Những sai lệch trong con số thống kê, những thắc mắc trong việc sụt giảm vốn đầu tư nước ngoài và cả những kỳ vọng về chính sách đầu tư công trung hạn là những vấn đề được đặt ra trong chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tuần này. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trả lời những băn khoăn này của người dân.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh
** Câu hỏi đầu tiên là của một bác đã nghỉ hưu gửi thư về chuyên mục: Thưa Bộ trưởng, đến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng phải thốt lên là tỉnh nào tôi đến làm việc, GDP đều từ 9-14% trong khi cả nước chỉ có 5,8%. Thủ tướng đã khẳng định, cách tính GDP của các tỉnh thành hiện nay không xác thực, không đúng với thực tế và so với quốc tế không giống ai. Hơn ai hết Bộ trưởng biết rằng số liệu thống kê quan trọng đến mức nào đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Khi nào Bộ trưởng có thể thống nhất các con số và cho người dân biết bức tranh thật nhất về nền kinh tế?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Có thể nói đây là việc không đáng có trong điều hành kinh tế vĩ mô của chúng ta, bởi vì tuyệt đại đa số các nước trên thế giới chỉ tính GDP ở tầm quốc gia, ít nước tính GDP cho vùng và địa phương. Ở đây có mấy vấn đề, thứ nhất là việc tính GDP ở các địa phương không chính xác, bởi vì có nhiều khoản bị tính trùng, sót.
Ví dụ nhiều ngành hoạt động cả nước như ngân hàng bây giờ không thể phân bổ chi phí chia ra 63 tỉnh thành, cho nên bị trùng, hay là thuế, bảo hiểm, các hoạt động quốc phòng, an ninh. Hay như các doanh nghiệp cũng vậy, họ đóng trụ sở ở Hà Nội nhưng hoạt động kinh tế ở các địa phương cho nên tính việc phân bổ cho các địa phương bao nhiêu cũng không chính xác.
Điều thứ 2 là số liệu đầu vào của chúng ta ở các địa phương cũng không chính xác, hay các vấn đề khác nữa tạo ra sự chênh lệch số liệu giữa Trung ương và địa phương.
Quan điểm của chúng tôi là dần dần chỉ tính GDP của quốc gia, chúng tôi đã đưa ra quy trình, cải cách nhằm thu hẹp số liệu cách tính này là bắt đầu từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý kế hoạch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là địa phương sẽ cung cấp số liệu, Trung ương sẽ tính GDP cho các địa phương.
Như vậy việc phân bổ chi phí toàn quốc gia như ngân hàng, bảo hiểm sẽ sát, phù hợp hơn. Bắt đầu thực hiện từ năm 2016 là vì 2011-2015 vẫn phải để cách tính cũ cho phù hợp với kế hoạch 5 năm các địa phương đã xây dựng. Tôi hi vọng rằng khi đó sự chênh lệch số liệu này sẽ giảm đi rất nhiều.
** Tiếp theo là câu hỏi của một người dân ở Phú Yên: Thưa Bộ trưởng, 9 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam chỉ hơn 11 tỷ USD, giảm 25,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tôi có đọc báo và nghe đài được biết có nhiều dự án triệu đô, tỷ đô bị bỏ hoang rồi siêu dự án chuyển nhượng. Ngay ở tỉnh tôi mấy năm trước cũng rầm rộ công bố có nhà đầu tư Mỹ làm dự án hàng chục tỷ USD nhưng cũng bị thu hồi giấy phép. Là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng có thấy sốt ruột không?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Chúng ta không nên so sánh việc thu hút FDI cùng kỳ năm nay so với cùng kỳ năm trước, bởi vì việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là việc “bắc nước chờ gạo người”, vì việc quyết định đầu tư hay không, không chỉ là mong muốn đầu tư của Việt Nam mà còn phụ thuộc vào các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi họ phải chịu rất nhiều tác động của chính tập đoàn bên nước ngoài, hay họ bị vỡ nợ, sa lầy vào chính những dự án của tập đoàn họ đang triển khai.
Ngoài ra, còn vì vấn đề địa chính trị, không phải họ suy giảm về kinh tế mà còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề khác.
Như vậy, việc tăng, giảm không thể đánh giá là giỏi hay không giỏi trong thu hút đầu tư của Việt Nam, cái đó không phải là tất cả.
Vì vậy, chúng ta phải tính việc đầu tư nước ngoài trong một thời kỳ nhất định mới đủ, giống như việc tính ICOR nó phải tác động trong những năm tiếp theo. Chính vì vậy, đánh giá cho giai đoạn 5 năm về đầu tư nước ngoài là phù hợp.
Ngoài ra, đúng là Phú Yên là tỉnh nhỏ, nhưng có nhiều dự án khổng lồ và cuối cùng không thực hiện được, ngoài ra cũng có một số dự án ảo do một số nhà môi giới quốc tế làm không đúng mục đích, nếu chúng ta không tỉnh táo thì nhiều dự án sẽ không thể thực hiện được.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều văn bản nhắc nhở các địa phương phải thận trọng khi tiếp cận các dự án lớn và phải báo cáo Chính phủ, còn các dự án này gây ra lãng phí cũng có, nhưng không nhiều. Ở một số khu công nghiệp cũng đúng là có một số dự án đã đầu tư nhưng không hiệu quả, và chúng tôi đã chỉ đạo thu hồi giấy phép hoạt động của dự án.
** Một người dân khác quan tâm đến lĩnh vực đầu tư công gửi thư về chuyên mục cho biết: Mới đây chúng tôi đọc báo được biết Bộ trưởng tuyên bố chính sách đầu tư công trung hạn sẽ xóa cơ chế xin cho. Bộ trưởng có thể nói rõ hơn làm thế nào mà Bộ trưởng nghĩ có thể xóa bỏ được cơ chế xin cho trong vấn đề đầu tư hay không?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Vấn đề đặt ra là bình thường, một dự án nhóm C cũng phải mất 3-4 năm, nhóm B 4-5 năm, dự án nhóm A thì dài hơn, cho nên nếu anh quyết định đầu tư một dự án phải biết lấy tiền ở đâu ra, không thể trông chờ ký đầu tư một dự án rồi đi chạy vốn, thời gian qua chúng ta đã từng làm như vậy.
Bây giờ, để giải tỏa việc này thì điều đầu tiên là chúng ta phải xem có bao nhiêu tiền trong ngân sách ở Trung ương và địa phương, chọn ra những dự án quan trọng tạo sức lan tỏa cho cả nước thì đầu tư.
Vì vậy, chúng tôi đã đề xuất với Chính phủ ra Chỉ thị 1792 để chấn chỉnh việc này.
Đến nay Luật đầu tư công thực chất cũng là nâng cấp Chỉ thị 1792 của Chính phủ để đưa ra các giải pháp mạnh mẽ về đầu tư công, làm sao sử dụng nguồn lực này hiệu quả nhất trong khi nguồn vốn của chúng ta có ít.
Có nhiều nội dung trong vấn đề này, trước khi ký quyết định đầu tư một dự án thì anh phải xem lại chủ trương có hiệu quả thực sự không và căn cứ vào cơ sở lý luận hiệu quả kinh tế, và có trách nhiệm tiền ở đâu đầu tư để hoàn thành dự án, không để thời gian kéo dài, là tiền đề nhằm đảm bảo dự án có hiệu quả, đây chính là kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Bởi vì đầu tư công trung hạn là chúng ta phải tính toán được nhiều vấn đề, nguồn lực trong 5 năm, gắn liền với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của một quốc gia, địa phương, bộ ngành và xây dựng nguồn lực để thực hiện vấn đề này, nguồn lực đó chính là đầu tư công.
Ngoài ra, Chính phủ cần công bố trong 5 năm tới sẽ cung cấp cho địa phương là bao nhiêu tiền, từ đó giao quyền chủ động cho các địa phương sắp xếp. Như vậy, các địa phương, bộ ngành biết được 5 năm tới có bao nhiêu tiền, bố trí cho những dự án nào để Trung ương kiểm duyệt.
Khi đó, họ cũng không cần chạy chọt ở đâu cả, họ sẽ sử dụng linh hoạt hơn nếu năm nay không dùng hết sẽ chuyển sang năm sau. Đây là vấn đề minh bạch và phù hợp với thông lệ quốc tế, và các Dự án ODA của chúng ta đã làm như vậy phải báo cáo mất bao nhiêu tiền để họ cung cấp đủ cho ta.
Như vậy các địa phương và doanh nghiệp rất yên tâm bởi vì khi vậy họ biết khi trúng thầu các dự án là có tiền, giảm đi nợ công không cho phép làm quá khối lượng.
Ví dụ thực tế là ngay khi chúng tôi nhận nhiệm vụ lãnh đạo Bộ thì đã trình Chính phủ, Quốc hội đưa toàn bộ vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015 thành trung hạn, công bố luôn có bao nhiêu danh mục, Quốc hội sẽ quyết tiền cho các danh mục là bao nhiêu, còn hằng năm làm bao nhiêu cấp bấy nhiêu. Từ đó đến nay không có bộ ngành, địa phương nào lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin cả.
Tôi nghĩ rằng đây là biện pháp căn cơ nhất, nền tảng để hạn chế việc xin cho, nhũng nhiễu trong lĩnh vực này.
** Xin trân trọng cám ơn Bộ trưởng!./.
Văn Hiếu