Theo nội dung vụ án, trong thời gian làm việc tại TP.HCM, chị Tr và anh Th chung sống với nhau như vợ chồng. Đến năm 2005, họ có một cậu con trai đặt tên là S nhưng vẫn không đăng ký kết hôn.
Một tháng sau sinh, anh Th yêu cầu chị Tr giao con cho gia đình bên nội nuôi dưỡng và được họ tạo điều kiện để lui tới thăm nom. Tình cảm giữa chị Tr và anh Th được cho là không còn tốt đẹp khi chị không được gia đình anh công nhận là con dâu.
Đến năm 2007, anh Th sang Thụy Sĩ định cư nên đã viết giấy thỏa thuận giao cháu S cho vợ chồng chị H (chị gái và anh rể) "làm con vĩnh viễn". Một thời gian sau, cho rằng chị Tr không liên lạc và lui tới thăm con nên gia đình chị H đã đổi họ và làm giấy khai sinh cho cháu bé thành con ruột của mình.
Đến năm 2012, chị Tr phát hiện sự việc đã làm đơn khởi kiện vợ chồng chị H, yêu cầu tòa xác định mình là mẹ ruột của cháu S và mong muốn giành lại quyền nuôi con. Lý giải về việc chị H cho rằng đã bỏ bê con trẻ, là nguyên nhân khiến bà thay tên đổi họ cho cháu S, người mẹ này cho biết, ban đầu họ cũng tạo điều kiện cho chị gặp con, nhưng sau liên tục gây khó khăn không cho chị lui tới.
Tháng 8/2013, TAND tỉnh Bạc Liêu xử sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc gia đình chị H phải giao cháu Sỹ cho chị Tr trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng. Không đồng ý với bản án này, bị đơn kháng cáo.
Đến ngày 7/4, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã bác kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Theo tòa, các bên đều thừa nhận cháu S là con của chị Tr và anh Th. Do anh Th đi định cư tại Thụy Sỹ nên đã giao lại con cho chị gái chăm sóc và "làm con vĩnh viễn".
"Tuy nhiên, thỏa thuận này là không hợp pháp vì không có sự đồng ý của chị Trinh, mẹ của cháu bé. Đồng thời vợ chồng chị H cũng không làm các thủ tục xin con nuôi theo quy định nên việc tự ý thay đổi họ và làm khai sinh cho cháu Sỹ là không đúng", bản án nêu.
HĐXX cũng cho rằng, hiện anh Th đã định cư ở nước ngoài, không trực tiếp nuôi dưỡng con trong nhiều năm, trong khi chị Trinh có đủ điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng cháu bé nên việc tòa sơ thẩm tuyên buộc chị H giao con cho mẹ là hợp tình, hợp lý.
Bà H tại phiên xét xử phúc thẩm
Người mẹ đã bỏ bê đứa con thơ?
Tuy nhiên ý kiến từ phía gia đình chị H cho rằng, chị Tr đã bỏ bê đứa con từ lúc mới sinh ra nên bà đã phải cưu mang đứa bé từ nhỏ.
Khi ấy, thấy tình cảnh của cháu bé rất tội nghiệp, sức khỏe èo ọt, thân hình ốm yếu, xanh xao mà lại không được cho bú sữa mẹ, thiếu tình thương và sự chăm sóc của cha và mẹ, nên vợ chồng chị H đã phải gồng gánh sớm hôm chăm sóc và nuôi dưỡng cháu S từng ngày.
Cho đến khi đứa bé được khoảng 1 tuổi mấy tháng thì cha của cháu có mang con đến nhà chị Tr để cháu được gặp mẹ nhằm khơi dậy tình cảm mẹ con, nhưng chị Tr cố tình không gặp mặt mà đã kêu em trai của mình xách dao ra đuổi 2 cha con anh Th bỏ chạy về nhà.
Sau lần đó thì chị Tr đã bỏ nhà thường xuyên đi làm ăn xa nên cũng không có thời gian quan tâm hay nhớ đến đứa con do mình đẻ ra mà cử bỏ mặc cho gia đình của cha đứa bé phải gồng gánh nuôi dưỡng cháu.
Đến khi cháu đến tuổi đi học vào lớp lá (lúc này cha cháu S đã đi Thụy Sỹ) mà người mẹ của cháu cũng không hề liên lạc hay nhắn gửi thông tin về mình cho gia đình chị H.
Chính vì lý do 1 phần vì không có thông tin cha mẹ cháu để làm khai sinh cho bé nhập học, một phần cũng nhằm giúp cháu mình tránh đi sự mặc cảm và tổn thương về tinh thần về sau khi bạn bè thắc mắc "Tại sao mày không có cha mẹ? Cha mẹ mày đâu?", nên vợ chồng chị H mới bạn bạc với nhau và cùng lên xã trình bày hoàn cảnh của cháu bé và được UBND xã giúp đỡ tạo điều kiện cho cháu có được khai sinh với đủ cha và mẹ là vợ chồng chị H.
Tuy nhiên phần họ cha của cháu S là họ Nguyễn trong khi họ của chồng chị H là họ khác. Điều này cho thấy mục đích của cha mẹ nuôi cháu S là nhằm đối phó với hoàn cảnh thương tâm của cháu mình và tránh đi sự tổn thương, sự dèm pha, chọc phá của các bạn bè về sau chứ không nhằm mục đích chiếm đoạt cháu bé.
Nhận định của Luật sư
Luật sư Nguyễn Thạch Thảo |
Luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM), CTV THƯ VIỆN PHÁP LUẬT nhận định: xét về một góc độ nào đó thì tranh chấp giữa các đương sự trong vụ án này đều là tranh chấp xuất phát từ tình cảm thiêng liêng của một người mẹ, đó là tình mẫu tử, bởi đối tượng tranh chấp trong vụ án án là 1 cháu bé chưa thành niên. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra trong vụ án này là những điểm sau:
1 - Về mặt pháp lí trong vụ án
Việc tòa án giao cháu bé cho mẹ ruột được quyền nuôi dưỡng là đúng qui định của pháp luật.
2 - Xét về góc độ tình cảm
Nếu như vào thời điểm đó không có sự cưu mang cứu giúp, sự thương yêu chân thành hay sự hy sinh thầm lặng của vợ chồng chị H thì ngày nay, người mẹ ruột ấy sẽ tìm con mình ở đâu? Đứa bé có được yêu thương chăm sóc, bao bọc trong vòng tay thân ái và được nuôi nấng, học hành như ngày hôm nay?
Do vậy, với những vụ án như thế này thì khi giải quyết theo đúng qui định của pháp luật, HĐXX cũng đã rất cân nhắc về lý nhưng cũng rất khó xử về tình.
Bởi lẽ, việc giải quyết quyền lợi cho người mẹ ruột là đúng pháp luật nhưng khi giải quyết như thế thì quyền lợi chính đáng của người mẹ nuôi sẽ ở đâu? Sự tổn thất về tinh thần sẽ như thế nào? Lấy gì có thể bù đắp cho sự mất mát to lớn đó?
Thiết nghĩ không có sự tổn thất nào có thể so sánh được bằng tổn thất tinh thần. Chúng ta đều biết rằng trong xã hội ngày nay đã xảy ra rất nhiều trường hợp về sự vô cảm của những người mẹ trẻ, họ có có thể bất chấp tất cả để từ bỏ núm ruột của mình bằng nhiều hình thức và như thế tương lai của những đứa trẻ bị bỏ rơi này sẽ ra sao nếu như không được cưu mang trong những gia đình có tình thương thật sự.
Thông qua vụ án này, cũng là 1 thông điệp gửi đến các bà mẹ đã và đang nuôi những đứa bé mồ côi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất đến với họ, những người mẹ thầm lặng ...
3 - Xét về khả năng thi hành án
Liệu rằng sau bản án này thì việc thi hành bản án có thực hiện được hay không? Ông bà ta đã từng nói rằng " Công sinh không bằng công dưỡng"
Hơn nữa, đây là vụ án mà đối tượng tranh chấp là một con người, một đứa trẻ đáng thương, cuộc sống của bé từ nhỏ đến giờ đã thiếu thốn rất nhiều tình cảm của cha và mẹ ruột và nay khi cháu đã cảm thấy yên tâm trong vòng tay của cha mẹ nuôi thì lại chứng kiến và phải đối diện với một sự thật phủ phàng khác nữa ập đến là buộc phải rời xa người mẹ đã cưu mang bé bằng tất cả sự yêu thương, sự bù đắp về tinh thần, vật chất và cả sự hy sinh của một người mẹ đối với đứa con bé nhỏ.
Do vậy thiết nghĩ trong trường hợp này người lớn cần có sự cảm thông, chia sẻ và vun vén tình cảm cho bé từ từ, đặc biệt đối với trẻ nhỏ thì rất cần có thời gian để chăm sóc, thể hiện tình cảm thì bé mới có thể cảm nhận được và dần dần bé sẽ dễ chấp nhận sự thật hơn.
Khi đó người lớn sẽ thấy là việc cưỡng ép tình cảm, ý chí hay suy nghĩ của bé có thể giải quyết được hay không? Và có cần thiết để làm như thế? Cốt lõi của vấn đề ở đây là gì? Có phải là xuất phát từ tình thương của bé và mong muốn được quyền nuôi bé?
Luật sư Nguyễn Thạch Thảo