06 lưu ý khi đặt tên doanh nghiệp theo quy định mới nhất 2021

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
07/01/2021 09:58 AM

Tên doanh nghiệp là một trong các yếu tố quan trọng khi thành lập doanh nghiệp. Theo đó, chủ doanh nghiệp khi đặt tên doanh nghiệp cần lưu ý 06 quy định sau đây tại Luật Doanh nghiệp 2020.

Tên doanh nghiệp

06 điều cần lưu ý khi đặt tên doanh nghiệp theo quy định mới nhất 2021 (Ảnh minh hoạ)

1. Tên doanh nghiệp phải bao gồm 02 thành tố theo thứ tự gồm:

- Loại hình doanh nghiệp:

Loại hình doanh nghiệp được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần; được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh; được viết là “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân.

- Tên riêng:

Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.

(Theo Khoản 1, 2, 3 Điều 37).

2. Địa điểm gắn tên doanh nghiệp

- Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp.

- Ngoài ra, tên doanh nghiệp phải được ghi trong giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.

(Theo Điều 23, 28, Khoản 4 Điều 37).

3. Có thể đặt tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh

- Cụ thể, tên doanh nghiệp tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài.

- Trường hợp doanh nghiệp có tên bằng tiếng nước ngoài, tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp hoặc trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.

Như vậy, chủ doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý những hệ thống ngôn ngữ khác không phải hệ chữ La-tinh sẽ không được chấp nhận để đặt tên cho doanh nghiệp (ví dụ hệ chữ viết mang tính tượng hình tượng thanh như Kana của Nhật, chữ Hán, chữ Ả Rập...sẽ không được chấp nhận). 

(Theo Khoản 1, 2 Điều 39).

4. Tên viết tắt của doanh nghiệp phải được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài (theo Khoản 3 Điều 39)

5. Những điều cấm trong việc đặt tên doanh nghiệp

Chủ doanh nghiệp cần chú ý không vi phạm các điều cấm sau đây khi đặt tên doanh nghiệp:

- Đặt tên trùng với tên của doanh nghiệp đã đăng ký, cụ thể: Tên trùng là tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được viết hoàn toàn giống với tên tiếng Việt của doanh nghiệp đã đăng ký.

- Đặt tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký, gồm:

 + Tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được đọc giống tên doanh nghiệp đã đăng ký;

+ Tên viết tắt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký;

+ Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký;

+ Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, một số thứ tự hoặc một chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, chữ F, J, Z, W được viết liền hoặc cách ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó;

+ Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một ký hiệu “&” hoặc “và”, “.”, “,”, “+”, “-”, “_”;

+ Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc từ “mới” được viết liền hoặc cách ngay sau hoặc trước tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký;

+ Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một cụm từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông”;

+ Tên riêng của doanh nghiệp trùng với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký.

- Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.

- Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

(Theo Điều 38; Khoản 1, 2 Điều 41).

6. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh

- Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu.

- Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “Chi nhánh” đối với chi nhánh, cụm từ “Văn phòng đại diện” đối với văn phòng đại diện, cụm từ “Địa điểm kinh doanh” đối với địa điểm kinh doanh.

(Theo Khoản 1, 2 Điều 40).

Cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền từ chối chấp thuận tên dự kiến đăng ký của doanh nghiệp nếu vi phạm các quy định nêu trên.

>>> Xem thêm: Doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh muốn thành lập sàn giao dịch bất động sản và đặt tên khác với tên doanh nghiệp thì có được không?

Đăng ký thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên nhưng bị từ chối vì tên doanh nghiệp gây nhầm lẫn thì làm gì để được cấp tên doanh nghiệp?

Đặt trùng tên với tên trung tâm dạy thêm đã có trước đó có xem là hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại không?

 

Thùy Liên

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 98,662

Bài viết về

Luật Doanh nghiệp 2020

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]