Tháng 9/2015, Công ty TNHH một thành viên Cấp nước và Xây dựng Quảng Trị thực hiện chủ trương cổ phần hoá doanh nghiệp, một số người lao động của Công ty thuộc diện dôi dư sau khi công ty cổ phần hoá.
Theo đó, nhóm đối tượng 1 gồm cán bộ, công nhân làm việc ở doanh nghiệp từ năm 1995 trở về trước thì được tính toàn bộ năm công tác ở cơ quan Nhà nước, đến mốc năm 2008 trở về trước được doanh nghiệp trả 1 năm công tác 1 tháng lương cơ bản. Từ năm 2009 trở về sau, đóng bảo hiểm thất nghiệp thì không được tính.
Đối với nhóm đối tượng 2 gồm cán bộ, công nhân cơ quan cũ chuyển sang cơ quan mới sau năm 1995 đến năm 2008 thì doanh nghiệp trả cho công nhân 1 năm công tác 1 tháng lương làm việc trong doanh nghiệp, còn những năm trước 1995 thì cơ quan cũ chịu trách nhiệm.
Ông Nguyễn Văn Triều, đại diện cho nhóm đối tượng 2 của Công ty hỏi: Người lao động nhóm đối tượng 2 thuyên chuyển công tác từ cơ quan cũ sang cơ quan mới, chỉ chuyển sổ BHXH và các giấy tờ liên quan, chưa nhận bất cứ chế độ gì của cơ quan cũ, nay cơ quan cũ đã giải thể, thì việc doanh nghiệp thanh toán chế độ như trên là đúng hay sai?
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời ông Triều như sau:
Theo nội dung câu hỏi của ông Nguyễn Văn Triều thì Công ty TNHH MTV Cấp nước và Xây dựng tỉnh Quảng Trị đã thực hiện giải quyết chế độ chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước theo Nghị định số 41/2002/NĐ-CP cho nên không thuộc phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 Nghị định số 91/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách đối với lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Khi thực hiện cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Cấp nước và Xây dựng tỉnh Quảng Trị (năm 2015) thì công ty có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm cho người lao động thôi việc, mất việc làm theo quy định tại Điều 48, 49 Bộ luật Lao động năm 2012 và hướng dẫn thực hiện tại Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ.
Theo đó, trường hợp người lao động có thời gian làm việc ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc khu vực nhà nước và chuyển đến làm việc tại công ty từ trước ngày 1/1/1995 mà chưa nhận trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm, nay bị mất việc làm thì công ty có trách nhiệm trả trợ cấp mất việc làm cho thời gian người lao động đã làm việc cho mình và trả trợ cấp thôi việc đối với thời gian người lao động đã làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc khu vực nhà nước trước đó.
Trường hợp người lao động chuyển đến làm việc tại công ty sau ngày 1/1/1995, nay bị mất việc làm thì công ty có trách nhiệm trả trợ cấp mất việc làm cho thời gian người lao động làm việc cho mình.
Đối với thời gian người lao động làm việc ở cơ quan cũ thì cơ quan cũ có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động theo quy định tại các văn bản nêu trên. Tuy nhiên, do sự việc xảy ra đã lâu, đến nay cơ quan cũ đã giải thể nên không còn pháp nhân để thực hiện chi trả trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ