Chính sách mới >> Tài chính 13/12/2011 08:12 AM

13/12/2011 08:12 AM

Tuân thủ chuẩn mực kế toán là yêu cầu bắt buộc với doanh nghiệp, đặc biệt là ngân hàng. Tuy nhiên không phải lúc nào những chuẩn mực này cũng được thực thi, hơn nữa đó là chuẩn mực chưa đầy đủ.

Lâu nay câu chuyện doanh nghiệp hạch toán giấu lỗ/lãi dường như khá quen thuộc. Tuy nhiên nếu doanh nghiệp đó là ngân hàng thì rất đáng lo ngại. Bởi các ngân hàng kinh doanh dựa trên uy tín, bất kỳ gian dối nào của ngân hàng cũng sẽ tiềm ẩn rủi ro, gây hậu quả nghiêm trọng khi sự thật phơi bày

Từ những lỗ hổng trong hạch toán

Nhiều ý kiến chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng các quy định kế toán có nhiều lỗ hổng để các ngân hàng “tận dụng”. Câu chuyện đưa nợ xấu từ ngân hàng mẹ xuống các công ty con và sử dụng một số biện pháp kỹ thuật nhằm che giấu nợ xấu không còn quá xa lạ.

Ví dụ, một ngân hàng X cho doanh nghiệp Y vay 10 tỷ đồng với kỳ hạn 1 năm. Tuy nhiên do kinh doanh khó khăn, đến thời hạn doanh nghiệp không có khả năng thanh toán nợ vay. Quá hạn 6 tháng dư nợ của doanh nghiệp được xếp vào nợ xấu. Để giảm tỷ lệ nợ xấu của công ty Y, ngân hàng thông qua công ty con cho công ty X vay 10 tỷ cùng với tiền lãi bằng hợp đồng vay dân sự.

Công ty Y thanh toán cho ngân hàng đầy đủ cả vốn và lãi vay, như vậy ngân hàng giảm được nợ xấu trên bảng cân đối kế toán. Khi thực hiện hợp nhất khoản vay giữa công ty Y với ngân hàng được chuyển thành khoản vay chưa đến hạn phải thu tại công ty con của ngân hàng. Hơn nữa, với bộ hồ sơ vay mới của doanh nghiệp, khoản vay còn có thể được xác định là Việc hạch toán hợp nhất đã giúp “che giấu” đi nợ xấu trong bảng cân đối của ngân hàng.

Không chỉ có vậy với cách làm tương tự những khoản chi phí không thể hạch toán cũng được các ngân hàng chuyển sang cho công ty con như phí thẩm định tài sản, phí quản lý tài sản đảm bảo… Đây là những loại phí ngân hàng thu của khách hàng vay vốn nhưng không có trong hợp đồng tín dụng, hoặc là % thêm được chi trả cho khách gửi tiền.

Theo T.S Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch UBGSTC Quốc gia, đánh giá hiện chỉ có khoảng 1/3 báo cáo tài chính của các ngân hàng là tương đối tin cậy, còn lại đều đáng nghi ngờ.

Ông Peter Charleton, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Ireland, chia sẻ thực tế tại Ireland khi xảy ra khủng hoảng nợ tại các ngân hàng: “ Chúng tôi đã đánh giá thấp quy mô của các khoản nợ xấu ẩn trong hệ thống NH. Dự kiến ban đầu, các khoản chiết khấu tài sản thế chấp của các NH sẽ vào khoảng 25 - 30% tổng các khoản nợ của NAMA (cơ quan nhận khoản vay tài sản/vay phát triển lớn), nhưng thực tế con số đó khoảng 60%”.

Trong giai đoạn 2008-2010, GDP Ireland giảm mạnh, tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 4% lên tới 14%, tổn thất trong hệ thống ngân hàng lên đến 70 tỷ euro, chiếm hơn 50% GDP.

“Chỉ có ngân hàng mới thực sự biết nợ xấu của họ mà thôi” – ông Charleton kết luận.

Đến khác biệt giữa VAS và FRS

Bên cạnh vấn đề nợ xấu thì xác định chất lượng tài sản của ngân hàng cũng là vấn đề đáng quan tâm, tuy nhiên với những thiếu sót của chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) khiến cho việc xác định trở nên thiếu hợp lý.

Ví dụ đối với giảm giá trị của tài sản, với chuẩn mực kế toán quốc tế số 36 (FRS 36) tài sản được điều chỉnh về giá trị có thể thu hồi được nếu tài sản có dấu hiệu giảm giá. Còn với chuẩn mực kế toàn Việt Nam (VAS 18) thì không chấp nhận ghi giảm giá trị tài sản dài hạn.

Bất động sản đầu tư, FRS cho phép doanh nghiệp chọn mô hình đánh giá lại tại giá trị hợp lý và sự thay đổi so với giá hợp lý được ghi nhận vào báo cáo KQKD hoặc mô hình chi phí giữ nguyên giá và trừ khấu hao và lỗ do việc giảm giá trị của tài sản. Chuẩn mực kế toán VAS 05 yêu cầu các doanh nghiệp chỉ áp dụng mô hình chi phí.

Với các công cụ tài chính, VAS không có chuẩn mực tương đương với FRS. Vì thế việc ghi nhận, đánh giá trình bày những khoản mục này trên báo cáo tài chính thiếu chính xác, không phân tách được lãi/lỗ của các khoản đầu tư.

Ví dụ với FRS tài sản tài chính được đánh giá theo 2 phương pháp là giá trị hợp lý và nguyên giá trừ giá trị hao mòn. Với định giá theo giá trị hợp lý thì tài sản được đánh giá theo giá trị thông qua lãi lỗ hoặc khả năng sẵn sàng để bán. Còn với phương pháp nguyên giá thì phụ thuộc vào tài sản giữ đến khi đáo hạn hay là tài sản vay và phải thu.

VAS bao gồm 26 chuẩn mực được ban hành từ 2001 dựa trên chuẩn mực kế toán quốc tế mà không có cập nhật. Trong khi FRS đã thay đổi, hiện có 37 chuẩn mực và 9 diễn giải có hiệu lực.

Chính những khác biệt này khiến cho việc đánh giá chất lượng tài sản của các ngân hàng trên chuẩn kế toán Việt Nam có sự sai lệch khá lớn so với thực tế.

Chuẩn mực kế toán không đầy đủ, thiếu cập nhật khiến cho không chỉ cơ quan quản lý, nhà đầu tư khó đánh giá chất lượng ngân hàng mà bản thân các ngân hàng cũng không đánh giá đúng chất lượng doanh nghiệp vay vốn với những bản báo cáo KQKD theo VAS.

Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã bước đầu được tiến hành thông qua việc hợp nhất 3 ngân hàng. Tuy nhiên cơ quan quản lý cần xem xét sớm ban hành chuẩn mực kế toán chặt chẽ, hợp lý hơn để quá trình tái cấu trúc ngân hàng thực sự chất lượng, hiệu quả.
 
Cao Sơn

Theo TTVN

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,830

Chính sách mới
Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]