Chính sách mới >> Tài chính 19/03/2012 08:34 AM

19/03/2012 08:34 AM

Đề án cơ cấu lại hệ thống TCTD có đề cập đến nước ngoài mua cổ phần NH yếu kém và tăng giới hạn sở hữu cổ phần. Liệu có thể hiểu tăng “giới hạn sở hữu cổ phần” tức là vượt room 30% không?

Tiến trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu đang tiếp tục và bắt đầu phát sinh một vấn đề mới: xử lý như thế nào vốn ngoại góp vào các ngân hàng này. Việc hợp nhất ba ngân hàng để tạo ra một ngân hàng SCB mới đã không vướng phải vốn ngoại, nhưng trong các tổ chức tín dụng nhóm 3 và 4 vừa được xếp hạng bởi Ngân hàng Nhà nước, có một số ngân hàng đã bán hết “room”, hoặc hai phần ba “room” cho nước ngoài nhiều năm trước đây.

Việc đầu tiên của tái cơ cấu là xác định giá trị còn lại của một ngân hàng, đặc biệt chú trọng đến nợ xấu. Về lý thuyết, những khoản nợ xấu được xử lý bằng cách bù đắp từ nguồn dự phòng rủi ro, từ bán lại nợ, từ giảm vốn điều lệ… Nếu giá trị thu hồi của nợ xấu chỉ bằng một tỷ lệ nhỏ so với khoản cho vay, và các nguồn dự phòng xử lý đã hết, đương nhiên vốn điều lệ giảm xuống sẽ ảnh hưởng đến các cổ đông, trong đó không loại trừ cổ đông nước ngoài. Vì thế nước ngoài lỗ trong đầu tư vào ngân hàng Việt Nam cũng không phải cá biệt.

Vào thời điểm 5-7 năm trước, giá bán cổ phần cho nước ngoài của nhiều ngân hàng thường từ vài chục ngàn đến hàng trăm ngàn đồng/cổ phiếu. Hiện tại sau nhiều đợt tăng vốn bằng cách chia thưởng từ thặng dư vốn hoặc phát hành thêm bằng mệnh giá, trả cổ tức tiền mặt… giá thành đầu tư trên mỗi cổ phiếu của nước ngoài giảm xuống. Tuy nhiên rất ít cổ đông nước ngoài có lời. Một số tổ chức nước ngoài đang lỗ khi thị giá cổ phiếu của những ngân hàng họ đầu tư đang ở dưới mệnh giá, thậm chí chỉ 7.000-8.000 đồng.

Có ý kiến rằng nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu là các cổ đông chiến lược, nắm giữ cổ phiếu lâu dài, nên khó nhìn nhận giá trị khoản đầu tư của họ trong thời điểm chứng khoán ở thị trường con gấu. Nhưng thực tế ở các ngân hàng đã chỉ ra các cổ đông ngoại không giúp đỡ nhiều cho ngân hàng Việt Nam trong quản trị điều hành, công nghệ, trong phát triển mạng lưới cũng như khách hàng. Một số ngân hàng nước ngoài mua cổ phần ngân hàng trong nước để thăm dò khách hàng, tìm hiểu khối doanh nghiệp nội mà họ chưa có kinh nghiệm, điều kiện khám phá. Với họ, đầu tư vào ngân hàng nội là để chuẩn bị cho việc thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam.

Thành viên hội đồng quản trị một ngân hàng lớn vừa bán cổ phần cho nước ngoài nói thẳng các đối tác ngoại đều bộc lộ mục đích đầu tư tài chính. Thế nên ngân hàng này đã chọn đối tác trả giá cao nhất.

Nhìn từ góc độ trên, giải quyết ra sao việc hai ngân hàng hợp nhất cùng có cổ đông nước ngoài, hoặc một có một không? Đã có trường hợp cổ đông trong nước đề nghị mua lại cổ phần của nước ngoài theo giá thị trường, nhưng nước ngoài lại không muốn chuyển nhượng theo giá thị trường, họ muốn bán với giá thành đầu tư. Cũng có tổ chức nước ngoài kiến nghị họ phải được ưu tiên mua cổ phần của ngân hàng mới trên cơ sở hợp nhất hai ngân hàng cũ. Như vậy từ cổ đông một ngân hàng nhỏ họ trở thành cổ đông một ngân hàng lớn hơn (mới). 

Ngoài ra liệu một tổ chức nước ngoài có thể đầu tư vào hai ngân hàng cùng lúc? Thực ra chuyện này cũng không đến nỗi quá phức tạp. Ví dụ, tập đoàn HSBC đã đầu tư vào Techcombank, nhưng họ cũng là cổ đông lớn của tập đoàn Bảo Việt. Các tập đoàn tài chính đa quốc gia như HSBC có nhiều chức năng kinh doanh, nhiều bộ phận và việc đầu tư của những bộ phận ấy có thể hoàn toàn độc lập với nhau.

Trong đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 vừa được Chính phủ phê duyệt, lần đầu tiên Việt Nam đề cập đến khả năng cho phép nước ngoài mua cổ phần của ngân hàng yếu kém và tăng giới hạn sở hữu cổ phần. Liệu có thể hiểu khái niệm tăng “giới hạn sở hữu cổ phần” tức là vượt room 30% không? 

Trong trường hợp được vượt room, có thể xem đây là hình thức khuyến mãi nước ngoài. Sức hấp dẫn của quy định này là tỷ lệ khuyến mãi. Nước ngoài được vượt room tối đa bao nhiêu? Có thể là 100% không, hay 65% hay 51% hay tối đa 49%?

Nhiều tổ chức quốc tế chuyên mua bán doanh nghiệp, nhất là các quỹ đầu tư ngoại đang tỏ ra quan tâm đến việc mua đứt hoặc mua tỷ lệ chi phối ngân hàng Việt Nam. Với việc được nắm quyền sở hữu chi phối, họ bỏ thêm tiền vào tăng năng lực tài chính, thay đổi quản trị bằng cách thuê các chuyên gia giỏi điều hành và 3-5 năm sau, khi ngân hàng yếu kém trở nên vững mạnh, họ bán lại kiếm lời. Chuyện ấy không có gì lạ. Căn bản là Việt Nam chấp nhận được phương thức đầu tư dạng đó đến đâu và sự linh hoạt trong chính sách của cơ quan quản lý đến đâu. 

Thực ra để vực dậy những ngân hàng yếu kém, có lẽ cơ quan quản lý nên hướng tới mục tiêu cuối cùng là tạo ra một hệ thống ngân hàng lành mạnh, đủ sức cạnh tranh trong khu vực. Còn để đi tới mục tiêu đó có rất nhiều đường. Đo chiều dài và độ khúc khuỷu của mỗi con đường e rằng không đơn giản. 

Thiết nghĩ nếu vốn nước ngoài có thể giúp cho việc ngân sách nhà nước (hiện đang bội chi) tránh phải bỏ ra một khoản tiền để xử lý nợ xấu ngân hàng, thì các hình thức khuyến mãi nước ngoài phải thực sự đủ mạnh về mặt cơ chế, chính sách.

Theo Lưu Hảo 
TBKTSG

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,945

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]