Một trong những khó khăn nhất của doanh nghiệp (DN) hiện nay là thiếu vốn nhưng không thể tiếp cận được vốn vay ngân hàng (NH) do thiếu tài sản bảo đảm. Nhiều DN đã tìm đến quỹ bảo lãnh tín dụng DN nhưng chỉ “đến rồi về” bởi các quỹ đang yếu cả về quy mô lẫn tiềm lực.
Tưởng được giúp…
Tại nhiều cuộc họp bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN trên địa bàn TPHCM thời gian qua, vấn đề nóng bỏng nhất được bàn đến là vốn và khả năng tiếp cận vốn của DN. Trong mỗi cuộc họp, các DN, chuyên gia, hiệp hội đều nhắc đến quỹ bảo lãnh tín dụng DN như một giải pháp giúp tháo bớt nút thắt về vốn giữa DN và NH.
Tuy nhiên, một thực tế không vui là dù hàng chục quỹ bảo lãnh tín dụng DN được thành lập trên cả nước thời gian qua nhưng hiệu quả không đáng kể. Chẳng hạn, Quỹ Bảo lãnh tín dụng DN TPHCM được thành lập từ năm 2006 dưới sự quản lý của UBND TP, hoạt động phi lợi nhuận nhưng đến nay chỉ mới bảo lãnh vay vốn cho khoảng 100 dự án của 30 DN, với số tiền bảo lãnh xấp xỉ 200 tỉ đồng.
Tổng Thư ký Hiệp hội DN TP Nguyễn Phước Hưng cho biết thời gian qua, do tiếp cận vốn NH gặp khó, rất nhiều DN tìm đến quỹ bảo lãnh nhờ giúp họ có vốn sản xuất kinh doanh để tồn tại nhưng chỉ đến rồi về! Bởi quy định bảo lãnh của quỹ không khác NH khi yêu cầu DN phải có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, có tài sản bảo đảm, nếu không sẽ bị “loại ngay từ vòng đầu”.
Giám đốc một công ty chế biến thực phẩm cho biết công ty đang chất chồng khó khăn vì thiếu vốn lưu động phục vụ sản xuất. Gõ cửa nhiều NH đều bị từ chối vì tài sản bảo đảm đã “ném” hết vào các khoản vay đầu tư dài hạn. “Có người mách tôi đến gặp quỹ bảo lãnh tín dụng xin bảo lãnh vay vốn nhưng ở đó còn “trần ai” hơn do thủ tục phức tạp, thậm chí vẫn phải có tài sản bảo đảm, như NH. Nếu có tài sản bảo đảm tôi đã đến NH từ lâu…” - vị này nói.
Vừa bảo lãnh vừa sợ mất vốn!
Ông Trần Bửu Long, Phó Giám đốc Quỹ Bảo lãnh tín dụng DN TP, cho biết dù Nghị định 90/CP của Chính phủ về trợ giúp phát triển DN nhỏ ra đời từ năm 2001 nhưng phải đến năm 2006, quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DN nhỏ và vừa mới ra đời. Đến nay, hoạt động của các quỹ chưa thật sự hiệu quả. Chẳng hạn, mục tiêu hoạt động của quỹ là phi lợi nhuận với mức phí thấp nhưng các tổ chức tín dụng và DN lại đặt lợi nhuận lên hàng đầu nên rất khó kêu gọi sự góp vốn từ NH và DN.
Bằng chứng là tại TPHCM, theo quy định, mỗi NH thương mại trên địa bàn phải góp vốn vào quỹ từ 5 tỉ đồng trở lên. Nhưng thực tế, ngoài một NH quốc doanh góp 1 tỉ đồng, các NH còn lại chỉ vài trăm triệu đồng nhưng theo hình thức “làm từ thiện” nhiều hơn bởi góp vốn không có lãi.
“Tài chính không đủ mạnh, tiềm lực thiếu, quỹ bảo lãnh hoạt động mà luôn sợ mất vốn, làm sao hiệu quả? Như tại TPHCM, quy mô quỹ hoạt động chỉ 200 tỉ đồng nên thường xuyên lo sợ mất vốn, không dám bảo lãnh nếu DN không đủ điều kiện về tài sản thế chấp…” - ông Nguyễn Phước Hưng nói.
Nâng quy mô, tiềm lực cho quỹ Theo ông Nguyễn Phước Hưng, các NH thương mại cũng phải huy động vốn từ khách hàng, nay phải bỏ tiền vào quỹ bảo lãnh không được hưởng lãi nên tất nhiên họ không muốn. Vì vậy, Nhà nước nên có cơ chế cho phép các NH thương mại góp vốn vào quỹ bảo lãnh từ tiền dự phòng của các NH gửi tại NH Nhà nước để nâng quy mô, tiềm lực cho quỹ bảo lãnh tín dụng. |