Công an đề xuất quyền nổ súng khi bị người vi phạm tấn công

24/08/2016 08:24 AM

Theo dự thảo luật quản lý vũ khí, nếu bị người điều khiển phương tiện tấn công hoặc đe doạ trực tiếp đến tính mạng, cảnh sát được phép bắn để dừng phương tiện.

Bộ Công an đang lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thay thế cho Pháp lệnh về Sử dụng súng, công cụ hỗ trợ.

Theo dự thảo, những lực lượng được trang bị vũ khí gồm: quân đội nhân dân; dân quân tự vệ; công an nhân dân; kiểm lâm, kiểm ngư; lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của hải quan; hải quan cửa khẩu; an ninh hàng không.

Tổ chức, cá nhân được phép mang tối đa 10 khẩu súng ngắn quân dụng kèm theo cơ số đạn vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam để làm nhiệm vụ bảo vệ. Trường hợp mang nhiều hơn hoặc chủng loại khác phải được đồng ý của Thủ tướng.

Theo dự thảo, khi phát hiện người điều khiển phương tiện tấn công hoặc đe doạ trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác, cảnh sát có quyền nổ súng để dừng phương tiện đó.

Về nguyên tắc nổ súng, dự thảo quy định cán bộ làm nhiệm vụ chỉ được nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của người vi phạm và sau khi đã cảnh báo mà không được tuân theo. Được nổ súng ngay nếu thấy rằng việc nổ súng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cho bản thân hoặc người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.

Không nổ súng vào phụ nữ, người tàn tật, trẻ em, người già trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác. Trong mọi trường hợp nổ súng, người sử dụng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra.

Những trường hợp được nổ súng sau khi đã cảnh báo

Dự thảo cho phép người thi hành nhiệm vụ độc lập, trước khi nổ súng phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh hoặc bắn chỉ thiên với các trường hợp sau: nghi can đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực, phương tiện tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác; nghi can đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực, phương tiện gây rối trật tự công cộng uy hiếp nghiêm trọng tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác.

Quy tắc nổ súng này cũng được áp dụng với nghi phạm đang đánh tháo người bị giam, giữ, áp giải, dẫn giải do phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm; người bị giam, giữ, dẫn giải, áp giải do phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm đang chạy trốn hoặc chống lại; khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn nghi can tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội nguy hiểm, chạy trốn; cướp tang vật, phương tiện vi phạm.

Nổ súng để dừng phương tiện áp dụng thế nào

Theo dự thảo, người thi hành công vụ được phép bắn vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa (trừ phương tiện giao thông của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế) để dừng phương tiện. Tuy nhiên, việc này chỉ áp dụng trong trường hợp: người điều khiển phương tiện đó tấn công hoặc đe doạ trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác; khi biết rõ phương tiện đó do người phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin; khi biết rõ trên phương tiện cố tình chạy trốn có nghi can phạm tội hoặc vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy số lượng lớn, tài sản đặc biệt quý hiếm, bảo vật quốc gia, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin.

Bộ Công an cho rằng các quy định về nổ súng trong dự thảo sẽ đảm bảo chặt chẽ và thận trọng, tạo hành lang pháp lý cho các lực lượng chức năng trong khi thi hành nhiệm vụ.

Bá Đô

Theo VnExpress

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,114

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]