Đâu phải chỉ vì thiếu luật!

11/05/2015 08:21 AM

Việc xử lý tài sản bảo đảm hiện nay có những vướng mắc thuộc về mặt luật pháp (thiếu luật) nhưng cũng có những vướng mắc do việc áp dụng luật trên thực tế.

Trong nhiều khó khăn mà Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và các tổ chức tín dụng gặp phải khi tiến hành xử lý tài sản bảo đảm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nêu ra trong Tờ trình số 192/TTr-NHNN ngày 17-12-2014, có những vướng mắc thuộc về mặt luật pháp (thiếu luật) nhưng cũng có những vướng mắc do việc áp dụng luật trên thực tế. Luật đủ và hợp lý nhưng người áp dụng luật “nghĩ khác và làm khác” cho nên mới vướng.

Đầu tiên là chuyện tòa án và việc áp dụng điều 144.5 của Bộ luật Dân sự hiện hành. Điều luật này quy định người đại diện không được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nhiều tòa án đã dựa vào đây để cho rằng trường hợp người đại diện của doanh nghiệp dùng tài sản cá nhân để bảo đảm nghĩa vụ cho doanh nghiệp do mình đại diện nhằm vay vốn là trái pháp luật và do đó vô hiệu. Ví dụ, ông giám đốc A của công ty X dùng nhà đất của mình để bảo lãnh nghĩa vụ trả nợ vay của công ty X đối với ngân hàng Y.

Thực ra quy định nói trên là nhằm tránh trường hợp người đại diện trục lợi từ giao dịch được xác lập, từ đó gây thiệt hại cho người được đại diện. Nhưng trong ví dụ trên, ngân hàng và ông giám đốc mới là các bên có quan hệ đối ứng, ông giám đốc tham gia giao dịch không phải vì quyền lợi của chính mình mà thực chất công ty X mới là bên hưởng lợi từ giao dịch. Ngoài ra, sợ ông giám đốc có hành vi tư lợi thì Luật Doanh nghiệp đã có những quy định nhằm kiểm soát giao dịch của các bên liên quan, tức là một hợp đồng giữa ông giám đốc và công ty có thể phải được hội đồng quản trị hay đại hội đồng cổ đông xem xét. Cho nên việc tòa án chỉ đơn thuần nhìn vào bề nổi của điều luật, không nhìn vào bản chất của vấn đề, vội vàng tuyên giao dịch bảo lãnh vô hiệu đã khiến cho khoản vay của ngân hàng Y từ chỗ có bảo đảm trở thành không có bảo đảm một cách oan ức.

Tiếp đó là việc các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất không chấp nhận giấy tờ chuyển nhượng do bên nhận bảo đảm ký trong trường hợp bên bảo đảm không tự nguyện ký các giấy tờ này. Như trong ví dụ trên, một ngày nọ công ty X không trả được nợ, ông A cũng không có tiền trả thay, ngân hàng Y quyết định bán nhà đất của ông A cho bà B để trừ nợ nhưng ông A không chịu ký hợp đồng bán nhà và do đó, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đã không chấp nhận cho ngân hàng Y sang tên “sổ đỏ”.

Vậy luật nói ra sao về trường hợp này? Điều 70 Nghị định 163/2006/NĐ-CP quy định đại ý là nếu luật có quy định việc chuyển quyền sở hữu tài sản phải có hợp đồng mua bán tài sản giữa chủ sở hữu tài sản với người mua tài sản thì hợp đồng thế chấp tài sản được dùng để thay thế cho các loại giấy tờ này. Luật không đòi ngân hàng Y phải nộp hợp đồng bán nhà do ông A ký thì cớ gì các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đòi phải có loại giấy tờ này cho bằng được? Điều đáng nói là dù Nghị định 163 được ban hành từ năm 2006, các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất vẫn phớt lờ quy định này.

Có lẽ vì vậy mà giữa năm ngoái, NHNN phải chung tay với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư liên tịch 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN khẳng định lại quy định nói trên với hy vọng có sự tham gia của “bụt nhà” là Bộ Tài nguyên và Môi trường, quy định này sẽ “thiêng” hơn với văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất địa phương!

Văn phòng công chứng cũng tham gia vào quá trình “làm khó” ngân hàng xử lý nợ. Trên thực tế, nhiều công chứng viên đã yêu cầu tổ chức tín dụng (ví dụ như ngân hàng Y) chỉ được ký hợp đồng với tư cách là bên bán tài sản bảo đảm (hợp đồng bán nhà, đất của ông A cho bà B) nếu có văn bản ủy quyền hợp pháp của chủ sở hữu tài sản (ông A) và giá bán phải được sự đồng ý của chủ sở hữu. Trong khi đó, điều 58.4 của Nghị định 163 quy định rõ rằng người xử lý tài sản căn cứ nội dung đã được thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm để tiến hành xử lý tài sản bảo đảm mà không cần phải có văn bản ủy quyền của bên bảo đảm; ngoài ra pháp luật cũng cho ông A và ngân hàng tự do thỏa thuận cách thức xử lý nhà đất của ông A khi ông ta vỡ nợ.

VAMC là niềm hy vọng để xử lý “cục máu đông” nợ xấu của ngành ngân hàng, “đả thông kinh mạch” cho nền kinh tế. Tuy nhiên, khi VAMC bước những bước chập chững đầu tiên thì cũng là lúc hệ thống pháp luật bộc lộ nhiều điểm cần hoàn thiện, ví dụ việc bán nợ cho nước ngoài cũng cần có một văn bản riêng do NHNN ban hành chứ VAMC giờ muốn bán cũng còn muôn vàn vướng víu.

Luật còn hổng thì có thể bồi đắp, gia cố nhưng chừng nào các cơ quan công quyền còn áp dụng luật một cách cứng nhắc, máy móc, sợ trách nhiệm đến mức vô lý thì chừng đó doanh nghiệp còn gặp khó dài dài. Nhiều khi chúng ta không thiếu luật, chỉ thiếu người áp dụng luật hiểu đúng luật, tôn trọng luật và biết nghĩ cho doanh nghiệp. Đây là chuyện không phải của riêng VAMC và các ngân hàng. 

LS. Trương Hữu Ngữ

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,134

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]