Quốc hội bàn sửa Luật Ngân sách nhà nước

30/10/2014 11:43 AM

Chiều 29-10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi). Nhiều vấn đề như quy trình ngân sách, phân cấp ngân sách, thưởng vượt thu, bội chi ngân sách địa phương, các quỹ tài chính ngoài ngân sách… nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội.


Quang cảnh phiên thảo luận

Luật NSNN hiện hành đã tròn nhiệm vụ

Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) hiện hành đã được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ hai thông qua ngày 16/12/2002, có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2004. Qua 10 năm tổ chức thực hiện, dưới sự giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị sử dụng ngân sách, Luật NSNN đã đi vào cuộc sống và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia vững mạnh, tăng tích luỹ để thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, nâng cao, đời sống nhân dân được bảo đảm.

Thực hiện Luật NSNN, cân đối NSNN chuyển biến theo hướng tích cực; dư nợ chính phủ, dư nợ quốc gia, dư nợ công ở mức hợp lý; nghĩa vụ trả nợ cơ bản được thực hiện đầy đủ, đúng hạn theo cam kết. Tốc độ thu NSNN hàng năm tăng khá (giai đoạn 2004-2013 bình quân đạt trên 18%/năm và đến năm 2013, thu NSNN đã tăng gần 5,4 lần so với năm 2003), thu NSNN nhìn chung không những bảo đảm được chi thường xuyên và chi trả nợ mà còn dành tích luỹ ngày càng cao cho đầu tư phát triển (năm 2003 dành được 29.700 tỷ đồng cho chi đầu tư phát triển, năm 2012 là 95.000 tỷ đồng).

Cơ cấu chi NSNN đã bảo đảm ưu tiên cho chi đầu tư phát triển với tốc độ tăng bình quân trên 13,5%/năm, chiếm trên 20% tổng mức chi đầu tư toàn xã hội, đạt khoảng gần 8% GDP; chi cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề đạt 20%, chi lĩnh vực khoa học công nghệ đạt 2%, chi lĩnh vực văn hoá đạt trên 1,5% và chi sự nghiệp môi trường đạt trên 1% tổng chi NSNN. Từ năm 2003-2013, NSNN đã dành 723 nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách cải cách tiền lương cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách, thực hiện chính sách công chức nhà nước đối với cán bộ xã, phường, thị trấn, nhờ đó tăng mức thu nhập thực tế của những người hưởng lương, phụ cấp và trợ cấp từ ngân sách. Thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo, nhất là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào ở các xã đặc biệt khó khăn miền núi vùng sâu, vùng xa,... NSNN bảo đảm chi quốc phòng, an ninh, đối ngoại và chi quản lý hành chính ở mức hợp lý; tăng dự phòng, dự trữ chủ động phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và xử lý các nhiệm vụ cấp bách phát sinh.

Ngoài ra, cân đối NSNN chuyển biến theo hướng tích cực; vay bù đắp bội chi NSNN cơ bản bảo đảm được nguyên tắc chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, không sử dụng cho tiêu dùng. Đến hết 31/12/2013, dư nợ công bằng 54,2% GDP, dư nợ chính phủ bằng 42,3% GDP và dư nợ quốc gia bằng 37,3% GDP. Nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ cơ bản được thực hiện đầy đủ, đúng hạn theo cam kết. Với mức dư nợ như trên, vay nợ của Việt Nam nằm trong giới hạn an toàn an ninh tài chính quốc gia (mức trần theo Chiến lược nợ: nợ công đến năm 2015 không quá 65% GDP, dư nợ của chính phủ không quá 55% GDP, dư nợ quốc gia không quá 50% GDP), không tác động xấu đến kinh tế vĩ mô cũng như phát triển KT-XH...

Đánh giá cao những kết quả đạt được của Luật NSNN, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, vai trò của NSNN đã được khẳng định, góp phần điều tiết vĩ mô, đặc biệt trong những năm gần đây, chi NSNN đã giảm so với những năm trước. Trước đây tốc độ tăng chi NS lên đến 20% nhưng những năm gần đây chỉ khoảng 8-10%. Đó là những điểm ghi nhận được từ Luật NSNN hiện hành.


Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Nâng cao vai trò của QH trong quản lý ngân sách

Theo ĐB Trần Hoàng Ngân, hoạt động thu chi NSNN luôn gắn chặt với tình hình kinh tế- chính trị của nhà nước và góp phần điều tiết và quản lý vĩ mô. Về quan điểm sửa đổi lần này, ĐB thống nhất với nhiều ý kiến của các ĐBQH và của Ủy ban Tài chính- Ngân sách (cơ quan thẩm tra dự án Luật), đó là phải gắn chặt với tinh thần của Hiến pháp, tức là các khoản thu chi NSNN phải được dự toán theo Luật định và NSNN phải được quản lý thống nhất. Đồng thời, vai trò của QH phải được nâng cao hơn nữa trong việc tham gia vào quá trình lập dự toán cũng như quyết toán NSNN .

Về các khoản phí, lệ phí theo Tờ trình Chính phủ, đây sẽ là khoản thu nộp toàn bộ về NSNN hay thu từ hoạt động xổ sô kiến thiết là nguồn thu của NSĐP hưởng 100%; Bội chi NSNN theo thông lệ quốc tế… là những vấn đề nhận được sự đồng tình cao của một số đại biểu, trong đó có ĐB Trần Hoàng Ngân.

Đồng tình với việc sửa luật nhưng theo ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cần phải làm rõ giữa ngân sách địa phương và ngân sách nhà nước, trong đó, các cơ quan ngành dọc cần phải đảm bảo cân đối thu chi để đảm bảo an toàn cho NSNN. “Với số ngân sách ít ỏi như hiện nay nếu cứ phân bổ tràn lan như hiện  nay sẽ không đủ”, ĐB Nguyễn Bá Thuyền nói.

Liên quan đến dự phòng ngân sách vị đại biểu này tán đồng với kiến nghị của Chính phủ là mức dự phòng ngân sách là 5%, còn đối với bội chi thì không nên quá 5%GDP. Bên cạnh đó ĐB Thuyền cũng cho rằng cần có những cơ chế quản lý các loại quỹ đang được hình thành nhiều hiện nay (quỹ bảo trì đường bộ, quỹ quốc phòng…). ĐB kiến nghị cần phải xem xét lại khái niệm quỹ và có sự quản lý chặt chẽ đối với việc thành lập các loại quỹ này.

Nhằm tăng cường tính minh bạch, ĐB Nguyễn Thị Thanh Hoa (Bắc Giang) kiến nghị, cần có quy định Quỹ tài chính ngoài ngân sách. Trong thực tế, có nhiều quỹ có nguồn gốc từ NSNN, có cơ chế thu, chi như NSNN nhưng công tác quản lý vẫn còn lòng lẻo, không kiểm soát được nên hiệu quả sử dụng không cao. Do đó, cần phải có quy định hàng năm Chính phủ phải lập báo cáo kết quả hoạt động của các loại quỹ này theo báo cáo tài chính hàng năm. Đối với chi chuyển nguồn, qua thực tế cho thấy số chi ngày càng tăng. Vì vậy, theo bà Hoa, cần phải khống chế tỷ lệ phần trăm chi chuyển nguồn nhằm tăng cường kỷ luật tài chính trong đầu tư. 

ĐB Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa) đồng tình với quy định của Dự luật là sửa đổi những bất cập trong Luật ngân sách nhà nước hiện nay, nhưng vấn đề là sử dụng NSNN, nguồn gốc từ NSNN như thế nào. “Qua tổng hợp thì cho thấy hiện nay ở nước ta có khoảng trên 50 loại quỹ có nguồn gốc từ NSNN. Việc quản lý, sử dụng quỹ này như thế nào? Đây là vấn đề mà nhân lần sửa Luật ngân sách lần này chúng ta có đặt ra không, để quản lý thế nào? Hiện nay có tình trạng là có rất nhiều cơ quan, đơn vị ngoài sử dụng NSNN còn lập ra quỹ và cách sử dụng khác dẫn đến hiện trạng trùng chi cho một nhiệm vụ”, ĐB Đặng Đình Luyến cho hay. Đại biểu đề nghị trong luật này phải có điều chỉnh để chúng ta quy định việc sử dụng các nguồn lực đó tránh trùng lặp, tránh thất thoát.

Vấn đề thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ QH trong lĩnh vực NSNN cũng được nhiều đại biểu cho ý kiến. Theo Ủy ban Tài chính- Ngân sách, vấn đề này không được quy định trong Hiến pháp. Vì vậy, Ủy ban có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất: Đề nghị không quy định thẩm quyền của UBTVQH trong việc quyết định NSNN. Việc quyết định NSNN thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.

Loại ý kiến thứ hai: Cơ bản nhất trí như Dự thảo Luật, đồng thời đề nghị cân nhắc, chỉnh sửa lại quy định tại khoản 4 Điều 19: UBTVQH cho ý kiến về các chế độ chi ngân sách quan trọng, phạm vi ảnh hưởng rộng, liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước do Chính phủ trình vì đây là những nội dung, chế độ chi có ảnh hưởng lớn, tác động trực tiếp đến cân đối NSNN phải do Quốc hội quyết định. Đồng thời, đề nghị bổ sung thẩm quyền của UBTVQH trong việc điều chỉnh dự toán nhưng không làm biến động lớn đến cân đối thu - chi NSNN, tình hình phát triển kinh tế - xã hội để bảo đảm tính linh hoạt trong tổ chức thực hiện.

Nhiều ý kiến tán đồng với phương án thứ nhất của Ủy ban Tài chính- Ngân sách. Theo đó, các đại biểu đề nghị việc quyết định NSNN thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.

Đổi mới phương thức quản lý NSNN phù hợp với thực tiễn

Bộ Tài chính thống nhất quan điểm sửa Luật NSNN, đó là:

- Bảo đảm tuân thủ Hiến pháp năm 2013, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thống nhất với các luật hiện hành hoặc định hướng sửa đổi, bổ sung các luật đó trong cùng thời kỳ.

- Kế thừa và phát huy những mặt tích cực của Luật NSNN hiện hành; đổi mới phương thức quản lý NSNN phù hợp với thực tiễn phát triển KT-XH của đất nước. Tăng cường phân cấp quản lý ngân sách, bảo đảm tính thống nhất của NSNN và vai trò chủ đạo của NSTW; đồng thời phát huy tính chủ động của ngân sách các cấp chính quyền địa phương trong quản lý và sử dụng NSNN.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao tính minh bạch, dân chủ và công khai trong công tác quản lý NSNN; kiểm soát chặt chẽ hoạt động thu, chi ngân sách; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong quản lý tài chính - NSNN bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng.

- Tăng cường giám sát việc huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay, trả nợ, quản lý nợ công, quản lý rủi ro; bảo đảm an toàn nợ và an ninh tài chính quốc gia; góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững.

- Tiếp thu những kinh nghiệm quốc tế về quản lý NSNN; vận dụng phù hợp với thực tiễn của Việt Nam; bảo đảm công tác quản lý NSNN từng bước phù hợp với thông lệ quốc tế.

NL

Theo MOF

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,694

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]