Chính sách mới >> Tài chính 21/03/2012 08:19 AM

21/03/2012 08:19 AM

Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi bổ sung quy định cơ chế thoả thuận giá trước, nhằm chống chuyển giá, vừa được Bộ Tài chính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến phiên họp thứ 6, khai mạc đầu tuần.

Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi bổ sung quy định về cơ chế thoả thuận giá trước, nhằm chống chuyển giá, vừa được Bộ Tài chính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong phiên họp thứ 6, khai mạc đầu tuần này.

Theo bà Lê Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cần phải xây dựng một chương trong Luật này thì mới tăng được hiệu quả của việc chống chuyển giá.

Thưa bà, Cục Thuế TP.HCM rất tích cực trong việc đối phó với tình trạng chuyển giá. Kết quả đạt được thế nào?

Năm 2010, chúng tôi tiến hành thanh, kiểm tra đối với những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) có nghi vấn chuyển giá, truy thu thuế và phạt tổng cộng 360 tỷ đồng, cắt giảm lỗ 1.637 tỷ đồng; năm 2011 truy thu và phạt hơn 1.094 tỷ đồng, cắt giảm lỗ hơn 1.784 tỷ đồng, giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng 72 tỷ đồng.

Cùng với việc tăng cường công tác chống chuyển giá của cơ quan thuế, số DN FDI kê khai hoạt động sản xuất - kinh doanh có lãi tăng lên, số thuế thu nhập DN mà đối tượng này nộp vào ngân sách cũng tăng dần. Trong số hơn 50% DN FDI kê khai lỗ nhiều năm, nay bắt đầu kê khai có lãi, số DN kê khai lãi ít đã khai lãi tăng lên. Hầu hết DN được cơ quan thuế mời lên làm việc, người đại diện theo pháp luật của DN đều nhận lỗi và cam kết sẽ đưa DN FDI hoạt động sản xuất - kinh doanh có lãi.

Những lĩnh vực nào có hiện tượng chuyển giá nhiều nhất?

Chuyển giá không còn là hiện tượng cá biệt, mà xảy ra phổ biến trong các giao dịch kinh tế, xuất hiện ở hầu hết các thành phần kinh tế. Nói chung, lĩnh vực nào cũng có chuyển giá, từ kinh doanh nhà hàng, khách sạn, siêu thị đến sản xuất, gia công, chế biến…

Chỉ tính riêng khu vực FDI, DN sử dụng rất nhiều phương thức chuyển giá để tăng chi phí đầu vào, như thiết bị, nguyên liệu, bản quyền, quảng cáo, định mức tiêu hao… (nhóm DN sản xuất hàng hoá, dịch vụ để tiêu thụ tại Việt Nam); tăng chi phí đầu vào và hạ giá bán ở đầu ra, như giá bán hàng hoá dịch vụ, ký hợp đồng gia công… (nhóm DN xuất khẩu 100% hàng hoá, dịch vụ).

Bà có thể cho một số ví dụ điển hình về tình trạng chuyển giá?

Có hệ thống siêu thị 100% vốn nước ngoài hoạt động hơn chục năm tại Việt Nam, năm nào cũng kê khai lỗ, có năm kê khai lỗ hơn 1.000 tỷ đồng, nhưng lại liên tục mở siêu thị tại nhiều đô thị lớn trên cả nước. Nhận thấy bất thường, năm 2011, chúng tôi tổ chức thanh tra, nhưng cũng chỉ xuất toán được 800 tỷ đồng, số còn lại đành chịu, vì họ bị lỗ là do trả chi phí bản quyền thương hiệu cho công ty mẹ ở nước ngoài rất cao.

Theo quy định, chi phí bản quyền do 2 bên (công ty mẹ và công ty con) tự thoả thuận, trong khi cơ quan thuế không có căn cứ để xác định mức chi phí bản quyền thương hiệu bao nhiêu là phù hợp, nên dù biết là họ chuyển giá, nhưng chưa có phương án hữu hiệu để xử lý.

Ngoài ra, cũng như nhiều DN FDI khác, đặc biệt là các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, văn phòng cho thuê…, hệ thống siêu thị này trả chi phí cho đội ngũ nhân viên người nước ngoài làm dịch vụ kế toán, tài chính, tư vấn, quản lý tài sản… quá cao, nhưng cơ quan thuế cũng chưa có biện pháp hữu hiệu để chống cách thức chuyển giá này.

Việc thuê tổ chức quản lý kinh doanh của DN FDI hiện đã có hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính, thưa bà?

Căn cứ Thông tư liên tịch 13/1997/TTLT-BKH-BTC, chúng tôi tiến hành truy thu thuế tại 4 DN FDI, với số tiền lên đến 179 tỷ đồng, nhưng nhiều DN không chấp nhận, vì cho rằng, họ thực hiện theo Nghị định 108/2005/NĐ-CP, nên được quyền tự định đoạt chi phí đối với dịch vụ quản lý.

Theo tôi được biết, nhiều DN FDI đã có công văn hỏi Bộ Tư pháp về tính pháp lý của thông tư liên tịch kể trên, nếu Bộ Tư pháp khẳng định DN FDI được quyền thoả thuận về giá dịch vụ quản lý, thì toàn bộ công sức điều tra chống chuyển giá của ngành thuế mất hết, ngoài ra còn tạo ra kẽ hở cho DN gian lận thuế.

Bà có nghĩ rằng, khuôn khổ pháp lý về chống chuyển giá của Việt Nam còn rất thiếu?

Không chỉ ở Việt Nam, mà trên thế giới cũng vậy, chuyển giá là hoạt động rất phức tạp, khó khăn và mất nhiều thời gian, vì thế cần phải xây dựng Luật Chống chuyển giá. Trước mắt, phải xây dựng một chương với nhiều điều khoản về chống chuyển giá trong Luật Quản lý thuế sửa đổi.

Trong đó, phải đưa ra các quy định cụ thể, như không cho phép DN thực hiện gia công hàng may mặc, giày dép; sản xuất phần mềm… được kê khai lỗ, trừ lý do bất khả kháng; yêu cầu DN phải bổ sung thêm vốn khi đã bị lỗ hết vốn chủ sở hữu; không tính lãi suất lãi vay vào chi phí hợp lý khi xác định thuế thu nhập DN nếu công ty con phải vay công ty mẹ với lãi suất cao, trong khi công ty mẹ chưa cung cấp đủ vốn cho công ty con hoặc không chịu tăng vốn.

Ngoài ra, cũng phải quy định, khi cơ quan quản lý thuế thanh, kiểm tra mà phát hiện ra DN vi phạm, thì truy thu thuế 10 năm, thay vì chỉ có 5  năm như quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành.

Theo Mạnh Bôn

Bao dau tu

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,566

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]