Nhà sử học Dương Trung Quốc, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã chia sẻ với Đất Việt về những e ngại của ông trước việc hết lần này đến lần khác Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam trên biển, từ việc hạ đặt giàn khoan trái phép đến xây đảo nhân tạo Gạc Ma rồi làm đường băng trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Vi phạm đã quá rõ ràng!
Mới đây Trung Quốc đã công bố hình ảnh về đường băng được xây dựng trên đảo Phú Lâm. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy đường băng cũ ở đảo Phú Lâm được mở rộng từ 2.400m lên khoảng 2.800m thay vì 2.000m như trước đây Trung Quốc từng công bố.
Với sân bay Phú Lâm, Trung Quốc có thể mở rộng khả năng bay tuần tra hầu hết vùng biển mà nước này ngang ngược tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Các chuyên gia quân sự cũng cho rằng, hầu hết các loại máy bay của không quân Trung Quốc đều có thể cất, hạ cánh ở đường băng này. Không chỉ có vậy, từ đầu năm 2014 nước này đã rốt ráo cho công việc xây dựng đảo nhân tạo tại Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Theo quan sát của giới chuyên môn, việc Trung Quốc cố gắng quyết tâm biến bãi Gạc Ma thành đảo nhân tạo lớn với sân bay có đường băng dài 2000m. Đủ sức cho máy bay tân tiến như Su-30, J-11 và J-10 cất, hạ cánh.
Hay nói khác đi là mưu đồ biến bãi Gạc Ma thành căn cứ quân sự khổng lồ đã lộ diện.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc: “Không còn nghi ngờ gì nữa, mọi việc đã quá rõ ràng. Tôi tin rằng Trung Quốc sẽ còn tiếp tục những động thái khác nữa, chứ sẽ không chỉ dừng lại như thời gian qua. Đây là nước rất biết khai thác cơ hội, hay nói cách khác là họ chơi cờ thế nên rất khó dự đoán hết”.
Trên thực tế từng hành động vi phạm chủ quyền của Trung Quốc đều gây khó khăn cho Việt Nam.
Chúng ta biết bãi Gạc Ma có vị trí địa chiến lược cực kỳ quan trọng vì nó nằm ở trung tâm quần đảo Trường Sa và nó án ngữ con đường hàng hải quan trọng, đặc biệt là cả với tàu quân sự, tàu ngầm hạt nhân đi trên Biển Đông.
Nhiều ý kiến đã bày tỏ sự lo ngại nếu bãi Gạc Ma biến thành đảo với địa chính trị, địa quân sự như đã nêu thì Trung Quốc có thể kiểm soát Biển Đông, eo biển Malacca.
Thêm nữa giới chuyên môn quân sự cho rằng: đường bay từ đảo Gạc Ma, Phú Lâm, Chữ Thập có thể khống chế các khu vực phòng thủ của Việt Nam. Việc này cực kỳ nguy hiểm. Sau động thái xây dựng sân bay nhân tạo ở Gạc Ma, Trung Quốc tiếp tục xây dựng sân bay nhân tạo tại đảo Chữ Thập.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc: "những lo ngại đều có căn cứ nhưng chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc phát ngôn phản ứng hành động sai trái của Trung Quốc có lẽ chưa đủ".
Trung Quốc xây đường băng máy trên đảo Gạc Ma...
Philippines công bố hình ảnh chụp bãi Gạc Ma thấy rõ công sự và đường băng mà Trung Quốc xây dựng
Phải kiện và minh bạch mọi việc
Từng đưa ra ý kiến bày tỏ sự lo ngại trước vi phạm chủ quyền của Trung Quốc trên biển từ kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 13, khi đó đại biểu Dương Trung Quốc đã nói rằng việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo tại Gạc Ma là rõ ràng và Việt Nam cần lên tiếng sớm.
“Có lẽ cũng giống như câu chuyện của giàn khoan, chúng ta phải lên tiếng sớm, nếu không thì nó sẽ luôn luôn thành chuyện đã rồi và điều đó hết sức nguy hiểm.Tôi nghĩ rằng đã đến lúc phải lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa”, nhà sử học Dương Trung Quốc nói.
Theo ông Quốc, không ai không nhớ đến sự kiện từ năm 1988, Trung Quốc đã xâm chiếm Gạc Ma nằm sâu trong lãnh thổ của chúng ta và điều đó hết sức nhức nhối và cũng rất nguy hiểm. Người ta vẫn nói đến sau cái đó sẽ là cái gì? Một căn cứ hải quân quân sự, một sân bay hay có thể phát triển thành khu kiểm soát hàng không trên Biển Đông?
“Trung Quốc sẽ còn tiếp tục những động thái khác nữa chứ sẽ không chỉ dừng lại như thời gian qua. Cho nên những ý kiến cho rằng Việt Nam phải kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế là đúng vì Trung Quốc hoàn toàn sai trái”, ông Quốc cảnh báo.
Theo vị đại biểu này thì ông hiểu cái khó của những người có trách nhiệm lúc này khi phải “hạ lệnh” áp dụng giải pháp nào cho phù hợp và hiệu quả nhất. Song ông cũng nhấn mạnh: “Tôi cho rằng vấn đề cần rạch ròi, quan trọng đầu tiên trước hết là với người dân. Cần phải làm minh bạch”.
Bích Ngọc