Giải đáp 13 thắc mắc thường gặp về sổ BHXH, thẻ BHYT

26/09/2016 14:59 PM

Sau đây là tổng hợp các giải đáp thắc mắc của cơ quan bảo hiểm xã hội liên quan đến sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế.

Toàn văn giải đáp về sổ BHXH, thẻ BHYT bằng File Word

bảo hiểm xã hội bảo hiểm y tế

STT

Thắc mắc

Giải đáp

1

Thủ tục điều chỉnh thông tin trên thẻ BHYT

Bà Nguyễn Thị Lừa - Tỉnh Bình Thuận hỏi: Tôi hưởng chế độ hưu từ ngày 1/7/1984. Trên quyết định nghỉ hưu ghi tôi sinh tháng 1/1940. Tôi không có Giấy khai sinh, còn Giấy CMND ghi ngày sinh là 1/2/1940. Thẻ BHYT ghi ngày sinh của tôi là 1/1/1940. Vừa qua, tôi bị mất thẻ BHYT, tôi đã đến cơ quan BHXH đề nghị cấp lại thẻ và điều chỉnh ngày sinh theo Giấy CMND. Tuy nhiên, cơ quan BHXH không đồng ý với lý do quyết định hưu trí đã ghi ngày tháng năm sinh của tôi là tháng 1/1940. Tôi xin hỏi, tôi cần thực hiện thủ tục gì để được cấp lại thẻ BHYT với ngày sinh là 1/2/1940?

Căn cứ Quyết định số 144/QĐ/HTMS ngày 5/5/1984 của Ban thường vụ tỉnh ủy Thuận Hải quyết định cho bà Nguyễn Thị Lừa, sinh tháng 1/1940 về nghỉ hưởng trợ cấp hưu trí từ ngày 1/7/1984. Hiện nay, BHXH Bình Thuận thực hiện chi trả trợ cấp lưởng hưu hàng tháng và cấp thẻ BHYT có ngày sinh là 1/1/1940 cho bà Thị Lừa theo quy định.

Về việc yêu cầu điều chỉnh ngày sinh trên thẻ BHYT để khớp đúng với Giấy chứng minh nhân dân, căn cứ Khoản 2, Điều 25 Quyết định số 636/QĐ-BHXH ngày 22/4/2016, hồ sơ điều chỉnh thông tin về nhân thân đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng gồm:

- Đơn theo mẫu số 14-HSB (bản chính).

- Giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc trích lục thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc.

- Hồ sơ hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng do cơ quan BHXH quản lý (cơ quan BHXH cung cấp).

2

Thủ tục đổi tên trong sổ BHXH

Bà Nguyễn Thị Phương Thanh - TP. Hà Nội hỏi: Tôi vừa thực hiện việc đính chính tên trên giấy tờ tùy thân theo Giấy khai sinh. Tôi xin hỏi, tôi cần làm thủ tục gì để đính chính tên trong sổ BHXH?

Theo quy định tại Điểm 3.1, Khoản 3, Điều 29; Tiết b, Điểm 1.3, Khoản 1, Điều 34 và Mục I, Phụ lục 3 ban hành kèm theo Quyết định số 959/QĐ-BHXH ngày 9/9/2015 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành quy định về quản lý thu BHXH, BHYT, BHTN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT, trường hợp người lao động đề nghị cấp lại sổ BHXH do thay đổi họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, dân tộc, quốc tịch thành phần hồ sơ gồm:

- Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).

- Sổ BHXH.

- Giấy khai sinh.

Đề nghị bà Thanh hoàn thiện hồ sơ nộp cơ quan BHXH để được xem xét, giải quyết.

3

Cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi tại Hà Nội thế nào?

Bà  Đoàn Tuyết hỏi: Tôi có hộ khẩu tại tỉnh Nam Định, lấy chồng ở TP. Hà Nội. Con tôi khai sinh theo hộ khẩu mẹ. Hiện tôi và con đang sống ở TP. Hà Nội, con tôi chưa được đăng ký hộ khẩu ở đâu. Tôi xin hỏi, con tôi muốn được cấp thẻ BHYT tại TP. Hà Nội thì cần làm thủ tục gì?

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 1 và Khoản 2, Điều 4 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của liên Bộ Y tế - Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT, thì UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm lập danh sách tham gia BHYT cho toàn bộ trẻ em dưới 6 tuổi cư trú trên địa bàn (bao gồm cả thường trú và tạm trú), gửi cơ quan BHXH.

Căn cứ danh sách do UBND xã chuyển đến, cơ quan BHXH thực hiện cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Trường hợp con của bà theo nội dung hỏi, không nêu rõ cháu được cấp thẻ BHYT ở tỉnh Nam Định chưa? Tuy nhiên, để được cấp mới hoặc đổi thẻ BHYT tại TP. Hà Nội, bà phải đăng ký thường trú hoặc tạm trú cho cháu tại TP. Hà Nội, sau đó đến UBND xã nơi thường trú hoặc tạm trú để được hướng dẫn và làm thủ cấp thẻ BHYT.  

4

Trường hợp nào được cấp thẻ BHYT người có công?

Bà Nguyễn Kim Quy - Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh hỏi: Tôi được giải quyết chế độ hưu trí từ ngày 1/12/2015. Trước đó, trong năm 2014 tôi có nhận được quyết định về việc thực hiện chế độ cho đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Vậy, thẻ BHYT hưu trí của tôi có được hưởng theo chế độ BHYT đối với người có công không?

Trường hợp của ông thuộc diện tham gia BHYT theo đối tượng hưu trí, đồng thời cũng thuộc đối tượng người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc. Vì vậy, ông được đổi mã quyền lợi ghi trên thẻ BHYT theo mã quyền lợi của đối tượng người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế, có ký hiệu ghi trên thẻ BHYT là HT2 được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh thuộc phạm vi được hưởng BHYT.

Đề nghị ông liên hệ với cơ quan BHXH nơi cấp thẻ BHYT để được hướng dẫn và đổi thẻ theo quy định.

5

Đổi mã thẻ BHYT thế nào?

Ông Bùi Văn Xuân - TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai hỏi: Tôi nhập ngũ ngày 3/4/1975, cấp bậc Đại uý, chuyển ngành năm 1988. Năm 1993, tôi nghỉ mất sức lao động. Năm 2001, tôi được giám định lại, tỷ lệ mất sức lao động là 86%, đến nay vẫn nhận trợ cấp và hưởng BHYT ở mức 95% chi phí khám, chữa bệnh. Nay tôi muốn chuyển BHYT sang đối tượng Cựu chiến binh có được không?

Căn cứ Điểm 2, Khoản 15, Điều 1 Luật số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng có quyền lợi cao nhất.

Trường hợp của ông (theo nội dung hỏi) thuộc diện tham gia BHYT theo đối tượng người hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, đồng thời cũng thuộc đối tượng cựu chiến binh . Vì vậy, ông được đổi thẻ BHYT theo mã quyền lợi hưởng BHYT của đối tượng cựu chiến binh, có ký hiệu ghi trên thẻ BHYT là HT2, được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh thuộc phạm vi được hưởng BHYT.

Đề nghị ông liên hệ với cơ quan BHXH quận (huyện) nơi cấp thẻ BHYT để được hướng dẫn.

6

Có thể đổi mã thẻ BHYT cán bộ hưu sang thân nhân liệt sĩ?

Bà Lê Thị Phương - Quận10, TP. Hồ Chí Minh hỏi: Tôi là vợ liệt sĩ không tái giá. Trước đây tôi được nhận thẻ BHYT ký hiệu TS2, tháng 10/2015 tôi nghỉ hưu chỉ được nhận thẻ BHYT ký hiệu HT3. Vậy, tôi có thể đổi lại thẻ BHYT như trước đây là TS2 được không? Nếu được, tôi phải làm thủ tục gì và tại cơ quan nào?

Theo Điểm 2, Khoản 15, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, trường hợp của bà thuộc diện tham gia BHYT theo đối tượng người hưởng lương hưu hàng tháng, đồng thời cũng thuộc đối tượng thân nhân liệt sĩ. Vì vậy, bà được đổi thẻ BHYT theo mã quyền lợi hưởng BHYT của đối tượng thân nhân liệt sĩ, có ký hiệu ghi trên thẻ BHYT là HT2, được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh thuộc phạm vi được hưởng BHYT.

Bà có thể liên hệ với cơ quan BHXH nơi cấp thẻ BHYT để được hướng dẫn và đổi thẻ BHYT theo quy định.

7

Thời hạn sử dụng thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi

Ông Phan Hải Huy - Tỉnh Vĩnh Phúc hỏi:  Con tôi sinh tháng 4/2016, được cấp thẻ BHYT thời hạn đến ngày 31/12/2016. Theotôi được biết, thẻ BHYT của trẻ có thời hạn 72 tháng, còn theo giải thích của cán bộ phường thì từ năm 2016, thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi có thời hạn từng năm, đến cuối năm sẽ được đổi thẻ. Tôi xin hỏi, cán bộ phường giải thích như vậy có đúng không? Hiện nay có quy định mới nào về thời hạn sử dụng thẻ BHYT của trẻ dưới 6 tuổi không?

Theo quy định tại Khoản 10, Điều 1, Luật số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, “đối với trẻ em dưới 6 tuổi thì thẻ BHYT có giá trị sử  dụng đến ngày trẻ đủ 72 tháng tuổi. Trường hợp trẻ đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày 30/9 của năm đó”.

Tuy nhiên, để hoàn thiện dữ liệu quản lý người tham gia BHYT và cấp số định danh cá nhân cho người tham gia BHYT theo hướng dẫn tại Điểm a, Khoản 1, Điều 5 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của liên Bộ Y tế - Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật BHYT, BHXH Việt Nam đã có Công văn số 4911/BHXH-ST ngày 4/12/2015 hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương việc cấp thẻ BHYT, gia hạn thẻ BHYT sử dụng trong năm 2016 có thời hạn ghi trên thẻ BHYT đến hết ngày 31/12/2016.

Tiếp theo Công văn nêu trên, BHXH Việt Nam có Công văn số 965/BHXH-ST ngày 23/3/2016 hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương việc cấp mới, gia hạn thẻ BHYT hết thời hạn sử dụng trong năm 2016 (bao gồm cả việc gia hạn thẻ BHYT đối với trẻ em dưới 6 tuổi), có thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT theo đúng thời hạn quy định của Luật BHYT số 46/2014/QH13.

8

Trường hợp được gia hạn thẻ BHYT đến hết 2016

Bà Mai Thị Minh (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) hỏi: Người được cấp thẻ BHYT theo đối tượng DK2 từ năm 2015, gia hạn sử dụng đến ngày 30/6/2016 thì từ ngày 1/7/2016 có được cấp thẻ BHYT mới không?

Đối với việc cấp thẻ BHYT cho nhóm đối tượng là người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn tiếp theo, ngày 10/6/2016 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Công văn số 1018/TTg-KGVX về việc tăng cường phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHYT và tin học hóa công tác giám định, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT, trong đó tại tiết a, điểm 1 văn bản có nêu:

 “Trong thời gian chưa có quyết định mới Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạm thời căn cứ quy định tại Điều 1, Quyết định số 539/QĐ-TTg ngày 1/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013 – 2015 làm căn cứ lập danh sách mua thẻ BHYT cho người dân sinh sống tại các địa bàn này từ ngân sách Nhà nước”.

BHXH Việt Nam đã có chỉ đạo đối với BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo đảm việc gia hạn, đổi thẻ BHYT cho người tham gia BHYT sử dụng đến hết năm 2016. Khi có quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam sẽ kịp thời triển khai để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia.

9

Vì sao NLĐ lại được giữ sổ BHXH?

Bà Phạm Thị Mai, Sóc Sơn, Hà Nội: tôi đã làm việc cho công ty liên doanh tại khu công nghiệp hơn 3 năm. Trong suốt thời gian đó, tuy có đóng BHXH nhưng tôi không bao giờ biết đến sổ BHXH, chỉ đến khi tôi xin thôi việc (tháng 12 năm 2015) để chuyển đi làm tại một công ty khác gần nhà hơn tôi mới nhận được sổ BHXH của mình. Đến công ty mới, tôi  đã được ký hợp đồng chính thức và đóng BHXH từ tháng 01 năm 2016, tuy nhiên tôi thấy công ty đã trả lại tôi sổ BHXH. Thưa quý cơ quan, liệu tôi có nên lo ngại khả năng tôi vẫn bị trừ lương để đóng BHXH mà công ty lại không nộp BHXH cho tôi không? Vì sao họ lại trả sổ BHXH lại cho tôi?

Bạn không nên lo ngại vì cơ quan cũ giữ sổ BHXH mà nay cơ quan mới giao sổ BHXH để bạn giữ. Điều này hoàn toàn đúng với pháp luật BHXH, theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 và Khoản 3 Điều 19 Luật BHXH năm 2014, có hiệu lực từ 01/01/2016 thì người lao động tham gia BHXH được cấp sổ BHXH sẽ được quản lý và bảo quản sổ BHXH của mình (trừ trường hợp đã giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất).

Về câu hỏi Công ty có đóng BHXH đầy đủ cho bạn không, điều này người lao động có quyền giám sát người sử dụng lao động trong việc tham gia BHXH. Quyền này được quy định tại Khoản 7 Điều 18 Luật BHXH năm 2014 như sau: “định kỳ 06 tháng người lao động được người sử dụng lao động cung cấp thông tin về đóng bảo BHXH; định kỳ hằng năm được cơ quan BHXH xác nhận về việc đóng BHXH; được yêu cầu ngư­ời sử dụng lao động và cơ quan BHXH cung cấp thông tin về việc đóng, hưởng BHXH”./.

10

Thủ tục cấp lại sổ BHXH

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh - TP Hồ Chí Minh hỏi: Công ty tôi có một trường hợp lao động Bùi Văn Thuỵ hiện đã làm tại công ty 3 năm, Công ty có đóng bảo hiểm đầy đủ cho lao động này nhưng lại đóng bảo hiểm dựa trên số sổ lao động do Công ty cũ cung cấp. Nay Công ty cũ của ông Thuỵ đã phá sản, làm mất sổ BHXH và không chốt sổ BHXH cho ông Thuỵ. Vậy cho tôi hỏi thủ tục xin cấp lại sổ BHXH ghi nhận quá trình đóng BHXH 3 năm của ông Thụy tại công ty tôi.

Trường hợp khi nghỉ việc tại công ty cũ người lao động chưa nhận lại sổ BHXH (sổ đã chốt), nay công ty cũ đã giải thể (hoặc phá sản hoặc chuyển đi không để lại địa chỉ) thì người lao động lập hồ sơ đề nghị cấp lại sổ BHXH theo phiếu GNHS 305, trong Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH, BHYT (mẫu TK1-TS) NLĐ cần ghi rõ khi nghỉ việc chưa nhận sổ BHXH và nay công ty đã giải thể nộp cho cơ quan BHXH nơi công ty cũ đóng BHXH để được giải quyết cấp lại sổ BHXH và chốt sổ. Bà Oanh có thể tham khảo thủ tục hồ sơ tại địa chỉ: http://bhxhtphcm.gov.vn/thu-tuc-ho-so-mot-cua/7/thu-tuc-ho-so-so-bhxh-the-bhyt/

11

Việc điều chỉnh thời hạn thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi

Bà Trần Thị Thu Hiền - Quận 8, TP. Hồ Chí Minh: Tôi được biết, theo quy định, nếu trẻ đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày 30/9 của năm đó. Tuy nhiên, theo trả lời của cán bộ bệnh viện thì giá trị sử dụng căn cứ thời hạn ghi trên thẻ BHYT. Tôi xin hỏi, tôi có phải đi đổi lại thẻ BHYT cho con không? Nếu phải đổi thì thủ tục như thế nào?

Khoản 10, Điều 1 Luật số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung Luật BHYT có hiệu lực thi hành từ 1/1/2015 quy định: “Đối với trẻ em dưới 6 tuổi, thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày trẻ đủ 72 tháng tuổi. Trường hợp trẻ đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày 30 tháng 9 của năm đó”.

Ngày 17/12/2014, BHXH Việt Nam đã có Công văn số 4996/BHXH-CSYT hướng dẫn một số nội dung theo quy định của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung, trong đó hướng dẫn cụ thể việc thu hồi, đổi thẻ cho đối tượng là trẻ em dưới 6 tuổi đã được cấp thẻ BHYT nhưng chưa đến kỳ nhập học.

Vì vậy, để điều chỉnh thông tin về thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT cho trẻ, đề nghị bà liên hệ với cơ quan BHXH nơi cấp thẻ BHYT để được hướng dẫn và đổi thẻ BHYT theo quy định./.

12

Thẻ BHYT đối với trường hợp nghỉ việc

Ông Nguyễn Xuân Thủy - Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội hỏi: Tôi xin hỏi, trường hợp người lao động đang làm thủ tục cấp lại thẻ BHYT thì nhận được quyết định cho nghỉ việc. Trong trường hợp này người sử dụng lao động có báo giảm BHXH ngay được không hay phải chờ người lao động nhận thẻ BHYT rồi mới báo giảm BHXH?

Theo Điều 19, Tiết 1.4, Khoản 1, Điều 71 Quyết định số 1111/QĐ-BHXH ngày 25/10/2011 của BHXH Việt Nam quy định quản lý thu BHXH, BHYT, quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT và Điều 1 Quyết định số 1018/QĐ-BHXH ngày 10/10/2014 của BHXH Việt Nam sửa đổi một số nội dung tại các quyết định ban hành quy định quản lý thu, chi BHXH, BHYT đối với người lao động nghỉ việc (căn cứ quyết định nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động) thì đơn vị sử dụng lao động thực hiện báo giảm lao động kịp thời.

Trường hợp người lao động đang làm thủ tục cấp lại thẻ BHYT, nếu cơ quan BHXH chưa phát hành thẻ BHYT cho người lao động thì đơn vị thông báo ngay với cơ quan BHXH để thu hồi thẻ BHYT, nếu cơ quan BHXH đã in và phát thẻ BHYT cho người lao động thì đơn vị thực hiện thu hồi và chuyển cho cơ quan BHXH thẻ đã cấp./.

13

Điều kiện chuyển đổi thẻ BHYT sang mã quyền lợi cao hơn

Bà Mai Thị Cánh - Số 148 Lương Đình Của, phường Thủ Thiêm, quận 2, TP Hồ Chí Minh hỏi: Tôi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, có Huân Huy chương kháng chiến chống Mỹ, đến năm 1976 chuyển ngành. Năm 1991 tôi nghỉ mất sức do sức khỏe yếu. Tôi đang sử dụng thẻ BHYT mã số HT5791002200031, có thời hạn đến hết ngày 31/12/2015, nay tôi mới nhận BHYT mới mã số 7791001900001. Xin hỏi, tại sao tôi không được hưởng 100% BHYT đối với người có công?

Căn cứ Luật BHYT sửa đổi, bổ sung (Luật số 46/2014/QH13, có hiệu lực từ ngày 1/1/2015); Công văn số 4996/BHXH-CSYT ngày 17/12/2014 của BHXH Việt Nam về việc hướng dẫn một số nội dung theo quy định của Luật BHYT sửa đổi; Công văn số 2061/BHXH-CSYT ngày 29/6/2015 của BHXH Thành phố Hồ Chí Minh về việc chuyển đổi mã quyền lợi trên thẻ BHYT.

Theo đó, đối với Cựu chiến binh đã tham gia kháng chiến từ ngày 30/4/1975 trở về trước quy định tại Nghị định số 150/20016/NĐ-CP ngày 12/12/2006 của Chính phủ, thì thẻ BHYT được chuyển đổi sang mã quyền lợi cao hơn (số 2) khi có một trong các loại giấy tờ có liên quan đến thời gian tham gia kháng chiến như:

- Huân chương kháng chiến, Huy chương kháng chiến, Huân chương chiến thắng, Huy chương chiến thắng.

- Chứng nhận về khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến và thời gian hoạt động kháng chiến của cơ quan Thi đua – Khen thưởng cấp huyện.

- Giấy Chứng nhận thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh.

- Giấy xác nhận của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (nơi đăng ký hưởng trợ cấp hàng tháng hoặc đã giải quyết trợ cấp một lần) theo công văn số 467/NCC ngày 17/6/2010 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

- Lý lịch quân nhân, lý lịch cán bộ công chức, viên chức, phiếu quân nhân, lý lịch đảng viên, Quyết định hưởng chế độ hưu trí hoặc bản khai quá trình tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí hoặc sổ BHXH (có ghi nhận thời gian tham gia kháng chiến đã được phê duyệt).

- Quyết định hưởng chế độ trợ cấp theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuấ ngũ về địa phương.

Đối chiếu với quy định trên thì hồ sơ bà Cánh cung cấp (bản sao Huy chương Kháng chiến) là đúng quy định. Đề nghị bà lập hồ sơ theo Phiếu GNHS 402, kèm theo thẻ BHYT thuộc đối tượng mất sức lao động có mã thẻ MS7791001900001 và 1 bản sao Huy chương kháng chiến nộp cho BHXH quận 2 để được chuyển đổi sang mã quyền lợi cao hơn số 2.

Đối với thẻ BHYT thuộc đối tượng hưu trí có mã thẻ HT5791002200031 mà bà đang lưu trữ: Bà thuộc đối tượng hưởng trợ cấp mất sức lao động theo Quyết định số 613/QĐ-TTg. Tuy nhiên, tại thời điểm năm 2012 do sơ xuất nên BHXH Quận 2 đã cấp nhầm thẻ BHYT thuộc đối tượng hưu trí có mã thẻ HT5791002200031. Đến năm 2014, bà được BHXH Quận 2 cấp thẻ BHYT thuộc đối tượng mất sức lao động có mã thẻ MS7791001900001 là đúng đối tượng theo quy định và thẻ BHYT có mã thẻ HT5791002200031 không còn giá trị.

Thanh Hữu (tổng hợp)

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 36,914

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]