Vì vô hình chung thông điệp hiện nay tạo tâm lý yên tâm cho các ngân hàng.
Thông điệp cần chính xác
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Anh giải thích, khi đưa ra thông điệp"không để ngân hàng nào đổ vỡ", ý NHNN muốn hướng đến người gửi tiền, tức người gửi tiền sẽ không bị ảnh hưởng chứ không phải áp dụng để trấn an các ngân hàng. Vì vậy, thông điệp chính xác là“không để cho người gửi tiền mất tiền”.
Còn ngân hàng nào mất vốn, ngân hàng nào không đảm bảo điều kiện thanh khoản, tạo ra rủi ro lan tỏa cho hệ thống, ví dụ như lên thị trường liên ngân hàng vay, sau đó không trả được nợ làm cho thị trường liên ngân hàng tồn tại nợ xấu, thì NHNN phải buộc ngân hàng đó chuyển quyền sở hữu và nhà nước bơm vốn vào. Như vậy, vừa đảm bảo cho người gửi tiền không mất tiền nhưng các ông chủ của ngân hàng đó phải mất sở hữu.
Nếu NHNN phát đi thông điệp“không để cho người gửi tiền mất tiền”thì người gửi tiền sẽ không đổ xô đi rút tiền nhưng các ông chủ thì phải cẩn trọng. Như hiện nay, các ông chủ ngân hàng thì không quá lo lắng, nhưng người dân lại tỏ ra lo ngại và đi rút tiền, dễ gây ảnh hưởng dây chuyền.
Vấn đề không phải là vốn nhiều hay ít mà nằm ở chỗ quản trị ngân hàng
Nói về những giải pháp để quản lý các ngân hàng sao cho không còn gây ra tình cảnh phải bơm vốn cứu thanh khoản hay tính chuyện hợp nhất, ông Anh cho rằng NHNN nên quan tâm nhiều đến các vấn đề về quản trị, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến rủi ro và thanh khoản. NHNN nên áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực quản trị rủi ro và thanh khoản để đảm bảo cho các hiện tượng trên không lặp lại nữa.
Quan điểm của NHNN cho đến thời điểm này vẫn là hỗ trợ thanh khoản và khoanh vùng, thấy rất rõ qua việc hợp nhất 3 ngân hàng lại với nhau. Việc hợp nhất lại là gom các công ty về một chỗ, khoanh các vấn đề lại và sau đó giải quyết nó một cách gọn gàng. Điều đó không đảm bảo là các vấn đề này không phát sinh trở lại.
Việt Nam cũng có những quy tắc liên quan đến vấn đề phân loại nợ xấu. Tuy vậy, việc phân loại nợ xấu theo chuẩn của Việt Nam luôn luôn thấp hơn với chuẩn quốc tế. Điều này có lý do là ngân hàng có quyền quyết định rất cao trong việc phân loại nợ theo nhóm.
Ví dụ, đối với một khoản nợ 10 tỉ đồng, được trả làm 2 đợt, và theo chuẩn quốc tế, nếu không trả nợ được lần đầu tiên thì lập tức được phân vào nhóm 5 (nợ không có khả năng thu hồi). Còn ở Việt Nam, khoản nợ đầu tiên không trả được sau 1 năm thành nợ quá hạn, tức là nhóm 5, còn phần còn lại có thể để nhóm 2 (nợ cần chú ý, bao gồm nợ quá hạn dưới 90 ngày và nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ), hoặc nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn, bao gồm nợ quá hạn từ 90 ngày đến 180 ngày và nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ quá hạn dưới 90 ngày).
Việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế liên quan đến quản trị rủi ro, minh bạch thông tin là nguyên tắc đầu tiên mà cải cách ngân hàng phải hướng tới. Dù sáp nhập, nhưng vẫn giữ hệ thống quản trị cũ, các quy tắc minh bạch thông tin cũ, các biện pháp kiểm soát cũ thì những chuyện như thế này sẽ có thể xảy ra lại.
Vấn đề của ngân hàng không phải là việc vốn nhiều hay ít, vấn đề nằm ở chỗ quản trị ngân hàng ra sao. Ở nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, vốn điều lệ của nhiều ngân hàng còn nhỏ hơn các ngân hàng thương mại của Việt Nam, nhưng họ vẫn hoạt động ổn định.
Giảm công cụ hành chính, tăng công cụ thị trường
Đi đôi với quản trị là các chính sách về ngân hàng đảm bảo cho việc hoạt động hiệu quả và giảm được rủi ro. Đã có những chính sách trước đây chưa ổn như cho các ngân hàng từ nông thôn lên thành thị, sau đó thì không kiểm soát được danh mục đầu tư của các ngân hàng này như bất động sản, chứng khoán; hay buộc tăng vốn một cách quá nhanh, con số quá cách biệt với ban đầu.
Năm 2000, vốn điều lệ toàn hệ thống ngân hàng 500 triệu đô la Mỹ, nhưng đến năm 2011, vốn điều lệ đã lên tới 12,5 tỉ đô la Mỹ. Rồi tăng trưởng tín dụng nóng trên 30% trong nhiều năm qua.
Thêm vào đó là các chính sách liên quan tới việc các ngân hàng tự đầu tư chéo vào nhau, ngân hàng mở tập đoàn, tập đoàn mở ngân hàng, thành một mạng nhện, nếu rút bất kỳ nút nào trong đó đều là bứt dây động rừng. Vì vậy, việc hệ thống ngân hàng đang đối diện với khó khăn ngày hôm nay chính là hệ quả của một chuỗi các sai lầm có nguồn gốc chính sách trong những năm qua.
Ông Anh cho rằng chính sách bất cập ngăn cản hệ thống giám sát của NHNN phát hiện ra những vấn đề này khi còn trong trứng nước. Việc áp dụng quá nhiều biện pháp hành chính cũng mở ra cửa cho các ngân hàng lách luật, tạo ra rủi ro pháp lý rất lớn tại các ngân hàng này.
Ông đề xuất muốn tái cơ cấu, một số điều rất nên làm là bản thân NHNN phải giảm bớt các công cụ hành chính mà phải thực hiện các công cụ mang tính thị trường. Các vấn đề liên quan đến lãi suất, dư nợ tín dụng, từ năm 2008 đến nay chỉ có biện pháp hành chính, không có biện pháp thị trường. Ngoài ra, bản thân NHNN phải đảm bảo môi trường minh bạch thông tin thì thật giả mới được phơi bày ra. Hiện tại, trong con mắt của người gửi tiền, một ngân hàng lành mạnh với không lành mạnh là như nhau. Và khi không biết ngân hàng nào rủi ro thì người dân sẽ chọn ngân hàng nào có lãi suất cao nhất để gửi.
Cũng nên tránh tình trạng lỗi của các ngân hàng như thế nào thì NHNN đều chấp nhận và cứu trợ để ngân hàng đó không bị đổ để tránh cho ngân hàng thương mại tâm lý "ỷ lại", có bệ đỡ nên không tuân thủ quy trình quản trị rủi ro và xây dựng ngân hàng của mình lành mạnh và phát triển.
Theo Thanh Thương
TBKTSG