Điểm mới về thi chứng chỉ dịch vụ làm thủ tục thuế tại Thông tư 10/2021/TT-BTC

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
25/02/2021 11:04 AM

Những điểm mới về việc thi chứng chỉ dịch vụ thủ tục về thuế được quy định tại Thông tư 10/2021/TT-BTC như sau:

Điểm mới về thi chứng chỉ dịch vụ làm thủ tục thuế trong Thông tư 10/2021/TT-BTC (Ảnh minh họa)

1. Về điều kiện dự thi cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế:

Theo điều 4 Thông tư 10/2021/TT-BTC, điều kiện dự thi được quy định như sau:

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc ngành, chuyên ngành kinh tế, thuế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật hoặc có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc các chuyên ngành khác mà có tổng số đơn vị học trình hoặc tín chỉ hoặc tiết học của các môn học kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, thuế, phân tích hoạt động tài chính từ 7% trở lên trên tổng số học trình hoặc tín chỉ hoặc tiết học cả khóa học.

Trước đây, theo Thông tư 117/2012/TT-BTC quy định:

“Có bằng tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên thuộc các ngành kinh tế, thuế, tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán, luật hoặc các chuyên ngành khác và có tổng số đơn vị học trình (hoặc tiết học) các môn học về tài chính, kế toán, kiểm toán, phân tích hoạt động tài chính, thuế từ 7% trên tổng số học trình (hoặc tiết học) cả khóa học trở lên và đã có thời gian làm việc trong lĩnh vực này từ đủ hai (02) năm trở lên tính từ thời gian tốt nghiệp ghi trên quyết định hoặc văn bằng tốt nghiệp đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi.”

So với quy định mới thì quy định cũ chỉ yêu cầu bằng cao đẳng trở lên thuộc các ngành quy định, quy định mới bổ sung thêm chuyên ngành khác và có tổng số đơn vị học trình (hoặc tiết học) từ 7% trên tổng số học trình (hoặc tiết học) cả khóa học trở lên là: kinh tế);

- Có thời gian công tác thực tế về thuế, tài chính, kế toán, kiểm toán từ 36 tháng trở lên. Thời gian công tác thực tế được tính cộng dồn từ thời gian tốt nghiệp ghi trên bằng đại học (hoặc sau đại học) đến thời điểm đăng ký dự thi (theo quy định cũ thì thời gian công tác là 2 năm);

2. Về hồ sơ dự thi và thức nộp hồ sơ:

Theo Điều 5 Thông tư 10, hồ sơ đăng ký dự thi bao gồm:

- Đơn đăng ký dự thi theo Mẫu 1.1 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

- Bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này; nếu bằng tốt nghiệp không thuộc ngành, chuyên ngành kinh tế, thuế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật, người dự thi phải nộp kèm bảng điểm ghi rõ số đơn vị học trình hoặc tín chỉ hoặc tiết học của tất cả các môn học (bản scan); (Bổ sung thêm bảng điểm nếu không thuộc ngành, chuyên ngành kinh tế, thuế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật)

- Giấy xác nhận thời gian công tác theo Mẫu 1.2 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này hoặc sổ bảo hiểm xã hội chứng minh thời gian công tác theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư này (bản scan); (Quy định mới)

- CMND hoặc thẻ CCCD (đối với người Việt Nam) trong trường hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa đưa vào vận hành hoặc hộ chiếu (đối với người nước ngoài) còn hiệu lực đến thời điểm đăng ký dự thi (bản scan) ( bổ sung thêm quy định được gạch chân)

- Một ảnh màu 3x4 cm nền trắng chụp trong thời gian 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự thi (file ảnh).

So với quy định cũ, thành phần hồ sơ đã bỏ đi những thành phần: sơ yếu lý lịch, giấy miễn môn thi, ảnh mầu cỡ 4 x 6 chụp trong thời gian sáu (06) tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự thi; hai (02) phong bì có dán tem và ghi rõ họ, tên, địa chỉ người nhận thông báo thi, lịch thi, kết quả thi.

*Đối với trường hợp đăng ký thi tiếp môn thi chưa thi hoặc thi lại môn thi chưa đạt yêu cầu, hồ sơ gồm:

- Đơn đăng ký dự thi theo Mẫu 1.1 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

- CMND hoặc thẻ CCCD (đối với người Việt Nam) trong trường hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa đưa vào vận hành hoặc hộ chiếu (đối với người nước ngoài) còn hiệu lực đến thời điểm đăng ký dự thi (quy định mới);

- File một ảnh màu 3x4 cm nền trắng chụp trong thời gian 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự thi (không còn thành phần hồ sơ: ảnh mầu cỡ 4 x 6 chụp trong thời gian sáu (06) tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự thi; hai (02) phong bì có dán tem và ghi rõ họ, tên, địa chỉ người nhận thông báo thi, lịch thi, kết quả thi ).

So với trước đây, quy định mới đã không còn yêu cầu bản chụp không cần chứng thực chứng nhận điểm thi do Hội đồng thi thông báo.

*Phương thức nộp hồ sơ:

Theo Quy định mới, người dự thi nộp hồ sơ dự thi bằng phương thức điện tử qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Trước đây: Quy định nộp hồ sơ dự thi trực tuyến tại Tổng cục Thuế hoặc nộp qua đường bưu chính (khoản 3 Điều 12 Thông tư 117/2012/TT-BTC).

3. Về chi phí dự thi, số lượng kỳ thi và hình thức xử lí vi phạm

*Chi phí dự thi:

Theo khoản 1 Điều 6 Thông tư 10, chi phí dự thi được nộp bằng tiền mặt hoặc thông qua thanh toán điện tử. Trường hợp người dự thi đã nộp chi phí dự thi nhưng bỏ thi thì không được hoàn trả lại khoản chi phí đã nộp.

Trước đây: Không quy định.

*Số lượng kỳ thi:

- Theo khoản 1 Điều 8 Thông tư 10,  mỗi năm Tổng cục Thuế tổ chức ít nhất 01 kỳ thi.

Trước đây: Tại khoản 3 Điều 1 Thông tư 51/2017/TT-BTC quy định mỗi năm tổ chức ít nhất 02 kỳ thi.

*Hình thức xử lý vi phạm đối với người dự thi:

Theo Điều 9 Thông tư 10, chỉ quy định các hình thức xử lý vi phạm đối với người dự thi. Xử lý vi phạm cụ thể đối với người dự thi được thực hiện theo quy chế thi do Tổng cục Thuế ban hành.

Trước đây: Tại khoản 4 Điều 13 Thông tư 117/2012/TT-BTC quy định cụ thể về xử lý vi phạm đối với người dự thi.

4. Về miễn môn thi

*Thu hẹp đối tượng được miễn môn thi pháp luật về thuế như sau:

- Có thời gian 60 tháng liên tục tính đến thời điểm nghỉ hưu, nghỉ việc, giữ ngạch chuyên viên, kiểm tra viên thuế, chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng III) và có thời gian làm công tác quản lý thuế hoặc giảng dạy nghiệp vụ thuế tối thiểu 36 tháng (được tính cộng dồn trong 05 năm làm việc đến thời điểm nghỉ hưu, nghỉ việc);

- Không bị kỷ luật hành chính trong thi hành công vụ từ hình thức khiển trách trở lên trong thời gian 24 tháng tính đến thời điểm nghỉ hưu, nghỉ việc (quy định cũ là 03 năm);

So với trước đây, quy định mới cho phép miễn môn thi khi có thời gian làm công tác quản lý thuế hoặc giảng dạy nghiệp vụ thuế tối thiểu 36 tháng (được tính cộng dồn trong 05 năm làm việc đến thời điểm nghỉ hưu, nghỉ việc). Ngoài ra, quy định mới còn yêu cầu đối với chức danh nghề nghiệp giảng viên hạng (III)

Không còn quy định miễn môn thi với người đã tốt nghiệp Đại học chuyên ngành pháp luật kinh tế và có chứng chỉ hành nghề luật sư.

*Quy định mới hoàn toàn về đối tượng miễn thi môn kế toán:

Theo khoản 2 Điều 11 Thông tư 10, đối tượng miễn thi môn kế toán như sau:

- Người đã tốt nghiệp đại học, sau đại học thuộc ngành, chuyên ngành kế toán, kiểm toán và có thời gian làm kế toán, kiểm toán 60 tháng liên tục trở lên tính đến thời điểm đăng ký xét miễn môn thi. Thời gian làm kế toán, kiểm toán được tính sau khi tốt nghiệp đại học, sau đại học thuộc ngành, chuyên ngành kế toán, kiểm toán đến thời điểm đăng ký xét miễn môn thi;

- Người đã đạt yêu cầu môn thi kế toán tài chính, kế toán quản trị nâng cao và còn trong thời gian bảo lưu tại kỳ thi cấp chứng chỉ kế toán viên, kiểm toán viên do Bộ Tài chính tổ chức.

Trước đây:

“Điều 14. Miễn môn thi

1. Miễn thi môn kế toán

a) Người đăng ký dự thi đã có chứng chỉ hành nghề kế toán, chứng chỉ kiểm toán viên do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của Bộ Tài chính

b) Người đã làm giảng viên của môn học kế toán tại các trường đại học, cao đẳng có thời gian công tác liên tục từ năm (05) năm trở lên, sau khi thôi làm giảng viên (không bao gồm trường hợp bị kỉ luật buộc thôi việc) mà đăng ký dự thi lấy chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế trong thời hạn ba (03) năm kể từ ngày có quyết định chuyển công tác, nghỉ hưu hoặc nghỉ việc.

c) Người đã làm việc trong lĩnh vực kế toán tại các tổ chức như: cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có trình độ từ cao đẳng trở lên thuộc chuyên ngành kế toán hoặc kiểm toán và có thời gian công tác trong lĩnh vực kế toán liên tục từ năm (05) năm trở lên, trừ đối tượng là cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật.”

So với trước đây, quy định mới đã thay đổi hầu như toàn bộ về đối tượng được miễn thi.

*Sửa đổi quy định về miễn môn thi pháp luật về thuế và môn thi kế toán như sau:

- Người có chứng chỉ kiểm toán viên hoặc chứng chỉ kế toán viên do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định.

- Người đã có thời gian làm việc trong ngành thuế tối thiểu 10 năm liên tục tính đến thời điểm nghỉ hưu, nghỉ việc, đáp ứng các điều kiện sau:

+ Đã giữ ngạch chuyên viên, kiểm tra viên thuế, chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng III) tối thiểu 10 năm hoặc có ngạch chuyên viên chính, kiểm tra viên chính, chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II) trở lên và có thời gian làm công tác quản lý thuế hoặc giảng dạy nghiệp vụ thuế tối thiểu 60 tháng (được tính cộng dồn trong 10 năm làm việc đến thời điểm nghỉ hưu, nghỉ việc);

+ Không bị kỷ luật hành chính trong thi hành công vụ từ hình thức khiển trách trở lên trong thời gian 24 tháng tính đến thời điểm nghỉ hưu, nghỉ việc (quy định cũ là 03 năm).

+ Đăng ký xét miễn môn thi trong thời gian 36 tháng kể từ tháng nghỉ hưu, nghỉ việc.

Trước đây, không có quy định về thời gian giữ các ngạch trên là 10 năm. Quy định mới  còn quy định về các ngạch có thời gian công tác tối thiểu là 05 năm phải là chuyên viên chính, kiêm tra viên chính, chức danh giàng viên (hạng II).

Trung Tài

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,307

Bài viết về

lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]