Ngay sau khi lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng tăng nóng lên 14%/năm ở kỳ hạn 13 tháng, đầu tuần này tại NHTMCP Phương Tây (Western Bank) đã điều chỉnh giảm xuống còn 12,5%/năm. Hiện mặt bằng lãi suất kỳ hạn dài tại các NHTMCP phổ biến dao động 11-12,5%/năm. Nhưng sau một thời gian tạm lắng, thị trường tiền tệ đã bắt đầu âm ỉ tái diễn tình trạng lách trần lãi suất theo kiểu gửi dài lĩnh lãi ngắn.
Thủ thuật mới
Nhiều bạn đọc phản ánh những ngày qua một số NHTM mời chào khách hàng gửi tiền lãi suất cao. Theo đó, khách hàng gửi 1 tỷ đồng trở lên kỳ hạn 1-3 tháng sẽ được hưởng lãi suất 12,5%/năm. Khách hàng được nhận tiền mặt trước 3,5%/năm, 9%/năm còn lại sẽ nhận sau khi sổ đáo hạn.
Tuy nhiên, theo một lãnh đạo NHTM, hình thức lách lãi suất này thường chỉ áp dụng với khách hàng cũ, quen biết, không mời chào rộng rãi, bởi nếu NHNN phát hiện sẽ bị xử lý.
Vị lãnh đạo này cho biết hiện nay có một hình thức lách nhưng vẫn hợp luật là căn cứ việc NHNN vừa mở cơ chế cho lãi suất huy động thỏa thuận đối với kỳ hạn trên 12 tháng.Cụ thể, khách hàng đến gửi 1 tỷ đồng, NH sẽ làm sổ tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng lãi suất 14%/năm. Nhưng sau 3 tháng khách hàng có thể đến rút sổ tiết kiệm vẫn hưởng được mức lãi suất 14%/năm.
Để hợp thức hóa mức lãi suất này, thay vì khách hàng làm thủ tục rút tiền, NHTM sẽ làm hợp đồng cho vay 1 tỷ đồng cầm cố sổ tiết kiệm khách hàng đang gửi với lãi suất 14%/năm kỳ hạn 9 tháng. Khi đó, NH sẽ giữ sổ tiết kiệm của khách hàng, trả số tiền 1 tỷ đồng cộng lãi suất 14%/năm, sau 9 tháng NH sẽ làm thủ tục tất toán bù trừ sổ tiết kiệm.
Có thể thấy hình thức này dù NHNN biết cũng khó xử lý vì nguyên tắc khách hàng có thể vay cầm cố sổ tiết kiệm, đồng thời NHTM không bị khống chế tỷ lệ và thời hạn cho vay.
Đặc biệt, khi NHTM cho vay cầm cố lãi suất bằng lãi suất sổ tiết kiệm cũng không vi phạm, bởi NHNN chỉ áp trần lãi suất cho vay với khách hàng doanh nghiệp chứ không quy định NHTM không được cho vay bằng lãi suất tiết kiệm. Theo một phó tổng giám đốc NH cổ phần, để có thể huy động vốn theo hình thức này đòi hỏi NHTM phải tư vấn để khách hàng chấp nhận.
Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo này lãi suất tiền gửi ngắn hạn chỉ còn 9%/năm và thực tế đã có nhiều khách hàng tiền gửi lớn phân vân trong việc rút một phần tiền gửi để đầu tư sang vàng, bất động sản.
“Từ đầu năm đến nay lãi suất huy động đã giảm từ 14%/năm xuống 9%/năm, nhưng thực tế mức giảm đến 50%, do lãi suất huy động thực tế đầu năm 17-18%/năm. Lãi suất tiền gửi giảm nhanh, nếu các NH không có “chiêu” để giữ chân khách hàng, tiền gửi sẽ sụt giảm nhanh” - vị lãnh đạo này nói.
Áp lực đầu ra?
Có nhiều ý kiến lo ngại việc lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng tăng cao tại một số NHTM nhỏ và tình trạng tái diễn lách trần lãi suất, đã bộc lộ nhu cầu vốn trung dài hạn cũng như thanh khoản của các NHTM nhỏ vẫn đang có vấn đề.
Hơn nữa, việc chạy đua huy động trong khi nhiều NHTM đang dư thừa vốn, đã cảnh báo việc tiến tới dỡ bỏ trần lãi suất ở các kỳ hạn khó thực hiện. Bởi lẽ hiện nay nhiều NHTM nhỏ yếu kém nhưng NHNN vẫn chưa có giải pháp quản lý và giám sát một cách căn cơ.
Vì thế việc phá bỏ trần lãi suất ở các kỳ hạn dài sẽ khiến cuộc đua lãi suất ở các NHTM bùng phát lại. Đặc biệt tuần qua lãi suất liên NH đều tăng đối với các kỳ hạn ngắn từ 3 tháng trở xuống và kỳ hạn 12 tháng.
Trong đó, kỳ hạn qua đêm, 2 tháng, 3 tháng và 12 tháng, lãi suất giao dịch bình quân tăng từ 1% (kỳ hạn 3 tháng) đến 1,99% (kỳ hạn 2 tháng). Với các kỳ hạn từ 1 tuần đến 1 tháng, lãi suất giao dịch bình quân tăng mạnh từ 3,1% (kỳ hạn 1 tuần) đến 3,62% (kỳ hạn 2 tuần).
Giám đốc chi nhánh một NH quốc doanh cho biết tín dụng tăng trưởng chậm, hội sở chính thừa vốn nhưng nhiều chi nhánh vẫn chịu áp lực huy động vốn. Vì vậy, dù các NHTM đang thừa tiền nhưng do nguồn huy động của các NHTM chủ yếu là ngắn hạn nên không dễ tìm nguồn tiền kỳ hạn trên 12 tháng.
Hiện tại trần lãi suất đã được tháo gỡ ở kỳ hạn dài trên 12 tháng nên chắc chắn các NHTM sẽ tập trung huy động vốn kỳ hạn này. Nguồn vốn huy động kỳ hạn trung, dài hạn sẽ được các NHTM ưu tiên cho vay trung, dài hạn với lãi suất cao.
Vì hiện nay trần lãi suất cho vay chỉ áp dụng với cho vay vốn lưu động (ngắn hạn), riêng kỳ hạn dài trên 12 tháng NHTM vẫn áp dụng theo lãi suất thỏa thuận. Nhiều ý kiến NHTM cho rằng không nên quá sốt ruột về việc giảm lãi suất cho vay đầu ra do các hoạt động kinh tế luôn có lộ trình và chính sách có độ trễ.
Dự báo trong nửa cuối tháng 6 và sang tháng 7 dư nợ sẽ tăng lên, là thời điểm lãi suất bắt đầu chính thức hạ mạnh.
Nhưng theo một chuyên gia NH, trước mắt có thể lãi suất huy động nóng ở kỳ hạn dài chưa gây áp lực làm tăng trở lại với lãi suất cho vay của doanh nghiệp ở 4 lĩnh vực ưu tiên, nhưng về lâu dài, nếu cuộc đua lãi suất kỳ hạn dài vẫn tiếp tục diễn ra sẽ ảnh hưởng tới vốn cho vay của các NHTM. Và nếu điều này xảy ra, chắc chắn việc vay được vốn rẻ với doanh nghiệp sẽ càng khó hơn.