Với chuyến bay nội địa chậm hơn bốn giờ, hành khách sẽ được bồi thường tăng thêm 100 nghìn đồng so với hiện nay - Ảnh: Dương Linh
Vấn đề này đang được bàn thảo kỹ càng đảm bảo việc bồi thường “vừa tăng cường quản lý Nhà nước, vừa phục vụ lợi ích của khách hàng song cũng phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển” như chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng.
Tăng mức bồi thường chậm, hủy chuyến trên tất cả chuyến bay nội địa
Theo dự thảo Thông tư quy định về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không đang được xây dựng, trường hợp hành khách đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay nhưng chuyến bay bị chậm kéo dài (có giờ khởi hành thực tế tính từ thời điểm rút chèn tàu bay muộn hơn bốn giờ so với dự kiến) hành khách được tăng mức bồi thường 100 nghìn đồng so với hiện nay. Cụ thể, với chuyến bay nội địa có độ dài dưới 500 km, hành khách được đền bù 200 nghìn đồng; Từ 500 km đến dưới 1 nghìn km bồi thường 300 nghìn đồng và 400 nghìn đồng cho quãng đường từ 1 nghìn km trở lên.
Tuy nhiên, dự thảo Thông tư vẫn giữ nguyên mức bồi thường đối với chuyến bay quốc tế là 25 USD cho chuyến bay dưới 1 nghìn km, 50 USD cho quãng đường từ 1 nghìn - 2.500 km, 80 USD cho chuyến bay dài từ 2.500 đến dưới 5 nghìn km, 150 USD cho chuyến bay từ 5 nghìn km trở lên.
Liên quan đến quy định này, đại diện Hãng hàng không Vietjet đề nghị giữ nguyên mức bồi thường như Quyết định số 10 năm 2007 về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không. Lý do mà hãng này đưa ra là do: “Mặt bằng giá vé máy bay tại thời điểm năm 2007 không khác nhiều so với thời điểm hiện nay”.
Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ GTVT Trịnh Thị Hằng Nga, mức bồi thường trong trường hợp hủy chuyến hiện tại khá thấp so với mặt bằng giá hiện nay nên không thỏa mãn yêu cầu của hành khách. “Hơn nữa, việc tăng mức bồi thường là để nhằm mục đích giảm tỷ lệ chậm, hủy chuyến. Nếu giữ nguyên mức như hiện nay sẽ không hiệu quả”, bà Nga nói.
Tuy nhiên, hãng hàng không khai thác thực tế chuyến bay được miễn trừ nghĩa vụ bồi thường ứng trước không hoàn lại trong trường hợp hủy chuyến bay hoặc chuyến bay bị chậm kéo dài vì một trong các lý do như: Điều kiện thời tiết ảnh hưởng đến khai thác an toàn chuyến bay; nguy cơ an ninh ảnh hưởng đến khai thác an toàn chuyến bay; chuyến bay không thể thực hiện hoặc bị chậm kéo dài theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền…
Ngoài ra, các hãng hàng không cũng được miễn trừ nghĩa vụ bồi thường ứng trước không hoàn lại nếu đã thông báo cho hành khách về việc hủy chuyến, chậm chuyến bay kéo dài ít nhất 24 giờ trước giờ khởi hành dự kiến.
Băn khoăn bồi thường chậm, hủy chuyến do lỗi kỹ thuật
Đây cũng chính là vấn đề nhận được nhiều ý kiến trái ngược nhất khi góp ý về dự thảo Thông tư này. Bà Nga cho biết, Vụ Pháp chế Bộ GTVT, Cục Hàng không VN thống nhất loại trường hợp chậm, hủy chuyến vì lỗi kỹ thuật khỏi điều khoản miễn trừ bồi thường.
“Việc quy định đây không phải là điều khoản miễn trừ nghĩa vụ sẽ nâng cao trách nhiệm của hãng hàng không trong công tác kiểm tra, bảo dưỡng tàu bay để đảm bảo an toàn tính mạng hành khách”, bà Nga nói. Một số chuyên gia cũng cho rằng, đảm bảo kỹ thuật là nghĩa vụ của hãng hàng không, do đó không nên miễn trừ nghĩa vụ bồi thường trong trường hợp này. Về vấn đề này, đại diện Vietjet cho rằng, quy định như thế có thể gây áp lực cho đội ngũ kỹ thuật khi khắc phục sự cố cho chuyến bay. Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu cho rằng, hàng không là ngành hội nhập cao nên quy định như thế nào cũng phải tính đến việc hội nhập, theo thông lệ quốc tế. “Tôi đi nhiều nơi, bay nhiều hãng, chưa thấy ở đâu chậm, hủy chuyến vì lỗi kỹ thuật lại phải bồi thường cả”, Thứ trưởng Tiêu nói.
Ủng hộ quan điểm này, Bộ trưởng Đinh La Thăng lưu ý: “Thế nào là chậm hủy chuyến do lỗi kỹ thuật, phải định nghĩa chặt chẽ, tránh tình trạng cứ chậm là bảo lỗi kỹ thuật. Phải tính toán thế nào để vừa tăng cường quản lý Nhà nước, vừa phục vụ lợi ích của khách hàng, song cũng phải tạo điều kiện cho DN phát triển”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thanh Bình