Một số quốc gia thành viên ASEAN có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Bắc Kinh hy vọng rằng COC là một phương tiện giúp tháo gỡ các căng thẳng và xung đột hiện nay trong khu vực.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vị Dân. Ảnh: Presstv |
Chính vì vậy, Thủ tướng Campuchia - nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên ASEAN - Hun Sen cho rằng việc thực thi Tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông DOC phải bao gồm các cơ chế giải quyết xung đột. Trên tinh thần đó, ông muốn nhìn thấy một kết luận cuối cùng về Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (COC) - hiện đã xong những điểm soạn thảo then chốt.
“Chúng ta nên nhấn mạnh vào việc thực thi DOC, bao gồm cả kết luận cuối cùng về COC ở Biển Đông”, ông Hun Sen nhấn mạnh.
Theo ông, việc thực thi DOC là một trong những “ưu tiên hàng đầu”của ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề liên quan hợp tác an ninh - chính trị và các mối quan hệ bên ngoài khu vực.
Tuy nhiên, ngày 9/7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại quả quyết rằng văn kiện này - sau khi được hoàn tất - sẽ không được sử dụng để giải quyết các tranh chấp về chủ quyền giữa các bên.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vị Dân nói: “Khi nào các điều kiện chín muồi, Trung Quốc muốn thảo luận với các quốc gia ASEAN về việc hình thành COC”. “Tôi muốn nhấn mạnh rằng COC không phải nhằm giải quyết các tranh cãi, mà là để xây dựng niềm tin với nhau và thắt chặt hợp tác”, ông này khẳng định.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Phnom Penh cũng đưa ra một tuyên bố nhấn mạnh rằng họ cam kết thực thi DOC, và nói thêm họ đã tham gia vào “thảo luận không chính thức” về việc “cùng xây dựng bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông”.
Liên quan tới việc thảo luận các điểm then chốt trong soạn thảo COC, ông Kao Kim Hourn, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Campuchia, cho biết, ASEAN hiện đã sẵn sàng đối thoại với Trung Quốc về văn kiện được chờ đợi từ lâu đối với “không chỉ riêng ASEAN”.
Quốc vụ khanh cũng nói thêm rằng các quan chức cấp cao, bao gồm của cả Trung Quốc có thể sẽ tham gia vào việc soạn thảo văn bản cuối cùng của COC. Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan cho rằng, rõ ràng “mối quan tâm ngày càng tăng lên” kể từ sau Diễn đàn An ninh Khu vực diễn ra tại Hà Nội năm 2010.
Năm 2002, các thành viên ASEAN và Trung Quốc đã thống nhất về DOC, nhưng bản tuyên bố này chưa từng được thực thi một cách đầy đủ. Các quan ngại về bản COC trở nên dồn dập hơn trong năm nay sau hàng loạt các động thái căng thẳng tại vùng biển tranh chấp giữa một số quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc.
Trung Quốc và các thành viên ASEAN là Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia đều có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông - nơi được cho là có trữ lượng lớn về tài nguyên thiên nhiên.
Thu Lượng (từ Phnom Penh)