Ngày 2-4, Vụ Pháp chế - Bộ Y tế tổ chức
hội thảo cung cấp thông tin liên quan đến phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu
bia với sự tham gia của đại diện Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Tổ chức
phi chính phủ HealthBridge tại Việt Nam. Việc cấm hay không cấm bán rượu bia
sau 22 giờ được “xới” lại tại hội thảo này.
Cấm có lộ trình và thí điểm
Tại dự thảo mới nhất của Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia do Vụ Pháp chế chủ trì xây dựng, Ban Soạn thảo vẫn giữ đề xuất cấm bán rượu bia từ sau 22 giờ đến 6 giờ ngày hôm sau. Bảo vệ đề xuất này, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, dẫn chứng một số nước đã cấm bán rượu bia trong thời gian nhất định trong ngày và có hiệu quả, như Thổ Nhĩ Kỳ cấm bán rượu tại siêu thị, cửa hàng từ 22 giờ đến 6 giờ hôm sau; Thái Lan, Singapore chỉ cho phép bán rượu từ 17 giờ đến 22 giờ… “Việt Nam cũng đã có quy định không được bán rượu trong các quán karaoke, vũ trường sau 24 giờ nhằm bảo đảm an ninh trật tự. Do vậy, việc dự thảo tiếp tục giữ đề xuất cấm bán rượu bia sau 22 giờ là phù hợp và cần thiết” - ông Quang lập luận.
Người Việt vốn có thói quen tụ tập uống rượu bia vào ban đêm Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tuy nhiên, cũng theo ông Quang, việc thực hiện quy định này sẽ có lộ trình cụ thể và thí điểm trước tại một số tỉnh, thành. Cùng với đó sẽ có phương án tuyên truyền, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm để bảo đảm thực hiện hiệu quả.
Với các trường hợp không được uống rượu bia, dự thảo luật cũng đề xuất 2 nhóm đối tượng cụ thể: người điều khiển mô tô, xe máy không được có nồng độ cồn vượt quá 30 mg/100 ml máu hoặc 0,15 mg/lít khí thở khi tham gia giao thông; người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới không được có hàm lượng cồn trong máu khi tham gia giao thông.
2015: 7 lít/người/năm
Đồng tình đề xuất cấm bán rượu bia sau 22 giờ là cần thiết, PGS-TS Phạm Việt Cường, Trường ĐH Y tế Công cộng, cho hay ở Việt Nam, việc sử dụng rượu bia khá phổ biến, đặc biệt là nam giới. Ước tính 70% đàn ông Việt uống rượu bia, trong đó cứ 4 người thì có 1 người uống ở mức có hại, tương đương 6 cốc bia mỗi ngày. “Mỗi năm, Việt Nam có 9.000 người tử vong vì sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông” - ông Cường dẫn chứng thêm.
Bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế - Bộ Y tế, cho biết thêm với 3 tỉ lít bia tiêu thụ trong năm 2013, Việt Nam trở thành quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ ba châu Á, chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc. Cụ thể, mức tiêu thụ rượu bia (quy đổi ra rượu nguyên chất) của thế giới bình quân 6,2 lít/người/năm và không thay đổi trong 15 năm qua nhưng Việt Nam lại tăng nhanh qua các năm; từ 3,3 lít năm 2007 lên 3,54 lít năm 2008 và 4 lít vào năm 2010. Dự báo, đến năm 2025, Việt Nam sẽ vượt thế giới với mức tiêu thụ rượu bia lên đến 7 lít/người/năm. “Uống quá nhiều rượu bia không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng tai nạn giao thông, bạo lực gia đình. Do đó phải tạo ra “vùng cấm”, thay đổi dần thói quen uống rượu bia của người dân” - bà Hạnh bày tỏ.
Dù đồng tình với đề xuất trên nhưng nhiều chuyên gia cũng cho rằng để dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia để đi vào thực tế là rất khó khăn vì đây là vấn đề vô cùng nhạy cảm, ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Đó là chưa nói nếu không có quy định chặt chẽ về trách nhiệm, xử lý vi phạm… khó tránh khỏi tình trạng “đánh trống bỏ dùi”.
Quản chặt quảng cáo rượu bia Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia cũng đề xuất chỉ được phát thông tin quảng cáo rượu bia dưới 15 độ trên các kênh thông tin đại chúng từ sau 22 giờ đến 6 giờ ngày hôm sau. Bà Hoàng Anh, Giám đốc Tổ chức phi chính phủ HealthBridge tại Việt Nam, nhìn nhận đây là đề xuất cần thiết để quản lý chặt chẽ hơn quảng cáo rượu bia. “Một trong những nguyên nhân khiến người Việt ngày càng uống nhiều rượu bia là do chưa kiểm soát tốt quảng cáo mặt hàng này. Trong khi đó, tiếp xúc với nhiều quảng cáo cũng làm tăng số người uống rượu bia mới” - bà Hoàng Anh nhấn mạnh. |
Ngọc Dung