Chính sách mới >> Tài chính 15/11/2023 14:11 PM

Thuế lũy tiến là gì? Biểu thuế TNCN lũy tiến từng phần

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
15/11/2023 14:11 PM

Thuế lũy tiến được áp dụng khi tính thuế TNCN. Vậy thuế lũy tiến là gì và biểu thuế TNCN theo lũy tiến có mấy bậc?

Thuế lũy tiến là gì? Thuế TNCN theo lũy tiến có mấy bậc?

Thuế lũy tiến là gì? Thuế TNCN theo lũy tiến có mấy bậc? (Hình từ internet)

Thuế lũy tiến là gì?

Hiện hành, pháp luật không đưa ra định nghĩa về thuế lũy tiến. Để hiểu thuế lũy tiến là gì thì trước tiên cần làm rõ thuật ngữ “lũy tiến”.

Lũy tiến hiểu là sự tăng dần lên theo tỷ lệ nào đó, thường áp dụng trong lĩnh vực thuế chẳng hạn như thuế lũy tiến.

Có thể hiểu, thuế lũy tiến là phương pháp tính thuế TNCN mà trong đó mức thuế phải nộp được tăng dần đều theo từng bậc thuế.

Lũy tiến trong bậc thuế chính là mức thuế suất tăng dần từ thấp đến cao (thuế suất thuế TNCN tăng từ 5% đến 35%).

Theo mức thuế suất tăng dần này, người có phần thu nhập tính thuế ở mức nào sẽ nộp thuế tương ứng với thuế suất ở mức đó.

Khi thu nhập tính thuế cao sẽ nộp thuế theo một tỷ lệ phần trăm trên thu nhập chịu thuế (thuế suất) cao và ngược lại.

Biểu thuế thu nhập cá nhân lũy tiến từng phần có 7 bậc

Phương pháp tính thuế lũy tiến từng phần với thuế TNCN từ tiền lương, tiền công được cụ thể hóa theo Biểu tính thuế rút gọn như sau:

Bậc

Thu nhập tính thuế /tháng

Thuế suất

Tính số thuế phải nộp

Cách 1

Cách 2

1

Đến 5 triệu đồng (trđ)

5%

0 trđ + 5% TNTT

5% TNTT

2

Trên 5 trđ đến 10 trđ

10%

0,25 trđ + 10% TNTT trên 5 trđ

10% TNTT - 0,25 trđ

3

Trên 10 trđ đến 18 trđ

15%

0,75 trđ + 15% TNTT trên 10 trđ

15% TNTT - 0,75 trđ

4

Trên 18 trđ đến 32 trđ

20%

1,95 trđ + 20% TNTT trên 18 trđ

20% TNTT - 1,65 trđ

5

Trên 32 trđ đến 52 trđ

25%

4,75 trđ + 25% TNTT trên 32 trđ

25% TNTT - 3,25 trđ

6

Trên 52 trđ đến 80 trđ

30%

9,75 trđ + 30% TNTT trên 52 trđ

30 % TNTT - 5,85 trđ

7

Trên 80 trđ

35%

18,15 trđ + 35% TNTT trên 80 trđ

35% TNTT - 9,85 trđ

Như vậy, theo Thông tư 111/2013/TT-BTC thì biểu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công hiện hành có 7 bậc, thấp nhất là 5% và cao nhất đến 35%.

Mẫu cam kết thuế TNCN (Mẫu 08/CK-TNCN)

Ví dụ về cách tính thuế TNCN từ tiền lương, tiền công theo Thông tư 111/2013/TT-BTC

Tại Thông tư 111/2013/TT-BTC, có đưa ra ví dụ về tính thuế TNCN như sau: Bà C có thu nhập từ tiền lương, tiền công trong tháng là 40 triệu đồng và nộp các khoản bảo hiểm là: 7% bảo hiểm xã hội, 1,5% bảo hiểm y tế trên tiền lương. Bà C nuôi 2 con dưới 18 tuổi, trong tháng Bà C không đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học. Thuế thu nhập cá nhân tạm nộp trong tháng của Bà C được tính như sau:

- Thu nhập chịu thuế của Bà C là 40 triệu đồng.

- Bà C được giảm trừ các khoản sau:

+ Giảm trừ gia cảnh cho bản thân: 9 triệu đồng

+ Giảm trừ gia cảnh cho 02 người phụ thuộc (2 con):

3,6 triệu đồng × 2 = 7,2 triệu đồng

+ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế:

40 triệu đồng × (7% + 1,5%) = 3,4 triệu đồng

Tổng cộng các khoản được giảm trừ:

9 triệu đồng + 7,2 triệu đồng + 3,4 triệu đồng = 19,6 triệu đồng

- Thu nhập tính thuế của Bà C là:

40 triệu đồng - 19,6 triệu đồng = 20,4 triệu đồng

- Số thuế phải nộp:

Cách 1: Số thuế phải nộp tính theo từng bậc của Biểu thuế lũy tiến từng phần:

+ Bậc 1: thu nhập tính thuế đến 5 triệu đồng, thuế suất 5%:

5 triệu đồng × 5% = 0,25 triệu đồng

+ Bậc 2: thu nhập tính thuế trên 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng, thuế suất 10%:

(10 triệu đồng - 5 triệu đồng) × 10% = 0,5 triệu đồng

+ Bậc 3: thu nhập tính thuế trên 10 triệu đồng đến 18 triệu đồng, thuế suất 15%:

(18 triệu đồng - 10 triệu đồng) × 15% = 1,2 triệu đồng

+ Bậc 4: thu nhập tính thuế trên 18 triệu đồng đến 32 triệu đồng, thuế suất 20%:

(20,4 triệu đồng - 18 triệu đồng) × 20% = 0,48 triệu đồng

- Tổng số thuế Bà C phải tạm nộp trong tháng là:

0,25 triệu đồng + 0,5 triệu đồng + 1,2 triệu đồng + 0,48 triệu đồng = 2,43 triệu đồng

Cách 2: Số thuế phải nộp tính theo phương pháp rút gọn:

Thu nhập tính thuế trong tháng 20,4 triệu đồng là thu nhập tính thuế thuộc bậc 4. Số thuế thu nhập cá nhân phải nộp như sau:

20,4 triệu đồng × 20% - 1,65 triệu đồng = 2,43 triệu đồng

Lưu ý: Ví dụ trên có thể không đúng về mức giảm trừ gia cảnh ở thời điểm hiện tại, mục đích của ví dụ là để minh chứng cho cách tính thuế lũy tiến.

**Để có thể tạm tính số thuế TNCN phải nộp, quý khách hàng có thể sử dụng [TIỆN ÍCH] Tính thuế thu nhập cá nhân 2024 hoàn toàn miễn phí tại đây

Biểu thuế suất lũy tiến với thu nhập từ tiền lương, tiền công của một số nước

Hầu hết tất cả các quốc gia đều áp dụng biểu thuế suất lũy tiến thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công nhằm thể hiện rõ những cá nhân có mức thu nhập cao hơn thì bị đánh thuế cao hơn so với những cá nhân có mức thu nhập thấp hơn. Cơ cấu biểu thuế một số nước như sau:

Tại Myanmar, đối với cá nhân người nước ngoài cư trú hoặc không cư trú có thu nhập từ (i) tiền lương, tiền công tại Myanmar chịu mức thuế suất thuế TNCN lũy tiến từ 1% đến 25%; (ii) hoạt động chuyển nhượng chịu mức thuế suất thuế TNCN là 10%; (iii) hoạt động cho thuê chịu mức thuế suất thuế TNCN là 10%.

Tại Singapore, theo quy định hiện hành thuế TNCN được đánh theo mức thuế lũy tiến từ 0% đến 22% (không đánh thuế TNCN đối với hoạt động chuyển nhượng tài sản hoặc thừa kế).

Tại Philippin, theo quy định hiện hành mức thuế suất thuế TNCN từ 5% đến 32% áp dụng đối với công dân thường trú, người nước ngoài cư trú và người nước ngoài không cư trú.

Tại Malaysia, thuế TNCN áp dụng cho tất cả các cá nhân cư trú và không cư trú có thu nhập phát sinh tại Ma-lay-xi-a. Đối với cá nhân cư trú sẽ chịu mức thuế suất thuế TNCN theo biểu thuế lũy tiến từ 1% đến 28%.

Tại Mỹ, thuế suất lũy tiến thuế TNCN từ mức thấp nhất là 10% (thu nhập dưới 9.325 USD) đến mức cao nhất là 39,6% (thu nhập từ 418.400 USD trở lên).

Tại Hàn Quốc, thuế suất lũy tiến thuế TNCN từ 6% đến 40%. Riêng đối với người nước ngoài có thể chọn áp dụng mức thuế suất duy nhất là 19% đối với thu nhập phát sinh tại Hàn Quốc. (Nguồn Bộ Tài chính)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 233,120

Bài viết về

lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]