Không thể dùng dự trữ ngoại hối để cho vay đầu tư

07/05/2015 10:42 AM

Trong nhiều năm qua, việc vay mượn tiền của chính phủ từ ngân hàng trung ương (NHTƯ) đã được thể chế hóa ở hầu hết các nước trên thế giới. Trừ những trường hợp khẩn cấp, ví dụ như chính phủ có nguy cơ vỡ nợ hoặc thực hiện các chương trình nới lỏng định lượng (Quantitative Easing - QE) nhằm cứu nền kinh tế khỏi khủng hoảng, các nước phát triển cũng như đang phát triển đều cấm NHTƯ trực tiếp cho chính phủ vay tiền, cho dù đó là trực tiếp mua trái phiếu chính phủ (TPCP) hay cho vay dự trữ ngoại hối.

Vay đầu tư phát triển là vay dài hạn. Trong khi đó vay từ quỹ dự trữ ngoại hối, nếu được phép, chỉ là ngắn hạn, bù đắp những thiếu hụt tạm thời do tính mùa vụ của thu ngân sách. Ảnh: Minh Khuê

Thực tiễn trên thế giới cũng cho thấy rằng khi NHTƯ có tính độc lập, theo nhiều khía cạnh, đối với chính phủ, thì họ cũng thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bình ổn giá cả. Bởi lẽ, sự độc lập cho phép NHTƯ cải thiện được tính minh bạch, tính chịu trách nhiệm và tính khả tín trong việc thực thi chính sách tiền tệ.

Thông thường, một NHTƯ độc lập sẽ công khai các thông tin về bảng cân đối tài sản, đồng thời minh bạch định hướng và phản ứng chính sách tiền tệ trong các tình huống khác nhau. Điều này không những giúp các doanh nghiệp hay cá nhân trong nền kinh tế có thể lập kế hoạch dài hạn, mà còn giúp tránh được hiện tượng “tiền tệ hóa” các khoản chi tiêu hay nợ công. Hay nói cách khác, nền kinh tế tránh được việc NHTƯ tài trợ cho chi tiêu công bằng cách in tiền, trực tiếp mua TPCP, hoặc giao dự trữ ngoại hối cho chính phủ sử dụng.

Ngoài ra, việc tiền tệ hóa các khoản chi tiêu công còn có thể được thực hiện một cách gián tiếp thông qua việc NHTƯ mua lại “vĩnh viễn” TPCP trên thị trường thứ cấp. Tức là, ban đầu để tài trợ cho chi tiêu, chính phủ có thể bán trái phiếu cho các ngân hàng thương mại, quỹ đầu tư... Sau đó, bằng cách này hay cách khác, NHTƯ sẽ mua lại vĩnh viễn trái phiếu từ các tổ chức tài chính kể trên. Lưu ý rằng, việc mua lại TPCP này khác với việc mua/bán TPCP diễn ra trên thị trường thứ cấp, hay còn gọi là nghiệp vụ thị trường mở (OMO), để phục vụ chính sách tiền tệ. Nghiệp vụ OMO là hoạt động mua bán TPCP tạm thời/có kỳ hạn nhằm cung ứng thanh khoản và theo đuổi mức lãi suất, và do vậy là tỷ lệ lạm phát mục tiêu.

Để đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính tiền tệ quốc gia trong dài hạn, việc vay mượn của Chính phủ từ Ngân hàng Nhà nước nên được nghiên cứu và thể chế hóa thành luật.

Nói tóm lại, việc NHTƯ cho chính phủ trực tiếp vay tiền để chi tiêu thường là bị cấm. Trong một số trường hợp, nếu có được phép thì hoạt động này cũng phải chịu sự giám sát và tuân thủ những nguyên tắc nhất định. Ví dụ, chính phủ chỉ được phép vay một tỷ lệ nhất định so với tổng thu ngân sách trong năm và phải hoàn trả vào cuối năm (ngắn hạn). Tức là mục đích vay mượn là để bù đắp những thiếu hụt tạm thời do tính mùa vụ của thu ngân sách, hoặc do tác động tạm thời của các chương trình cải cách tài khóa mà chính phủ đang thực hiện.

Điều này hoàn toàn khác với những gì Việt Nam đang đề xuất là vay để “đầu tư phát triển”, hay nói cách khác là vay dài hạn. Ngoài ra, ở các nước trên thế giới, việc vay mượn này cũng không được phép nếu nó được thực hiện để tài trợ cho các chính quyền địa phương hay doanh nghiệp nhà nước.

Quan trọng hơn, dự trữ ngoại hối có được nhờ thặng dư tài khoản vốn, như ở Việt Nam, không phải là thứ có thể đem ra để chi tiêu hay cho vay.

Thu nhập của quốc gia kiếm được từ thế giới bên ngoài được thể hiện qua tài khoản vãng lai, mà thành phần chủ yếu là cán cân thương mại - cái mà Việt Nam luôn thâm hụt nặng nề trong nhiều năm qua. Còn tài khoản vốn chủ yếu phản ánh dòng vốn ngoại vào tạm thời thông qua FDI, đầu tư tài chính hoặc vay mượn nước ngoài.

Thặng dư tài khoản vốn hôm nay sẽ tương ứng với sự sụt giảm lượng ngoại tệ trong tương lai khi các nhà đầu tư nước ngoài chuyển lợi nhuận, cổ tức, tiền lãi, rút vốn đầu tư về nước, hoặc đơn giản là khi các khoản vay nợ nước ngoài đáo hạn.

Do vậy, dự trữ ngoại hối có được nhờ thặng dư tài khoản vốn chỉ là số tiền chúng ta đang “giữ hộ” các nhà đầu tư/ chủ nợ nước ngoài. Một khi cán cân thương mại chưa được cải thiện thì sự gia tăng dự trữ ngoại hối nhờ thặng dư tài khoản vốn cũng đồng nghĩa với việc nghĩa vụ thanh toán quốc tế của quốc gia đó tăng lên trong tương lai.

Đây là lý do tại sao NHTƯ các nước luôn phải tích trữ ngoại hối, gửi ở các ngân hàng hay mua TPCP ở những quốc gia có tín nhiệm cao trên thế giới với lãi suất rất thấp, nhằm có được khả năng sẵn sàng chi trả nợ nước ngoài, thanh toán nhập khẩu, lưu chuyển vốn quốc tế hoặc để can thiệp vào thị trường ngoại hối khi cần thiết. Dự trữ ngoại hối mỏng so với nghĩa vụ thanh toán quốc tế không chỉ làm giảm tính khả tín của chính sách tiền tệ và tỷ giá, mà còn có nguy cơ tạo ra các cuộc tấn công đầu cơ tiền tệ ở những quốc gia theo đuổi chế độ neo tỷ giá như Việt Nam. Do vậy, để đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính tiền tệ quốc gia trong dài hạn, việc vay mượn của Chính phủ từ Ngân hàng Nhà nước nên được nghiên cứu và thể chế hóa thành luật.

Bộ Tài chính bán 1 tỉ đô la Mỹ trái phiếu cho Vietcombank

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã hoàn tất giao dịch mua 1 tỉ đô la Mỹ trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5-10 năm từ Bộ Tài chính với lãi suất xoay quanh 4,8%/năm, một nguồn tin riêng nói với TBKTSG.

Lãi suất 4,8% là tương đương lãi suất trái phiếu quốc tế của Chính phủ mới bán ra cuối năm 2014. Mức lãi suất này được thị trường đánh giá đáng mơ ước với một khoản đầu tư của ngân hàng thương mại vì nó cao hơn lãi suất tiền gửi đô la Mỹ tại ngân hàng Việt Nam khá nhiều. Có ý kiến cho rằng nếu Chính phủ đấu thầu công khai số trái phiếu này thì có lẽ giá vốn thu về cho ngân sách sẽ rẻ hơn.

Đây là lần đầu tiên Chính phủ phát hành riêng lẻ trái phiếu bằng ngoại tệ cho một ngân hàng và với khối lượng lớn.

Nhưng vì sao phải phát hành trái phiếu bằng đô la Mỹ mà không phải tiền đồng?

Trước hết, là vì Chính phủ cũng có những khoản chi tiêu bằng ngoại tệ và cần nguồn ngoại tệ.

Thứ hai, Vietcombank luôn dồi dào ngoại tệ nhất trong số các ngân hàng nội địa và đã có những ý kiến cho rằng tận dụng nguồn ngoại tệ sẵn trong nước tốt hơn đi vay bên ngoài. Việc này còn tránh được cú sốc tỷ giá so với việc chính phủ đi vay từ nước ngoài.

Nếu số trái phiếu này được phát hành bằng tiền đồng thì theo quy định Bộ Tài chính sẽ phải đấu thầu công khai, trong khi đấu thầu trái phiếu tiền đồng đang ế ẩm nhất trong vòng hơn hai năm qua. Tất cả 11 phiên đấu thầu trái phiếu tiền đồng trong tháng 4 vừa qua chỉ huy động được hơn 8.500 tỉ đồng, giảm 50,9% so với tháng trước đó.

Thứ ba, nếu Ngân hàng Nhà nước mua 1 tỉ đô la Mỹ ngoại tệ của Vietcombank, thay vì Bộ Tài chính phát hành trái phiếu, thì cung tiền sẽ bị ảnh hưởng mạnh vì một khối lượng lớn tiền đồng sẽ được vào lưu thông.

Về phía Vietcombank, khi thực hiện thương vụ này, họ có thể không đưa khoản cho vay 1 tỉ đô la Mỹ nói trên vào hạn mức tín dụng hay “room” mua trái phiếu chính phủ theo sự cho phép của Thông tư 36 về giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, khoản nợ cũng không gây sức ép lên nợ nước ngoài quốc gia theo Luật Quản lý Nợ công.

Một số ý kiến bình luận với TBKTSG rằng đây có thể coi là hành động khôn khéo, vừa giúp cho ngân sách trong tình hình huy động đang khó khăn bởi nguồn thu bị thu hẹp, vừa có lợi cho ngân hàng. Tất nhiên Vietcombank hẳn phải co kéo khắt khe hơn trong việc điều tiết nguồn ngoại tệ mà tỷ trọng không nhỏ được huy động ngắn hạn khi họ phải cân bằng lại nguồn để thực hiện thương vụ này.

Hồng Phúc

Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,282

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]