Tuổi đảng là gì? Cách tính tuổi đảng của đảng viên (Hình từ internet)
Theo khoản 4 Điều 5 Điều lệ Đảng 2011 thì đảng viên đã được công nhận chính thức thì tuổi đảng của đảng viên được tính từ ngày ghi trong quyết định kết nạp trừ thời gian không tham gia sinh hoạt Đảng.
Còn tại Hướng dẫn 01-HD/TW ngày 28/9/2021, tuổi đảng của đảng viên được tính từ ngày cấp có thẩm quyền ký quyết định kết nạp đảng viên, nếu không có quyết định kết nạp hoặc không còn lưu giữ được quyết định kết nạp thì lấy ngày vào Đảng ghi trong thẻ đảng viên.
(Trường hợp người đã ra khỏi Đảng mà trước đó đã được xác nhận tuổi đảng thì không được tính lại tuổi đảng theo quy định này).
Như vậy, tuổi đảng là thời gian mà đảng viên tham gia sinh hoạt Đảng sau khi được kết nạp.
Đối với những người bị đưa ra khỏi Đảng đã được cấp có thẩm quyền thẩm tra, xác minh, kết luận là bị oan, sai và từ khi đưa ra khỏi Đảng đến nay không vi phạm tư cách đảng viên được khôi phục quyền đảng viên thì tuổi đảng được tính liên tục.
Đảng viên có trách nhiệm truy nộp đủ số đảng phí cho chi bộ trong thời gian gián đoạn sinh hoạt đảng theo mức đóng đảng phí quy định trong thời gian đó.
Với đảng viên kết nạp lại thì tuổi đảng tính từ ngày ra quyết định kết nạp lần đầu của Đảng viên đó trừ thời gian không tham gia sinh hoạt Đảng. Việc tính lại tuổi đảng của đảng viên kết nạp lại được thực hiện theo các bước sau:
- Bước 1: Đảng viên được kết nạp lại phải làm bản kê khai về tuổi đảng của mình, báo cáo chi bộ.
- Bước 2: Chi bộ thẩm tra, báo cáo Đảng ủy cơ sở. Đảng ủy cơ sở thẩm định, báo cáo cấp ủy cấp trên trực tiếp.
- Bước 3: Ban thường vụ cấp ủy cấp trên trực tiếp xem xét, ra quyết định tính lại tuổi đảng cho đảng viên (việc tính lại tuổi đảng đối với đảng viên bị khai trừ có thời hạn theo quy định của Điều lệ Đảng khoá II, thời gian mất liên lạc với tổ chức đảng và thời gian gián đoạn do chuyển sinh hoạt đảng thực hiện theo quy định này).
Đảng viên có đủ 30, 40, 45, 50, 55, 60, 65, 70, 75, 80, 85, 90 năm tuổi đảng thì được xét tặng Huy hiệu Đảng.
Theo Hướng dẫn 12-HD/BTCTW năm 2022: Đảng viên có đủ 30, 40, 45, 50, 55, 60, 65, 70, 75, 80, 85, 90 năm tuổi đảng làm tờ khai đề nghị chi bộ; đảng viên mất Huy hiệu Đảng làm bản tường trình nói rõ lý do bị mất Huy hiệu Đảng đề nghị chi bộ; đối với đảng viên đã từ trần thì người thân trong gia đình làm tờ khai đề nghị chi bộ xem xét.
Xem thêm: 12 loại Huy hiệu Đảng và mức tiền thưởng Huy hiệu Đảng năm 2023
Đảng viên sinh hoạt đảng tạm thời khi có đủ 30, 40, 45, 50, 55, 60, 65, 70, 75, 80, 85, 90 năm tuổi đảng, làm tờ khai đề nghị tặng Huy hiệu Đảng, báo cáo chi bộ nơi sinh hoạt đảng tạm thời ghi ý kiến nhận xét vào bản khai, sau đó đảng viên báo cáo với chi bộ nơi sinh hoạt chính thức xét tặng Huy hiệu Đảng.
Đảng viên có đủ tiêu chuẩn xét tặng Huy hiệu Đảng nhưng chuyển sinh hoạt đảng chính thức đến đảng bộ khác, thì tổ chức đảng nơi đảng viên chuyển đi xét tặng Huy hiệu Đảng cho đảng viên trước khi làm thủ tục chuyển sinh hoạt đảng. Tổ chức lễ trao tặng Huy hiệu Đảng ở nơi đảng viên chuyển đến.