Trước thời điểm nghỉ hưu, ông Phước đang hưởng lương ngạch phóng viên, hệ số 4,98, hưởng phụ cấp thâm niên 16%. Ông Phước hỏi, ông được lấy mức lương nào để làm cơ sở tính lương hưu hàng tháng? Cách tính trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, trợ cấp khu vực và lương hưu hàng tháng như thế nào?
Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:
Các nội dung ông hỏi được quy định tại Luật BHXH số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014 và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Về tính lương hưu, Khoản 1, Điều 56 Luật BHXH quy định, “từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành cho đến trước ngày 1/1/2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH quy định tại Điều 62 của Luật này tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%”.
Tại Điều 62 Luật BHXH quy định về mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần đối với người lao động tham gia BHXH trước ngày 1/1/1995 mà có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
Trường hợp là sĩ quan quân đội chuyển ngành sang làm việc trong biên chế tại các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước hoặc chuyển ngành sang doanh nghiệp thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định rồi mới nghỉ hưu thì cách tính lương hưu được thực hiện theo quy định tại Khoản 3, Điều 11 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân.
Các khoản trợ cấp khi nghỉ hưu
Về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 58 Luật BHXH quy định: “1. Người lao động có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.
2. Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng BHXH thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH”.
Về tính trợ cấp khu vực một lần, theo Khoản 2, Điều 31 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, mức trợ cấp khu vực một lần đối với trường hợp quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 21 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ được tính như sau:
“a) Mức trợ cấp một lần đối với người hưởng lương hưu hoặc hưởng BHXH một lần hoặc thân nhân của người lao động chết được tính như sau:
Trong đó:
M: mức trợ cấp một lần đối với thời gian đóng BHXH có bao gồm phụ cấp khu vực.
Hi: hệ số phụ cấp khu vực i nơi người lao động đóng BHXH. Hệ số phụ cấp khu vực I được xác định theo quy định tại Khoản 3, Điều 21 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP.
Đối với thời gian công tác trước ngày 1/1/1995 thì tính theo hệ số phụ cấp khu vực quy định tại Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT ngày 5/1/2005 của Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và Uỷ ban Dân tộc.
Tj: số tháng đóng BHXH vào quỹ BHXH có bao gồm phụ cấp khu vực hệ số Hi.
15%: tỷ lệ đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất theo tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động.
Lmin: mức lương cơ sở tại tháng người lao động bắt đầu hưởng lương hưu hoặc BHXH một lần hoặc tháng người lao động chết”.
Việc tính hưởng chế độ BHXH đối với ông Phước căn cứ vào thời gian đóng BHXH, chức danh nghề nghiệp, địa bàn công tác, diễn biến tiền lương của ông được ghi nhận trên sổ BHXH. Đề nghị ông liên hệ với BHXH tỉnh Ninh Bình để cơ quan BHXH căn cứ hồ sơ thực tế, giải thích cụ thể các nội dung ông quan tâm.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ