Chính sách mới >> Tài chính 18/06/2012 08:47 AM

18/06/2012 08:47 AM

Sự "ưu ái" của NHNN đối với những ngân hàng yếu kém tạo điều kiện cho nhà băng này luôn sẵn sàng cho cuộc chạy đua lãi suất mỗi khi có cơ hội.

Sau khi NHNN ban hành quyết định cho phép thỏa thuận lãi suất ở kỳ hạn trên 12 tháng, sau khoảng thời gian ngắn nghe ngóng các NHTM đã tái khởi động cuộc đua lãi suất kỳ hạn dài

Biểu lãi suất mới nhất mà Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) vừa cập nhật đã nâng mức huy động cao nhất lên tới 12%/năm, áp cho kỳ hạn 24 tháng. Riêng sản phẩm tiết kiệm lãi suất bậc thang, với các khoản tiền gửi lớn trên 1 tỷ đồng, từ 12,6% - 12,8%/năm.

Những ông lớn như ACB, EIB cũng không nằm ngoài cuộc đua khi lãi suất cao nhất được áp dụng là 12%/năm cho kỳ hạn 36 tháng.

Nổi trội nhất trên thị trường là Westernbank với lãi suất lên tới 14%/năm áp dụng riêng cho kỳ hạn 13 tháng trong chương trình “kỳ hạn duy nhất lãi suất cao nhất”.

Khó có ở đâu lãi suất huy động lại luôn có cuộc đua gay cấn như Việt Nam. Khi áp trần lãi suất thì các ngân hàng thi nhau lách trần, còn khi bỏ trần huy động thì ngay lập tức lãi suất được đẩy lên cao ngất ngưởng.

Đã có ý kiến nghi ngại rằng đây mới chỉ là khởi đầu cho giai đoạn chạy đua lãi suất mới bởi gốc rễ của vấn đề nằm ở một số ngân hàng yếu chưa được giải quyết triệt để. Những nhà băng này luôn “biết cách tận dụng cơ hội để huy động vốn” vì thanh khoản luôn ở tình trạng ăn đong, nợ xấu cao chót vót.

Nếu như ở các quốc gia khác việc huy động lãi suất cao dẫn đến hoạt động kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ và chủ nhà băng sẽ phải chịu hậu quả là phá sản, thì tại Việt Nam Ngân hàng nhà nước đã đứng ra đảm bảo không để ngân hàng nào phá sản. Vì thế những ngân hàng này tự tung tự tác huy động cao, buộc những ông lớn dù không muốn cũng phải "cắn răng" tăng huy động, có khi không cần thêm vốn nhưng phải đảm bảo giữ chân khách hàng đang có.

Như lời nhận xét của T.S Vũ Thành Tự Anh, dường như NHNN đang được “thưởng” vì làm sai bởi các ngân hàng này dù có bị tái cơ cấu thì cũng không lo mất vốn chủ sở hữu, thậm chí lãnh đạo của ngân hàng vẫn được tại vị.

Cũng theo ông thì chính vì không dám để các ngân hàng phá sản nên NHNN cũng chưa tự tin để bỏ hoàn toàn cơ chế quản lý trần lãi suất.

Bên cạnh lo ngại thì cũng có ý kiến lạc quan cho rằng cuộc đua lãi suất sẽ sớm kết thúc. Thứ nhất khởi động cuộc đua có thể là những ngân hàng yếu kém cũng đã được Ngân hàng Nhà nước đưa vào danh sách tái cơ cấu. Theo phát biểu của Thống đốc tại Quốc hội thì trong tháng 6 đề án tái cấu trúc sẽ được trình Chính phủ để thông qua. Nếu đề án được thông qua và khẩn trương triển khai thì chạy đua lãi suất huy động khó kéo dài.

Thứ hai, huy động cao dẫn tới cho vay lãi suất cao. Trong bối cảnh lạm phát đang hạ, dự báo chỉ còn khoảng xấp xỉ 6% so với cùng kỳ vào cuối quý III mà ngân hàng cho vay lãi suất cao thì khó có khách hàng. Nguy cơ thua lỗ ngay từ kinh doanh chính, thu nhập từ lãi.

“Huy động cao vào lúc này chẳng khác nào uống thuốc độc để sống”- một chuyên gia tài chính ngân hàng ví von.

Vì vậy chạy đua huy động mấy ngày gần đây bắt đầu nhanh nhưng có lẽ sẽ sớm kết thúc để trả lại cho thị trường lãi suất sự yên ả cần thiết.

Chí Nhân

Theo TTVN

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,418

Chính sách mới
Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]