy, HĐXX phải tuyên hủy án.
Nhân viên đặt lén camera thoát tội vì quên "bấm nút"
Nghi ngờ "sếp" có quan hệ tình cảm với nữ trợ lý, ba nhân viên đặt camera quay lén trong phòng ngủ của sếp nhưng quên... bấm nút.
Trong quá trình điều tra, các nhân viên Phan Thị Thanh Thủy, Trần Anh Tuấn và Nguyễn Hải Trị thuộc Công ty Công ty Dona Pacific, Khu công nghiệp Sông Mây (Đồng Nai) đã khai nhận do nghi ngờ sếp có quan hệ trên mức tình cảm với một nữ trợ lý và đã bị sếp "đì" nên đã bàn mưu trả thù bằng cách mua camera lắp tại phòng ngủ của tổng giám đốc.
Tuy nhiên, do quên bấm nút thu nên những nhân viên này không thu được. Khi Trị và Tuấn mang máy quay vào phòng ngủ của sếp để gắn lại, bị trợ lý giám đốc bắt quả tang. Trước sự việc này, Công an tỉnh Đồng Nai đã kết luận việc quay trộm tuy đã được thực hiện nhưng chưa thu được hình ảnh. Hơn nữa, mục đích quay chỉ để báo cáo chủ tịch hội đồng quản trị, không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản nên không đủ yếu tố để xử lý hình sự Thủy, Tuấn và Trị.
Ảnh minh họa. |
Thoát tội “Hiếp dâm trẻ em” vì… đuối sức
Cởi đồ bị hại chưa thành niên nhưng Hiếu lại chạy sang một bị hại khác thực hiện hành vi hiếp dâm, đến khi quay lại thì đuối sức.
Bị cáo Nguyễn Trung Hiếu (26 tuổi, ngụ tại Long An) kháng cáo lên Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP HCM kêu oan cho rằng không phạm tội hiếp dâm trẻ em. Trước đó, TAND TPHCM xử sơ thẩm, tuyên phạt Hiếu 20 năm tù về 2 tội hiếp dâm và hiếp dâm trẻ em.
Theo trình bày của Hiếu thì tối 9/11/2003, sau khi uống rượu, Hiếu cùng 9 thanh niên rủ N.T.T.M và N.N.L (lúc đó 15 tuổi) đi ăn tối rồi cả bọn đã thực hiện hành vi hiếp dâm. Lúc đầu, Hiếu cởi đồ của bị hại L. nhưng lại chạy sang chỗ M. thực hiện hành vi giao cấu. Sau đó, Hiếu quay lại chỗ L. nhưng vì… đuối sức nên đã bỏ về. Sau khi xem xét toàn bộ hồ sơ, chứng cứ, lời khai của các bị hại, HĐXX đã chấp nhận một phần kháng cáo, tuyên phạt Hiếu 12 năm tù về tội hiếp dâm.
Trắng án nhờ... ngực to
Không chỉ ở Việt Nam mà ở nước ngoài có nhiều trường hợp được xử trắng án hay thoát tội nhờ những lý do chết cười. Đó là trường hợp của cô người mẫu Serena Kozakura, 38 tuổi, người Nhật Bản. Nhờ có số đo vòng 1 là 110 cm, Serena đã được minh oan sau khi bị bạn trai kiện về tội "phá hoại tài sản". Theo lời người bạn trai thì Serena đã đá thủng cánh cửa gỗ ra vào nhà anh ta, sau đó chui qua cái lỗ đó và tự tiện đột nhập vào nhà. Tại phiên tòa, luật sư của Serena đã biện hộ bằng cách đưa ra một chiếc đĩa to bằng cái lỗ trên cánh cửa và chứng minh rằng với số đo vòng ngực như thế thì Serena không thể nào chui lọt. Kết quả là Serena được tuyên trắng án.
Một trường hợp khác xảy ra tại bang Maryland, Mỹ khi một bị cáo người Liberia thoát tội hiếp dâm vì thiếu phiên dịch. Cảnh sát bắt Mahamu Kanneh, gốc Liberia sau khi bị tố cáo cưỡng hiếp một bé gái nhiều lần. Tuy nhiên, sau gần ba năm, quan chức tòa án không tìm được một phiên dịch viên thích hợp cho Mahamu và thẩm phán Katherine D.Savage đã hủy cáo trạng và kết thúc vụ án. Bà cho rằng việc trì hoãn là xâm phạm quyền của bị cáo và khẳng định đây là một trong những quyết định khó khăn nhất mà bà phải đưa ra.