|
Theo hồ sơ, bà Nguyễn Ánh Minh (nguyên cán bộ Agribank H.Thới Bình, Cà Mau) vay tiền của nhiều người để cho ông Phạm Chí Nguyện (đồng nghiệp tại cơ quan) vay lại hưởng chênh lệch. Khi ông Nguyện bỏ trốn, bà Minh cũng vỡ nợ và bị Cơ quan CSĐT - Công an H.Thới Bình khởi tố, bắt tạm giam về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sau đó vụ án được chuyển lên cơ quan điều tra cấp tỉnh và bà Minh được Viện KSND tỉnh chuyển tội danh, truy tố ra tòa để xét xử về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Ngày 19.10.2007, TAND tỉnh Cà Mau đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bà Minh 15 năm tù về tội danh trên.
Không đồng tình với bản án, bà Minh kháng cáo lên Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 25.2.2008, HĐXX đã tuyên hủy toàn bộ bản án của TAND tỉnh Cà Mau để điều tra lại. Đến ngày 24.2.2010, Viện KSND tỉnh Cà Mau ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bà Minh vì xác định việc bà Minh vay nợ 22 người chỉ là quan hệ dân sự. Bà Minh nhận nợ và không trốn tránh nghĩa vụ trả nợ nên không cấu thành tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Sau khi có quyết định đình chỉ điều tra, bà Minh gửi đơn yêu cầu TAND tỉnh Cà Mau phải bồi thường thiệt hại vì kết án oan. Đến tháng 7.2013, TAND tỉnh Cà Mau ra quyết định bồi thường cho bà Minh hơn 364 triệu đồng. Cho rằng số tiền bồi thường này quá thấp so với những tổn thất tinh thần, thiệt hại về tài sản mà mình phải chịu suốt hơn 4 năm trong vòng tố tụng, trong đó hơn 18 tháng bị tạm giam, bà Minh khởi kiện TAND tỉnh Cà Mau ra TAND TP.Cà Mau đòi bồi thường 1,6 tỉ đồng.
Ngày 28.3.2014, TAND TP.Cà Mau đưa ra xét xử vụ kiện mà TAND tỉnh Cà Mau là bị đơn. Tại phiên tòa này, bà Minh đã thay đổi yêu cầu khởi kiện, giảm xuống đòi TAND tỉnh Cà Mau bồi thường hơn 1,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, TAND TP.Cà Mau chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của bà Minh, tuyên buộc TAND tỉnh Cà Mau bồi thường cho bà hơn 386 triệu đồng. Bản án cũng tuyên buộc TAND tỉnh Cà Mau phải tổ chức công khai xin lỗi bà Minh tại địa phương nơi bà cư trú. Không đồng ý với bản án này, bà Minh kháng cáo.
Chiều 19.8, trao đổi với PV Thanh Niên, bà Minh cho biết: “Sau khi tại ngoại, tôi đi giám định sức khỏe thì kết quả là tôi mất sức lao động tới 75%, nhiều tài sản tiền tỉ bị thất thoát, bị mất việc ở ngân hàng. Đau lòng hơn, cha tôi hay tin tôi bị bắt đã bị đột quỵ và mất trong thời gian tôi ở tù. Hiện sức khỏe tôi rất tệ, phải nằm viện thường xuyên, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Tôi đã quá mệt mỏi, chỉ mong mọi việc sớm kết thúc”.
Liệu có đảm bảo tính khách quan ? Trao đổi với Thanh Niên, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM), cho rằng theo khoản 1 điều 23 luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước thì việc TAND TP.Cà Mau xét xử sơ thẩm vụ án trên là đúng quy định pháp luật. Sau khi tòa sơ thẩm tuyên án, bà Minh không đồng tình và kháng cáo bản án sơ thẩm nên thẩm quyền giải quyết phúc thẩm là TAND tỉnh Cà Mau. “Về chuyện nghi ngại rằng TAND tỉnh Cà Mau sẽ xét xử chính mình trong phiên tòa phúc thẩm sẽ không khách quan, việc này cũng dễ hiểu nhưng chỉ cần áp dụng đúng nguyên tắc “thẩm phán và hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” theo điều 12 của bộ luật Tố tụng dân sự, thì việc giải quyết vụ án sẽ khách quan, công bằng cho dù bị đơn là ai. Còn một khi nguyên tắc trên vì lý do nào đó mà bị vi phạm thì rõ ràng việc giải quyết vụ án sẽ không khách quan và công bằng”, ông Chánh nói. Hương Giang |
Gia Bách
Theo Thanh niên