Mua bán cây kim, sợi chỉ, que kem đều in hóa đơn điện tử?

11/09/2015 10:07 AM

1,6 triệu hộ kinh doanh cá thể phải dùng hóa đơn điện tử theo đề xuất của Bộ Tài chính? Một cây kem cũng cần hóa đơn điện tử?

Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định mới: “Người nộp thuế phải thực hiện khai, nộp thuế điện tử; sử dụng hóa đơn điện tử hoặc hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế trong giao dịch bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và định kỳ có trách nhiệm chuyển dữ liệu hóa đơn về cơ quan thuế”.

Có thể hiểu từ ngày 1/1/2016, người nộp thuế phải khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn điện tử, hóa đơn phải có gắn mã của cơ quan thuế theo đề xuất của Bộ Tài chính.

Điều này đồng nghĩa với việc khoảng 1,6 triệu hộ kinh doanh cá thể như người bán tạp hóa, người bán quần áo, mỹ phẩm, kinh doanh nhỏ lẻ trong chợ hoặc trên đường... cũng phải sử dụng hóa đơn điện tử.

Mua cây kem cũng cần hóa đơn điện tử?

Kinh doanh nhỏ lẻ trong chợ hoặc trên đường vv... cũng phải sử dụng hóa đơn điện tử?

“Khách hàng mua cây kem có vài ngàn đồng cũng cần hóa đơn điện tử thì rắc rối quá. Mình buôn bán nhỏ lẻ, thấy hóa đơn điện tử sử dụng ngay bây giờ chưa khả thi. Đôi khi người buôn bán là người lớn tuổi thì việc yêu cầu họ sử dụng phần mềm tính tiền rồi in hóa đơn điện tử là rất khó”- một chủ cửa hàng cho biết.

Anh Công Bắc, một người buôn bán ở chợ Tân Bình cho biết những người buôn bán nhỏ lẻ có khi còn không biết hóa đơn điện tử là gì, làm sao bắt buộc họ sử dụng.

Theo Bộ Tài chính, việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp DN tiết giảm được chi phí in ấn, phát hành, hạn chế được làm giả hóa đơn.

Như ở các nước, xu hướng chung là khuyến khích rồi tiến tới bắt buộc các DN sử dụng hóa đơn điện tử thay cho hóa đơn giấy trong giao dịch mua bán hàng hóa.

Và một vấn đề phát sinh là muốn sử dụng hóa đơn điện tử cần có cơ sở hạ tầng và phần mềm tương ứng để áp dụng, nếu các hộ buôn bán nhỏ không nhìn thấy lợi ích của việc sử dụng hóa đơn điện tử thì khó yêu cầu họ bỏ tiền ra để đầu tư thiết bị ban đầu.

“Hệ thống thanh toán bằng thẻ ở nước ngoài rất phát triển, họ chấp nhận thanh toán đến giá trị nhỏ nhất như một cây kem. Ở nước ta thì hệ thống thanh toán chưa hoàn thiện, chưa sử dụng rộng khắp. Đó là chưa kể việc sử dụng hệ thống thanh toán này đôi khi cũng bị tính phí” - anh Bắc nói.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, chủ tịch hiệp hội tư vấn thuế VN cho rằng việc bắt buộc người nộp thuế phải sử dụng hóa đơn điện tử từ ngày 1/1/2016 là điều không tưởng.

Bà Cúc nói: “Người nộp thuế bao gồm cả 1,6 triệu hộ kinh doanh cá thể như người bán tạp hóa ở chợ dân sinh, người bán hàng quần áo trên các con phố… Làm sao những hộ cá thể đó có thể sử dụng hóa đơn điện tử được. Do đó, nhà nước chỉ khuyến khích người nộp thuế sử dụng hóa đơn điện tử chứ không thể bắt buộc họ được”.

Đại diện Tổng cục thuế cũng thừa nhận nếu yêu cầu DN sử dụng hóa đơn điện tử từ ngày 1/1/2016 là rất khó khi điều kiện hạ tầng thông tin chưa sẵn sàng

Chỉ nên áp dụng với doanh nghiệp lớn

Đánh giá việc sử dụng hóa đơn điện tử có nhiều ưu điểm, bạn đọc Nguyễn Trung Hiếu chỉ lưu ý Bộ Tài chính cần xác định lộ trình cụ thể, chuẩn bị thật kỹ về chính sách và hạ tầng công nghệ thông tin.

“Về đối tượng áp dụng thì có thể bắt buộc đối với các doanh nghiệp lớn, còn lại thì chỉ nên khuyến khích. Một điểm quan trọng là nên tạo điều kiện thông thoáng để các doanh nghiệp công nghệ thông tin cung cấp các giải pháp đa dạng về hóa đơn điện tử cho khách hàng dựa trên hệ thống chung và sự kiểm soát của Bộ Tài chính”, bạn đọc viết.

Theo anh Công Bắc đề xuất nếu áp dụng sử dụng hóa đơn điện tử cho tất cả các hộ kinh doanh nhỏ lẻ thì cần có chính sách hỗ trợ về thiết bị, phần mềm và tập huấn sử dụng ban đầu để người dân hiểu rõ và áp dụng.

Nếu áp dụng sử dụng hóa đơn điện tử cho tất cả các hộ kinh doanh nhỏ lẻ thì cần có chính sách hỗ trợ về thiết bị, phần mềm và tập huấn sử dụng ban đầu

Bà Đặng Thị Bình An, chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty tư vấn thuế C&A đề nghị Bộ Tài chính nên xem xét lại đề xuất trên.

Bởi nếu từ ngày 1/1/2016 Luật có hiệu lực thì khả năng tất cả người nộp thuế phải thực hiện mở tài khoản tại ngân hàng để tham gia nộp thuế điện tử là không thể.

Mặt khác, cơ quan thuế cũng cần phải có thời gian để doanh nghiệp chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử và hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế cho toàn bộ người nộp thuế. Đồng thời, thời gian tuyên truyền hướng dẫn người nộp thuế khai, nộp thuế điện tử. Do vậy quy định trên là không khả thi.

Mặt khác, theo bà An, ngay trong dự án Luật này còn có mâu thuẫn, không thống nhất khi quy định phía trên thì bắt buộc người nộp thuế phải sử dụng hóa đơn điện tử, còn ở dưới thì quy định Chính phủ có trách nhiệm xây dựng chính sách khuyến khích DN sử dụng hóa đơn điện tử.

Do đó, để người nộp thuế sử dụng hóa đơn điện tử thì nên đưa ra lộ trình thực hiện chứ không thể áp dụng ngay từ 1/1/2016.

Cần có lộ trình và những “bước lùi”

TS Nguyễn Đình Chiến, Khoa Thuế - Hải Quan của Học viện Tài chính đánh giá việc áp dụng hóa đơn điện tử là cần thiết trong xu thế cải cách thủ tục ngày nay. Tuy nhiên, TS Chiến cũng cho rằng việc áp dụng từ ngày 1/1/2016 là “hơi gấp” và cũng phần nào gây khó khăn cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ vốn đã quen với việc mua bán bằng hóa đơn giấy.

TS Nguyễn Đình Chiến nhận định cần có lộ trình hướng dẫn cụ thể, xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng để hỗ trợ cho các hộ kinh doanh thực hiện việc sử dụng hóa đơn điện tử trong giao dịch mua bán.

“Nếu áp dụng ngay từ 1/1/2016 sẽ rất khó khăn cho hộ kinh doanh. Do đó, nếu đã quyết tâm làm, cần triển khai đồng bộ, quyết liệt tất cả các hoạt động hỗ trợ cho hộ kinh doanh, nhưng đến cận thời điểm 1/1/2016 thì phải có sự xem xét, đánh giá tình hình cụ thể và nếu thấy cần thiết thì có thể có những bước lùi để đảm bảo hiệu quả trong thực hiện”, ông Chiến đánh giá.

Theo Báo Tuổi trẻ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,371

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]