Vụ việc Công ty CP Acecook Việt Nam
(Vina Acecook) tố Công ty CP Thực phẩm Á Châu (Asia Foods) nhái nhãn hiệu bao
gói mì của Vina Acecook (Báo Người Lao Động ngày 5-3 đã thông tin) đang gây nhiều
tranh cãi. Đúng - sai trong chuyện này như thế nào?
Asia Foods không thu hồi
Chiều 5-3, giải thích về việc nhãn hiệu mì Hảo Hạng tôm chua cay (của Asia Foods) bị cho là gây nhầm lẫn với mì Hảo Hảo tôm chua cay (của Vina Acecook), ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Nhãn hàng Asia Foods, cho biết nhãn hiệu mì Hảo Hạng tôm chua cay được tung ra thị trường từ năm 2006, đến năm 2009 được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa (mẫu gói mì có màu hơi nâu), sau đó thì ngưng sản xuất. Đến tháng 1-2015, Asia Foods tung lại sản phẩm ra thị trường, có cải tiến bao bì dựa trên nhãn hiệu đã đăng ký và nhận được thông báo của Vina Acecook cho rằng sản phẩm có nhiều điểm tương tự mì Hảo Hảo tôm chua cay của Vina Acecook, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Mẫu gói mì Hảo Hạng (bên phải) bị tố đã nhái nhãn hiệu Hảo Hảo Ảnh: VĂN HÙNG
Asia Foods đã có văn bản phúc đáp, khẳng định không nhái nhãn hiệu vì Asia Foods đã xác lập được chỗ đứng nhất định trên thị trường. “Quan điểm của Asia Foods là không muốn tranh chấp trong những việc có liên quan đến pháp lý nên ngay sau khi Vina Acecook gửi thông báo, chúng tôi cho thiết kế lại mẫu bao gói mì Hảo Hạng (quay về mẫu được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa) và ngưng sản xuất theo mẫu mà Vina Acecook cho rằng gây nhầm lẫn. Đến ngày 12-2, lãnh đạo 2 công ty đã có cuộc gặp để giải quyết vấn đề này. Chúng tôi đã nói rõ là ngưng sản xuất mẫu bao bì gây tranh chấp. Chúng tôi không bình luận gì về kết luận của Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ. Tuy nhiên, chúng tôi không thực hiện việc thu hồi sản phẩm mì Hảo Hạng tôm chua cay theo yêu cầu của Vina Acecook. Nếu cơ quan quản lý nhà nước có công văn kết luận chúng tôi vi phạm và yêu cầu có biện pháp khắc phục thì chúng tôi sẽ tuân thủ nhưng đến nay, chúng tôi không nhận được bất kỳ công văn nào của các cơ quan nhà nước. Xử lý vụ việc như thế nào, chúng tôi vẫn đang chờ!” - ông Cường cho biết.
Trước quan điểm của Asia Foods cho rằng công ty này không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, việc ngưng sản xuất nhằm thể hiện thiện chí và không muốn “dính” đến tranh chấp pháp lý, chiều cùng ngày, đại diện Vina Acecook cho biết vấn đề đúng - sai đã được khẳng định rõ qua văn bản của Cục Sở hữu trí tuệ. “Chúng tôi đã ủy quyền cho luật sư giải quyết vụ này. Trong văn bản gửi Asia Foods, Vina Acecook đã yêu cầu chấm dứt ngay việc sản xuất, mua bán, quảng cáo mì Hảo Hạng; thu hồi, tiêu hủy các sản phẩm đã tung ra thị trường và còn tồn ở công ty; gửi lại cho chúng tôi thông báo bằng văn bản và hình ảnh về việc khắc phục nhưng phía Asia Foods chỉ mới ngưng sản xuất. Chúng tôi vẫn đang xem xét động thái của họ và cân nhắc khả năng khởi kiện” - đại diện Công ty Vina Acecook nói.
“Chắc chắn có vấn đề”
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 5-3, ông Trần Hữu Nam, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, xác nhận việc cục đã có công văn kết luận mẫu bao gói mì Hảo Hạng tôm chua cay của Asia Foods có cách trình bày gây nhầm lẫn với nhãn hiệu Hảo Hảo mì tôm chua cay đã được đăng ký bảo hộ của Vina Acecook. “Hai bao bì này chắc chắn có vấn đề. Đây là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ” - ông Nam khẳng định.
Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết thêm: Mẫu bao gói mì Hảo Hạng của Asia Foods sử dụng trong thực tế khác với mẫu đăng ký bảo hộ trước đó của công ty này. Điều này là vi phạm nguyên tắc. Còn việc sử dụng mẫu bao bì xâm phạm quyền của người khác thì sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật về xâm phạm quyền. Tuy nhiên, Cục Sở hữu trí tuệ không có chức năng nào khác ngoài việc cho ý kiến chuyên môn về vụ việc, về các dấu hiệu “có đụng hay không đụng, có khả năng xâm phạm quyền của người khác hay không” chứ cục không phải là cơ quan giải quyết tranh chấp, không có bộ phận giải quyết việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đơn vị bị xâm phạm có thể khởi kiện ra tòa án.
Luật sư Châu Huy Quang (Hãng luật R&T LCT Lawyers) cho rằng nếu quan sát theo cảm quan, có thể thấy hình thức bao gói bên ngoài của nhãn hiệu mì Hảo Hạng có dấu hiệu tương tự gây nhầm lẫn với mì Hảo Hảo. Tuy nhiên, khi xác định hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của Vina Acecook, cần lưu ý một số điểm. Trong đó, cần lưu ý rằng ý kiến giám định chuyên môn của Cục Sở hữu trí tuệ hay Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ hoặc ý kiến hội đồng giám định liên quan chỉ là kênh tham khảo chứ không phải là phán quyết hay kết luận có giá trị pháp lý cuối cùng để xác định có hay không hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Vina Acecook có thể cân nhắc một số biện pháp xử lý, bao gồm: Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; yêu cầu bên có hành vi xâm phạm quyền phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại; yêu cầu áp dụng biện pháp xử lý hành chính (mức phạt tiền hiện có thể lên đến 250 triệu đồng cùng với một số hình thức xử lý bổ sung khác). Biện pháp phổ biến, tổng quát và triệt để hơn là khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, yêu cầu chấm dứt hành vi xâm hại và bồi thường thiệt hại (nếu có).
Trong khi đó, theo một chuyên gia về sở hữu trí tuệ, kết luận của Cục Sở hữu trí tuệ là nguồn quan trọng, nếu thấy có dấu hiệu vi phạm thì cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ có quyền lập đoàn thanh tra, kiểm tra và lập biên bản, xử lý vi phạm theo pháp luật.
Quảng bá bằng xì-căng-đan? Nhìn dưới góc độ thương hiệu, TS Nguyễn Trung Thẳng, Chủ tịch Tập đoàn Masso, cho rằng cách làm của Asia Foods thể hiện sự yếu kém về năng lực cạnh tranh và thiếu tầm nhìn dài hạn. Nếu Asia Foods có ý đồ “ăn theo” bao bì của Vina Acecook, “đánh lận con đen” để bán hàng ra thị trường mà không phải tốn nhiều tiền cho tiếp thị là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Trong trường hợp không có động cơ này mà chỉ vô tình gây ra sự nhầm lẫn thì chứng tỏ năng lực cạnh tranh kém, không biết tạo ra cái mới. Còn muốn dùng xì-căng-đan như một hình thức quảng bá thương hiệu, nhắc nhớ với người tiêu dùng thì quá nhiều rủi ro và mang tính ngắn hạn. |
Thanh Nhân - Bích Ngọc