"Quan điểm trước sau như một của phía Trung Quốc đối với những tranh chấp tại Biển Đông là vấn đề này cần phải được các bên liên quan giải quyết thông qua đàm phán", bà Ma Keqin phát biểu ngày hôm qua trong cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà Theresa Lasaro.
Cũng theo nữ Đại sứ, giải quyết tranh chấp chủ quyền thông qua đàm phán cũng là tinh thần chung của thỏa thuận Tuyên bố về Ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) đã được các bên liên quan ký kết.
Hiện cả Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN đều muốn giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo thông qua cơ chế đàm phán, song về phương thức lại có sự khác nhau. Trong khi ASEAN yêu cầu đàm phán đa phương để đảm bảo lợi ích cân bằng và minh bạch cho các bên, thì Trung Quốc chỉ muốn tiến hành các cuộc đàm phán song phương hòng dễ bề lấy thế lớn hơn để gây áp lực với các nước khác.
Bà Ma Keqin đưa ra tuyên bố trên sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Lasaro tới Đại sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Manila để trao công hàm thông báo về quyết định của Philippines đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh hải tại Biển Đông ra tòa án Liên hợp quốc (LHQ).
Trước đó, trong cuộc họp báo cùng ngày, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cũng đã chính thức thông báo rằng chính phủ nước này đã đưa các tranh chấp tại Biển Đông ra Tòa án Trọng tài theo Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS). Ngoại trưởng Rosario nhấn mạnh hành động pháp lý nêu trên nhằm phản đối "đường chín đoạn" của Trung Quốc.
“Việc triển khai chính sách của Tổng thống Philippines Aquino về một giải pháp hòa bình dựa trên cơ sở pháp lý đối với các tranh chấp trên Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS", ông nói.
Động thái đưa các tranh chấp biển đảo tại Biển Đông ra Tòa án LHQ là
nỗ lực mới nhất của Manila nhằm tỏ rõ lập trường cứng rắn đối với Trung
Quốc về các tranh chấp lãnh thổ.
Thông qua việc ban hành đường 9
đoạn, Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, chồng
lấn lên cả các vùng biển của 4 nước ASEAN gồm Philippines, Brunei,
Malaysia và Việt Nam.
Đức Vũ
Theo Dân Trí