Điều 5 của DOC không phải một ‘sáng kiến’ nào xa lạ nhưng được ‘lôi ra’, tái nhấn cụ thể trong một văn bản chung của các Ngoại trưởng ASEAN tại AMM 47 vừa qua tại Naypyidaw, Myanmar phản ánh mức độ nào của sự khẩn thiết mà ASEAN phải hành động để Biển Đông không trở thành vùng biển động, đảm bảo duy trì hòa bình, ổn định, an ninh biển cũng như tự do hàng hải và hàng không ở vùng biển này?
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh. Ảnh: QĐND
Ở AMM 47, có lẽ là một trong những lần mà hiếm hoi mà các Ngoại trưởng ASEAN chỉ đạo rất cụ thể, đặc biệt liên quan đến điều 5 của DOC. Chúng ta đều biết hội nghị Ngoại trưởng ASEAN vừa rồi họp trong hoàn cảnh an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông có những phức tạp và những mối đe dọa.
Chính những phức tạp và mối đe dọa đó đòi hỏi các Ngoại trưởng phải đánh giá kỹ lưỡng những thách thức đặt ra, những hành động cần thiết phải làm và những biện pháp cụ thể triển khai sắp tới.
Theo đó, nổi lên những điểm quan trọng. Thứ nhất, ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với tình hình diễn biến phức tạp vừa qua làm ảnh hưởng trực tiếp an nình an toàn hàng hải khu vực cũng như môi trường hòa bình và hợp tác chung.
Thứ hai, hơn bao giờ hết ASEAN thấy rằng cần phải nhấn mạnh các nguyên tắc đã có của ASEAN cũng như là đã được tất cả các nước ủng hộ, trong đó nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển và các thỏa thuận khu vực, trong đó có Tuyên bố DOC.
Thứ ba, để đảm bảo thực hiện môi trường hòa bình ổn định an ninh an toàn hàng hải ở khu vực để bảo đảm tuân thủ luật pháp quốc tế và công ước Luật biển, DOC phải làm gì.
Các Bộ trưởng cho rằng cần phải có cơ chế, bảo đảm giám sát việc thực thi một cách đầy đủ và hiệu quả tuyên bố DOC, trong đó có điều 5 về thực hiện kiềm chế và không làm phức tạp thêm tình hình.
Bản chất "điều 5" này của DOC không khác sáng kiến đề xuất “đóng băng” các hoạt động gây căng thẳng ở Biển Đông, thưa ông? Đánh giá của ông về sáng kiến của Mỹ?
Tại AMM 47 có một loạt sáng kiến đề ra, trong đó có việc đóng băng, ngưng đọng những hành động được coi là gây mất ổn định.
Indonesia cũng đưa ra sáng kiến là 3+1, trong đó đảm bảo xây dựng lòng tin, những cơ chế ngăn ngừa rủi ro xung đột và những cơ chế, nếu có tranh chấp xảy ra thì kiểm soát tranh chấp, không để xảy ra xung đột.
Hay đề xuất của Nhật về thực hiện các quy định của luật pháp của quốc tế trong quản lý tranh chấp ở khu vực này.
Bất cứ sáng kiến nào nêu ra nhằm bảo đảm hòa bình ổn định ở đây, nhằm đảm bảo xây dựng lòng tin ở đây thì chắc chắn sẽ được ASEAN xem xét. Nhưng những đề xuất trong đó có phù hợp với những quan điểm và định hướng của ASEAN hay không thì cần tiếp quá trình thảo luận để đi đến thống nhất. ASEAN sẽ phải bàn trong nội bộ những biện pháp nào phù hợp.
DOC có 10 điểm kể cả lời nói đầu nữa, tại sao lại phải lấy điều 5? VN chia sẻ với tất cả các nước, trong khi đảm bảo thực hiện đầy đủ tất cả các điều khoản của DOC thì tình hình đòi hỏi lúc này trước tiên phải giảm căng thẳng và không làm phức tạp thêm tình hình, nên điều 5 là điều phù hợp nhất.
Nếu có các danh mục cụ thể cộng với cơ chế thực thi trên thực tế điều 5 thì đây sẽ là kinh nghiệm rất tốt để cho thực hiện tất cả điều khoản khác trên thực tế, chứ không phải chỉ là cam kết bằng chương trình.
Và điều 5 cũng như các quy định của Tuyên bố DOC, chúng tôi cho rằng khi đã nói thực hiện đầy đủ thì bao hàm thực hiện luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển, giải quyết hòa bình tranh chấp, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực.
Nếu tranh chấp bùng nổ thành cọ xát thậm chí đến xung đột thì ảnh hưởng lợi ích chung của tất cả các nước, đó là hòa bình ổn định an ninh an toàn hàng hải.
Những giá trị của quy định trong DOC không hề lỗi thời, mấu chốt ở tính ràng buộc thực hiện. Bài học 9 năm mới có được bản hướng dẫn thực hiện DOC khiến ASEAN giờ đây phải có được COC mang tính ràng buộc. Khi nào thì những đàm phán thực chất COC mới có thể bắt đầu, theo Thứ trưởng?
Vấn đề COC, điều quan trọng thứ nhất, các nước ASEAN và các nước có liên quan đều ủng hộ có COC, đều ủng hộ mục tiêu COC là bộ quy tắc phải thừa kế được DOC và phát huy làm sao đảm bảo tốt hơn hòa bình ổn định, an ninh an toàn hàng hải.
Nhưng quá trình đi đến COC chắc chắn sẽ còn phức tạp. Trong vòng 2 năm nay trở lại đây đã có những bước chuyển, nhưng những bước chuyển chưa đủ mạnh.
ASEAN và TQ đã có những cuộc tham vấn không chính thức vào 2012, rồi 2013 bắt đầu chính thức đi vào tham vấn, đến hội nghị AMM vừa rồi thì ASEAN chia sẻ với TQ là phải đi vào tham vấn ngay để chia sẻ một cách thực chất về mục tiêu, cấu trúc và các thành tố của COC. Hai bên đã nhất trí với nhau sẽ tăng tần suất để tham vấn với nhau.
Nó chậm nhưng nó đang có những bước chuyển. Quan điểm của ASEAN là phải đi vào đàm phán thực chất ngay do những đòi hỏi của tình hình phải có khuôn khổ thỏa thuận khu vực để có thể ứng xử tốt hơn với những phức tạp đang xảy ra.
Linh Thư - Hồng Nhì
Theo Vietnamnet