Đại tá Nguyễn Đức Thịnh, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Bộ Công an trong Hội nghị về phòng chống sai phạm, tham nhũng trong hoạt động tín dụng ngân hàng cho biết: Phổ biến hiện nay có ba thủ đoạn chính liên quan đến tội phạm lĩnh vực ngân hàng. Thứ nhất là cán bộ ngân hàng móc nối với đối tượng ngoài ngân hàng cố ý làm trái các quy định để hưởng chênh lệch. Thứ hai là lập các hồ sơ khống để rút tiền đầu tư chứng khoán, nhà đất. Thứ ba là lợi dụng quyền hạn của mình để lừa đảo, làm sai các quy định của Nhà nước.
Khi cán bộ ngân hàng móc ngoặc với kẻ lừa đảo
Điển hình trong số những vụ lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng vừa được Công an Hà Nội kết luận là vụ án Lê Bá Quỳ (Gia Lâm, Hà Nội) cùng đồng phạm có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Theo tài liệu của cơ quan điều tra thì trong các năm 2009, 2010, Lê Bá Quỳ đã thông đồng với Phùng Văn Thúy, nhân viên hợp đồng của phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lâm, để Thúy lấy trộm của cơ quan hơn 30 “phôi” giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau đó, Quỳ đi đặt làm 21 sổ đỏ giả mang tên Quỳ và vợ Quỳ là Nguyễn Thị Lệ Thủy. Thời gian này, Quỳ thành lập 4 công ty, lập các hợp đồng kinh tế khống ký kết mua bán hàng hóa, nguyên vật liệu giữa các công ty đó, sau đó dùng sổ đỏ giả vay tiền của 6 ngân hàng với tổng số tiền hơn 70 tỷ đồng.
Trong vụ án này, CQĐT CATP Hà Nội cũng đã khởi tố bị can đối với 5 cán bộ ngân hàng về hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Theo đó, các cán bộ này được giao nhiệm vụ thẩm định hồ sơ, kiểm tra, thẩm định giá tài sản thế chấp nhưng không kiểm tra thực tế. Cụ thể là tự ý nâng Công ty Quỳ Leather lên doanh nghiệp loại A để được ưu đãi khi vay vốn, trong khi công ty này mới thành lập được 1 tháng. Tương tự, một công ty khác do Quỳ lập ra là Thuỷ’s Ceramics thực chất đã không còn hoạt động nhưng Quỳ vẫn dùng 3 sổ đỏ giả, vay được hơn 15 tỷ đồng. Không chỉ vậy, cán bộ tín dụng còn không trực tiếp đi đăng ký giao dịch đảm bảo tài sản thế chấp mà để Quỳ tự đi làm…
Tại vụ án lừa đảo chiếm đoạt gần 200 tỷ đồng tiền vốn vay xảy ra ở Ngân hàng Agribank chi nhánh Tân Bình và chi nhánh 3, Công an TP.HCM cũng đã khởi tố, bắt giam một loạt cán bộ Agribank về hành vi vi phạm quy định về cho vay… và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài một số cán bộ tín dụng, cơ quan điều tra còn làm rõ hành vi tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo của ông Nguyễn Tám, Giám đốc Agribank Tân Bình.
Mặc dù biết các công ty do Trần Huỳnh Nghĩa và Nguyễn Thị Phương Hoa làm Chủ tịch HĐQT, Giám đốc không có năng lực tài chính, tài sản đảm bảo, không đủ điều kiện cho vay, nhưng ông Nguyễn Tám vẫn yêu cầu con rể là Phó phòng Tín dụng tiếp nhận hồ sơ, lập báo cáo trình ký. Được sự giúp đỡ của ông Tám, Nghĩa và Hoa đã rút hơn 120 tỷ đồng của ngân hàng này sau khi làm thủ tục cầm cố các hợp đồng góp vốn bất động sản và cổ phiếu giả.
Liên tục những vụ án liên quan đến lĩnh vực ngân hàng cho thấy các ngân hàng thương mại luôn là đối tượng mà các đối tượng tội phạm kinh tế nhắm tới. Chúng đã dùng tiền tìm mọi cách lôi kéo, nhất là cán bộ tín dụng, thẩm định cho vay. Nhiều cán bộ tha hóa, biến chất đã dễ dàng bị những khoản lợi nhuận làm mờ mắt, làm nạn tham nhũng trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng ngày càng gia tăng.
Và những dự án “ma” lũng đoạn nền kinh tế
Không ít vụ tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực tài chính, tín dụng thời gian gần đây đã cho thấy bóng dáng của sự cấu kết giữa cán bộ ngân hàng với các công ty “sân sau” do chính người nhà họ lập ra hay đứng tên. Có sự cấu kết ấy, nhiều doanh nghiệp có thể ung dung đăng ký, khai vốn lên đến hàng trăm tỷ đồng nhưng thực tế không có một đồng vốn nào.
Vụ án xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II - ALCII (thuộc Agribank) đã minh chứng điều này. Chỉ riêng Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Quang Vinh (công ty Quang Vinh), được xem là “sân sau” của ALCII đã có thể biến hóa thành cả chục doanh nghiệp, chuyển vốn “từ tay phải qua tay trái” để rút tiền của Nhà nước. Cụ thể là ông Vũ Quốc Hảo - nguyên Tổng giám đốc ALCII đã ký 7 hợp đồng mua bán tài sản do công ty Quang Vinh (do ông Đặng Văn Hai làm Chủ tịch hội đồng thành viên) cung ứng. Nhưng kết quả xác minh cho thấy đây thực chất là các hợp đồng khống để rút tiền Nhà nước, sau đó lại cho chính các công ty “sân sau” của ông Đặng Văn Hai thuê lại. Thực tế, công ty Quang Vinh không có tài sản bán cho công ty ALCII. Trong vụ việc này, ông Hảo đã được chia chác tới… 75 tỷ đồng để đầu tư bất động sản.
Đã có không ít vụ vỡ nợ tín dụng đen thời gian gần đây cho thấy có “bóng” của các cán bộ ngân hàng đứng đằng sau. Giữa “tín dụng đen” và hệ thống cho vay ngân hàng tưởng chừng như chẳng liên quan gì đến nhau nhưng thực tế từ các vụ vỡ nợ “tín dụng đen” vừa qua cho thấy rất nhiều trường hợp nguồn tiền được đi ra từ ngân hàng.
Không ít người dân cầm cố tài sản, thậm chí cả doanh nghiệp lập hồ sơ khống, dự án “ma” nhằm vay vốn ngân hàng rồi lấy tiền vay được cho vay lại ngoài xã hội để hưởng chênh lệch lãi suất. Và thông thường những phi vụ này đều được đối tượng “mua chuộc” cán bộ ngân hàng, chủ yếu là cán bộ trực tiếp làm công tác tín dụng, cán bộ thẩm định hồ sơ, tài sản thế chấp hoặc lãnh đạo của các chi nhánh ngân hàng.
Mức chi hoa hồng mà các cán bộ ngân hàng được hưởng lên tới 3-5% tổng giá trị hợp đồng vay vốn. Thực tế, theo nguồn tin từ tín dụng đen, đã có cán bộ ngân hàng “thò tay” ra cả thị trường tín dụng đen bằng cách “bơm” tiền cho các chủ nợ, còn cán bộ ngân hàng đứng đằng sau, lãi suất thì… ăn chia.
Và đương nhiên, khi vỡ nợ “tín dụng đen” xảy ra thì hậu quả lớn nhất sẽ thuộc về các nguồn cho vay lớn nhất, trong đó có không ít ngân hàng. Vì “tín dụng đen” hoạt động không có kiểm soát nên rất khó để thống kê cũng như ước tính số liệu. Đó cũng chính là lý do mà các chuyên gia kinh tế đánh giá con số 3,5% nợ xấu của các ngân hàng tuy lớn nhưng chưa phản ánh đúng thực tế, con số thực tế còn lớn hơn gấp nhiều lần.
Cần mạnh tay
Ông Phạm Anh Tuấn - Phó chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cho rằng, hiện nay phổ biến tình trạng các ngân hàng thương mại, công ty quản lý quỹ, các tổ chức kinh tế lợi dụng việc thành lập các công ty “sân sau”, từ đó sử dụng các đòn bẩy tài chính, chuyển tiền, ủy thác đầu tư cho các doanh nghiệp, cá nhân nhằm tăng quy mô giả tạo, tiếp tay cho hoạt động đầu cơ bất động sản, chứng khoán, tín dụng đen, làm lũng đoạn thị trường trong suốt thời gian dài. Các công ty “sân sau” lập các hợp đồng tiền gửi giả mạo, dấu giả, chữ ký giả, lệnh chi khống để chiếm đoạt tiền của ngân hàng…
Những hành vi vi phạm này rất nghiêm trọng, đã phần nào đẩy lãi suất huy động lên cao, gây khó khăn cho Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý trong điều hành kinh tế vĩ mô. Vì vậy ông Tuấn đề xuất với các ngân hàng, không để tình trạng bố mẹ, vợ chồng, con của người đứng đầu ngân hàng giữ chức vụ, cương vị chủ chốt ở cùng tổ chức, đơn vị ngân hàng; sơ kết, tổng kết việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ để phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sai phạm, tham nhũng trong hoạt động tín dụng, ngân hàng gia tăng là do hệ thống ngân hàng thời gian qua phát triển “nóng” về lượng nhưng còn kém về chất, quản lý và quản trị rủi ro chưa tốt. Vì sợ giảm uy tín trong hoạt động kinh doanh tiền tệ, sợ liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu nên một số tổ chức đã e ngại tố giác vi phạm... cũng như công khai thông tin. Nhiều vi phạm trong nội bộ bị bưng bít hoặc xử lý nội bộ, không chuyển đến cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng đã được thành lập từ năm 2009 nhưng việc củng cố cơ quan này chưa đáp ứng yêu cầu, chưa phát huy hiệu quả. Ngay cả hoạt động thanh tra tại chỗ cũng không được kịp thời, không thường xuyên, không đúng trọng tâm trọng điểm và về cơ bản là không đúng biện pháp. Trong khi đó, theo Thông tư 02/2001 của NHNN, khi khởi tố vụ án thì cơ quan điều tra mới vào lấy tài liệu, vì vậy hạn chế hiệu quả ngăn ngừa, giảm thất thoát tài sản…
Với thực tế những sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng trong thời gian vừa qua cho thấy rất cần thiết việc hợp tác với các cơ quan điều tra để phòng ngừa, phát hiện sớm các hành vi tham nhũng, tránh thất thoát. Dư luận đòi hỏi phải mạnh tay xử lý không chỉ cán bộ vi phạm mà cần phải xem xét trách nhiệm người đứng đầu của các ngân hàng nếu để xảy ra vi phạm.
Theo Hà Loan
An ninh thủ đô